Áo xanh tình nguyện trên thành phố mang tên Bác

Trong hành trình hơn một tháng vừa qua của Mùa hè xanh năm 2013, với những gì sinh viên tình nguyện TP Hồ Chí Minh đã và đang cố gắng làm từng ngày, lao động bằng sức trẻ nhiệt huyết đã góp phần tô điểm thêm những gam mầu tươi sáng cho cuộc sống của những mảnh đời khó khăn.

Sinh viên tình nguyện TP Hồ Chí Minh hướng dẫn các bạn trẻ huyện Củ Chi sử dụng máy vi-tính.

Chúng tôi tìm đến nhà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, sinh viên năm thứ nhất Trường trung cấp Nam Sài Gòn, tại ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, nơi công trình Nhà tình bạn đang diễn ra khẩn trương với sự tham gia của hàng chục sinh viên tình nguyện. Dáng hình mảnh mai, giọng nói trong trẻo, đôi lúc nghẹn ngào vì cảm động, Mỹ Hạnh chia sẻ những cảm xúc trong lòng mình. Gia đình Hạnh trước kia tuy nghèo nhưng sống rất hạnh phúc. Thế nhưng, vào năm 1999 biến cố xảy đến khi người cha mang chứng bệnh ung thư máu, không tiền chạy chữa và đã vĩnh viễn ra đi khi đứa em gái Hạnh chỉ mới ra đời được tám tháng. Và rồi, người mẹ của em cũng bỏ hai chị em mà đi tìm kế sinh nhai. Từ đó, cuộc sống của hai chị em phải dựa vào đôi vai gầy của người dì út Nguyễn Thị Thùy Dương (32 tuổi), sự thương yêu của ông bà ngoại và cả tình đùm bọc của bà con hàng xóm. Hiện tại, Mỹ Hạnh đang sống cùng người em gái trong ngôi nhà tranh vách nát.

Hạnh tâm sự: "Em chỉ ước mơ mà không dám hy vọng mình sẽ có được một ngôi nhà như thế này, bởi gia đình em khó khăn nhiều lắm. Những lúc trời đổ mưa to, ngôi nhà bị dột khắp nơi, nước cứ tràn vô nhà, hai chị em phải lấy túi ni-lông bọc mấy công-tắc điện treo lơ lửng trên những cây cột nhà. Thế nhưng do ngấm nước, mấy công-tắc điện bị chập, đánh lửa làm mấy túi ni-lông teo lại. Hai chị em sợ quá, chạy đi giữa mưa gió để đến nhà bà ngoại ngủ qua đêm. Từ khi nhận được quyết định xây nhà, em vô cùng vui mừng và hạnh phúc lắm! Vậy là ước mơ của em đã thành hiện thực!".

Khi đến đây, chúng tôi được chứng kiến các sinh viên tình nguyện Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh đang miệt mài lao động để góp ít công sức trong việc xây dựng ngôi nhà tặng Mỹ Hạnh. Người thì ra sức kéo từng chiếc xe rùa di chuyển gạch đá, người thì trộn từng xẻng vữa bê-tông, nhổ từng chiếc đinh trên những tấm gỗ dừa, người khác khuân vác từng mớ đất lấp nền...

Bạn Lê Kim Tiến (sinh viên năm thứ hai, khoa Vật lý, Trường đại học Khoa học Tự nhiên) chia sẻ: "Tôi là một trong số tám bạn nữ cùng tham gia xây dựng ngôi nhà này. Vì là nữ dù chỉ là đóng góp một chút công sức qua những việc lấp đất, khiêng gạch giúp các bạn nam, nhưng tôi cũng rất vui vì căn nhà tình bạn đã thể hiện được tinh thần đoàn kết của sinh viên tình nguyện chúng mình. Hy vọng ngôi nhà này sẽ giúp hai chị em bạn Hạnh có thêm nghị lực để thực hiện ước mơ của mình". Những giọt mồ hôi thấm đẫm trên vai áo xanh tình nguyện sẽ góp phần nung nấu ý chí thay đổi cuộc sống từ nghị lực học tập của hai chị em Hạnh.

Là một trong những trường ra quân Mùa hè xanh rất sớm (28-6), đến nay 8.138 m đường bê-tông, một sân xi-măng rộng 220 m2 đã được các sinh viên tình nguyện Trường đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh làm xong tại huyện Càng Long, Trà Vinh. Trong thời gian tới, các sinh viên tình nguyện sẽ xây xong bốn nhà Đoàn kết, sửa chữa 10 căn nhà, xây dựng 13 cây cầu. Hơn thế nữa, những lớp học bồi dưỡng văn hóa hè tại các trường tiểu học trên địa bàn các xã Mỹ Cẩm, An Trường A, Tân Bình, Tân An vẫn được các bạn trẻ duy trì và bảo đảm chất lượng.

Tại ấp Mũi Côn Đại, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi nhờ sự giúp đỡ tận tình của các sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cùng các thầy giáo, cô giáo trên địa bàn, hơn 50 thanh, thiếu niên và người lớn tuổi đang được đào tạo tin học miễn phí. Chương trình nằm trong dự án "Máy tính cũ, tri thức mới". Lớp học được tổ chức ngay trong một điểm in-tơ-nét tại ấp, gồm 3 buổi/tuần và được chia làm các ca từ 18 giờ đến 19 giờ 30 phút và từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ. Đây là thời gian thuận lợi cho các học viên ở mọi lứa tuổi. Chương trình chia làm năm phần, bao gồm các kiến thức cơ bản về hệ điều hành Windows, Microsoft Office Word, Excel và hai phần thực hành. Xen kẽ giữa các buổi học sẽ có kiểm tra lấy điểm. Chương trình kéo dài trong ba tháng rưỡi và kết thúc khóa học, các học viên sẽ nhận được một bằng tốt nghiệp sơ cấp nghề tin học có giá trị trên toàn quốc. Chú Trần Trọng Thanh, một học viên lớn tuổi của lớp chia sẻ: "Tôi thấy chương trình này rất hữu ích, vừa nâng cao kiến thức tin học cho người dân, vừa đào tạo được một lực lượng lao động mới có tay nghề hơn. Mỗi lúc rảnh rỗi tôi đều cố gắng thu xếp thời gian tham gia học".

Dự án "Máy tính cũ, tri thức mới" được triển khai trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chia làm năm gói nội dung gồm: tham gia vận động các tập thể, cá nhân tặng máy tính cũ, tổ chức ngày hội tặng máy tính cũ, sửa chữa, nâng cấp máy tính cũ, lắp đặt năm phòng máy tại các xã nông thôn mới, tặng máy cho thanh, thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các lớp dạy tin học, phổ cập tin học cho công nhân.

Bài và ảnh: ĐOÀN THÀNH MINH

(TP Hồ Chí Minh)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/20922402-.html