Anh từng lên kịch bản "Thế chiến thứ III"

London bị phá hủy, Thủ tướng Anh thiệt mạng, thành viên nội các điều hành nước Anh từ những thành phố khác. Đây là kịch bản đã được phương Tây dựng lên năm 1983 trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân giữa NATO và Liên Xô khi đó. Tất cả vừa được công bố trong một tài liệu giải mật.

Kế hoạch hành động trong điều kiện chiến tranh do Whitehall (chính phủ Anh) soạn thảo vừa được giải mật sau 30 năm. Tài liệu này mô tả phương Tây, nhằm đáp trả cuộc tấn công của Nga, sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên như thế nào.

Trẻ em trong cảnh đổ nát của Thế chiến thứ II.

Tuy nhiên, các chuyên gia Nga cho rằng Moscow chỉ chuẩn bị vũ khí là để phòng thủ, chứ không nhằm tấn công châu Âu.

Kịch bản đề cập đến các sự kiện khủng khiếp trên trong tình huống NATO và khối Hiệp ước Warsaw bắt đầu các hành động quân sự. Tờ “Guardian” của Anh cho biết tiến trình chiến tranh này được mô tả trong 320 trang tài liệu, có mật mã Wintex-Cimex 83 và được lấy tên “Nuclear Armageddon” - tức "cuộc chiến tranh hạt nhân sống còn". Định nghĩa này không hề phóng đại. Hiệp hội y khoa Anh ước tính rằng nếu cuộc chiến giả định xảy ra, 33 triệu người Anh sẽ thiệt mạng, trong đó chỉ riêng London là 1 triệu người.

Tài liệu này giả định những công việc cần phải làm nếu như Thủ tướng Anh lúc đó - bà Margaret Thatcher - bị thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào thủ đô London. Các thành viên khác của Nội các phải di chuyển tới nhiều khu vực khác nhau để lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên họ gặp khó khăn trong việc tiếp tục điều hành. Cả nửa triệu người tìm cách ẩn náu ở những quả đồi thuộc xứ Wales, song hàng nghìn người trong số này sẽ thiệt mạng.

Tâm lí của người Anh trong giờ phút nguy hiểm này rõ ràng là không tốt. Nỗi hoảng loạn bao trùm Scotland, nơi có những căn cứ là mục tiêu của tên lửa Nga. Bạo loạn của những người phản đối chiến tranh bùng phát, nguồn thuốc chữa bệnh bị đánh cắp, còn đồ uống có cồn thì bị vét nhẵn.

Nữ hoàng Elizabeth II cần xốc lại tin thần cho người dân Anh. Bà đưa ra lời hiệu triệu dân chúng. Tài liệu trích lời hiệu triệu của bà: “Cho dù điều khủng khiếp như thế nào đang chờ đón chúng ta, tính cách của chúng ta sẽ giúp nhân đôi khả năng bảo vệ tự do trong thế kỷ đau buồn này, một lần nữa trở thành nguồn sức mạnh của chúng ta. Vào thời điểm chúng ta sát cánh cùng nhau chiến đấu với cái ác mới này, hãy cầu nguyên vì tổ quốc và những con người lương thiện, bất luận họ ở đâu. Cầu Chúa che chở cho các bạn”. Sau bài phát biểu này, Nữ hoàng Elizabeth II được đưa tới Scotland.

Bốn ngày sau lời hiệu triệu của Nữ hoàng Elizabeth II, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan gọi Moscow là “Đế chế ác quỉ” và chỉ vài tuần sau đó ông đề nghị cộng đồng khoa học Mỹ lập ra lá chắn tên lửa đạn đạo “Chiến tranh giữa các vì sao” để vô hiệu hóa vũ khí Xô Viết.

“Cái ác mới” – các nước Đông Âu và Liên Xô, được tài liệu mô tả là “Phe cam (Orange). Khối này xâm lược Tây Đức, Scandinavia, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ. Do không thể ngăn chặn bước tiến của lực lượng thông thường, NATO phải tiến hành tấn công hạt nhân vào kẻ thù. Và “Phe Cam” đề nghị tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình.

“Báo Độc lập” (Nga) viết: Tài liệu được London công bố trên giống như một cơn ác mộng, tác phẩm của những tưởng tượng bệnh hoạn. Nỗi lo sợ của chính quyền Thatcher xuất phát từ Đại sứ Anh tại Nga, người đã gửi về London công văn cảnh báo khẩn. Ông này viết rằng, Tổng bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Yuri Andropov đã đưa ra những tuyên bố sặc mùi chiến tranh.

Không chỉ phương Tây mà cả Nga cũng cần có phương án hành động cho một cuộc chiến tranh qui mô. Tướng Lục quân Nga, Makhmud Gareyev cho rằng “bất cứ chính phủ nào đều có kế hoạch hành động chiến lược, kế hoạch giáng trả hành động xâm lược, kế hoạch sử dụng các loại vũ khí khác nhau, trong đó có vũ khí hạt nhân. Hiện các kế hoạch này vẫn được giữ bí mật. Khi cần thiết, chúng sẽ được giải mật”.

Tuy nhiên theo ông Gareyev, Liên Xô đã chính thức tuyên bố sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên, và các cuộc tập trận của Liên Xô luôn được tiến hành không có kịch bản tấn công mà là giánh trả các cuộc xâm lược của kẻ thù.

Sau 3 thập kỷ có thể thấy NATO và Liên Xô đã tiến gần tới điểm thắt có thể dẫn tới một cuộc chiến tổng lực. Tuy nhiên thật may là kịch bản ác mộng này đã không xảy ra.

Duy Trinh (Theo Báo Độc lập)

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/tham-khao/anh-tung-len-kich-ban-the-chien-thu-iii-20130803213601700.htm