'Áo mới' cho nông, lâm trường quốc doanh

Để việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp thực sự hiệu quả, cần phải xử lý dứt điểm diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm, khoán trắng, cho thuê - cho mượn trái pháp luật.

Một số công ty lâm nghiệp đã thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Ảnh minh họa: TTXVN

Sau 10 năm triển khai chính sách đổi mới nông trường và lâm trường quốc doanh, cả nước đã sắp xếp từ 185 nông trường, công ty nông nghiệp giảm xuống còn 145 công ty nông nghiệp, giảm được 40 đầu mối (không tính các công ty nông nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng).

Đối với lâm trường quốc doanh, sau rà soát đã giảm từ 256 lâm trường còn 148 công ty lâm nghiệp, thành lập 3 công ty cổ phần (chủ yếu sản xuất giống cây lâm nghiệp), thành lập mới 91 ban quản lý rừng phòng hộ, giải thể 14 lâm trường hoạt động yếu kém hoặc không cần thiết giữ lại.

Trong quá trình sắp xếp, các địa phương, đơn vị đã rà soát lại quỹ đất của nông, lâm trường. Các công ty nông, lâm nghiệp đã bước đầu thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức sản xuất kinh doanh.

Một số công ty lâm nghiệp đã thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và được các tổ chức quốc tế hỗ trợ để cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) như Công ty lâm nghiệp Đắc Tô (Kon Tum), Công ty lâm nghiệp Đại Thành (Đắk Nông), Công ty lâm nghiệp Hà Nừng (Gia Lai).

Bên cạnh đó, nhiều hình thức tổ chức mới được phát sinh như Công ty lâm nghiệp EaHleo (Đắk Lắk) thành lập 3 công ty cổ phần để trồng cao su trên cơ sở góp vốn bằng đất đai với một số doanh nghiệp tư nhân; Công ty lâm nghiệp Phước An cũng của tỉnh Đắk Lắk liên doanh với các doanh nghiệp tư nhân trồng cao su và trồng rừng...

Việc thực hiện sắp xếp, đổi mới nông, lâm nghiệp quốc doanh còn bất cập. Ảnh: vivuhanoi

Tuy nhiên, việc thực hiện sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị đã bộc lộ các bất cập. Cụ thể: Mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của nhiều doanh nghiệp chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới; chưa thu hút thêm lao động. Nhiều công ty chưa thực sự trở thành điểm tựa cho phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn.

Một số địa phương chậm chuyển nông trường quốc doanh sang mô hình mới và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Số lượng công ty nông nghiệp được cổ phần hóa chưa nhiều.

Nhiều lâm trường chuyển đổi sang công ty lâm nghiệp nhưng chỉ là đổi tên, chưa có thay đổi căn bản về cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp, nên chưa tạo điều kiện để công ty phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là công ty lâm nghiệp quản lý rừng sản xuất chủ yếu là rừng tự nhiên.

Về quản lý đất đai, một số công ty nông nghiệp, kể cả công ty đã cổ phần hóa chưa thực hiện việc rà soát trên thực địa, chưa hoàn chỉnh được hồ sơ để làm thủ tục giao đất, thuê đất, cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Nguyên nhân do cơ quan quản lý khi cổ phần hóa không xác định rõ chủ quản lý, sử dụng đất sản xuất và không lưu ý hướng dẫn giải quyết về đất đai. Chính quyền địa phương chưa thể hiện được vai trò quản lý nhà nước về đất đai, nhiều nơi phó mặc cho công ty tự quản lý và sử dụng.

Việc phối hợp trong công tác quản lý, sử dụng đất tại địa bàn cũng chưa tốt. Có trường hợp đất nông trường đang quản lý nhưng chính quyền giao cho các hộ di dân, tái định cư làm nhà ở, sản xuất đã dẫn đến phát sinh nhiều khiếu nại phức tạp và kéo dài.

Về tổ chức sử dụng đất, nhiều đơn vị chưa hoàn thành việc chuyển đổi khoán sử dụng đất sản xuất theo Nghị định 01/CP sang khoán theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP. Một số đơn vị mới chỉ ký lại hợp đồng khoán mà chưa có đổi mới căn bản về cơ chế khoán, do vậy hiệu quả sử dụng đất đai, rừng, vườn cây chưa có chuyển biến rõ rệt, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong quản lý sử dụng đất đai như tình trạng sang nhượng trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất…

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW về sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Đứng trước những tồn tại trên đây, để tiếp tục sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, ngày 12/3/2014 Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Đến thời điểm quý II/2016, hầu hết Phương án tổng thể sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp của các địa phương, tập đoàn, tổng công ty đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó các công ty nông, lâm nghiệp sẽ được sắp xếp lại theo nhiều hình thức khác nhau như: duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chuyển thành công ty cổ phần, chuyển thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp và giải thể những đơn vị yếu kém, không cần thiết giữ lại.

Song song với sắp xếp lại mô hình tổ chức, các đơn vị tiếp tục rà soát và dự kiến có khoảng 500 nghìn ha đất sẽ được tiếp tục chuyển giao về địa phương quản lý và tái phân bổ cho các đối tượng khác sử dụng; đồng thời giải quyết chế độ cho trên một vạn lao động dôi dư.

Tuy nhiên, để việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp thực sự hiệu quả, trước hết, phải xử lý dứt điểm diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm, khoán trắng, cho thuê - cho mượn trái pháp luật.

Các công ty nông, lâm nghiệp phải chủ động rà soát, xây dựng phương án sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp của địa phương.

Phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp phải xác định rõ diện tích từng loại đất của công ty dự kiến giữ lại để sử dụng; diện tích phân bổ cho từng mục đích sử dụng phù hợp với nhiệm vụ được giao; phương án giải quyết các hợp đồng khoán còn thời hạn; biện pháp để bảo vệ, cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và rừng, bảo vệ môi trường.

Các công ty nông, lâm nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thành việc chuyển giao đất về địa phương, gồm: đất công ty không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không có hiệu quả; diện tích đất đã bán vườn cây; diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp phải giải thể; diện tích đất dư ra do thu hẹp nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đổi mới cơ chế và chính sách quản lý rừng theo hướng giao rừng tự nhiên gắn với giao đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật bảo vệ và phát triển rừng.

Thực hiện định giá rừng sản xuất là rừng trồng làm cơ sở để giao vốn, thực hiện cổ phần hóa, liên doanh liên kết, thế chấp vay vốn. Việc thu hoạch sản phẩm rừng trồng là rừng sản xuất phải do chủ rừng quyết định về thời điểm và được tự do lưu thông tiêu thụ./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/-ao-moi-cho-nong-lam-truong-quoc-doanh/23668.html