Anh sẽ 'Brexit mềm'?

Tiến trình 'ly hôn' dự kiến kéo dài 2 năm giữa nước Anh với Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức bắt đầu bằng cuộc đàm phán ngày 19-6. Đúng với những gì dư luận dự đoán sau kết quả cuộc tổng tuyển cử sớm trái với mong đợi của Thủ tướng Theresa May, London đã có sự nhượng bộ đáng kể. Điều này cho thấy Anh có thể sẽ đi theo hướng 'Brexit mềm' thay vì áp đặt những biện pháp cứng rắn để rời khỏi EU.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Brexit của Anh David Davis (trái) và Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU Michel Barnier trong cuộc đàm phán ngày 19-6.

Nhiều tờ báo của Anh số ra ngày 20-6 đã đồng loạt nhận định rằng, điểm đáng chú ý trong ngày đàm phán đầu tiên về quá trình Brexit là việc Anh tán thành tạm gác lại các cuộc đàm phán thương mại tự do cho đến khi hai bên thương thảo xong các điều khoản cho việc tách khỏi EU. Bên cạnh đó, Anh cũng nhất trí về cách thức đàm phán Brexit theo từng giai đoạn như đề xuất của liên minh. Cụ thể, hai bên đã nhất trí dành ưu tiên cho các vấn đề chủ chốt là thanh toán “hóa đơn ly hôn” dự kiến lên tới 100 tỷ euro và quyền công dân của 1,2 triệu người Anh tại EU và 3,5 triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh. Các vấn đề phức tạp khác như lịch trình và cách thức tiến hành các cuộc đàm phán, hay việc làm thế nào để có thể tránh được vấn đề biên giới “cứng” giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland cũng sẽ được chú trọng.

Việc Anh đưa ra cách tiếp cận mềm mỏng hơn trong vấn đề Brexit tại cuộc đàm phán đầu tiên với EU là điều hoàn toàn trái ngược với những gì Thủ tướng T.May theo đuổi. Từ khi lên nắm quyền vào tháng 7 năm ngoái, nữ chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing được biết đến là người kiên định với con đường “Brexit cứng”, tức là Anh sẽ rời khỏi cả thị trường chung lẫn liên minh thuế quan Châu Âu và hạn chế người nhập cư. Để củng cố lập trường này, bà T.May đã kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm với hy vọng gia tăng vị thế của đảng Bảo thủ ở Quốc hội nhằm có thể dễ dàng được thông qua nhiều quyết sách trong quá trình đàm phán Brexit. Tuy nhiên, ngược lại với tính toán này, đảng Bảo thủ đã không giành thêm được ghế trong Quốc hội mà còn mất đi 12 ghế so với kỳ bầu cử trước. Kết quả trên buộc Thủ tướng T.May phải thành lập một chính phủ thiểu số và đối mặt với tỷ lệ ủng hộ mong manh tại cơ quan lập pháp của đất nước.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc tổng tuyển cử được ví như phép thử đối với lập trường “Brexit cứng”. Vì vậy, bà T.May buộc phải xem lại quan điểm của mình, nhất là khi ngay trong đảng Bảo thủ đã xuất hiện thêm nhiều tiếng nói phản đối. Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond cũng đã vận động hậu trường tích cực cho xu thế “Brexit mềm”, tức là đưa nước này ra khỏi EU nhưng vẫn tham gia thị trường chung Châu Âu cho dù phải nới lỏng quy định về nhập cư như đòi hỏi của EU. Các đảng chính trị đối lập đều yêu cầu nữ thủ tướng phải tạo được sự đồng thuận cho những vấn đề được đưa ra đàm phán với liên minh. 5 tổ chức kinh doanh lớn của Anh đã cùng nhau kêu gọi tiếp tục được tiếp cận thị trường chung Châu Âu cho đến khi thỏa thuận Brexit cuối cùng được thực hiện với EU. Trong bức thư gửi Bộ trưởng Kinh doanh Greg Clark, các tổ chức này kêu gọi chính phủ "đặt nền kinh tế lên trên hết". Lo ngại “Brexit cứng” sẽ mang lại bức tranh u ám cho nước Anh, trước cuộc đàm phán, Bộ trưởng Tài chính Hammond đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ về những hậu quả của việc Anh rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận nào. Ông kêu gọi đạt được một thỏa thuận chuyển tiếp để tránh việc các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi kịch bản "chênh vênh" vì sự ra đi của nước Anh.

Vì thế, theo nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù kết quả bầu cử được cho là “trái đắng” với bà T.May, song không hẳn là tin buồn đối với nền kinh tế xứ sở Sương mù. Một khi nước Anh nhượng bộ trong quá trình đàm phán với EU, cơ hội ở lại khu vực thị trường chung Châu Âu sẽ lớn hơn. Nói cách khác, trong dài hạn, sự mềm dẻo trong đối thoại được cho là sẽ có lợi hơn cho kinh tế Anh.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/871625/anh-se-brexit-mem