Áp dụng án lệ là cần thiết của nhà nước pháp quyền

Nhiều vụ án, hành vi tương tự nhau, nhưng mỗi nơi lại có các quan điểm xử lý khác nhau về mặt tội danh. Điều đó gây mất niềm tin cho nhân dân.

Ngày 6/4/2016, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) thông qua 6 án lệ kèm theo Quyết định 220/QĐ-CA về việc công bố án lệ. Theo đó, Tòa án nhân dân và tòa án quân sự có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng các án lệ trong xét xử kể từ ngày 1/6/2016.

Hiện nay, trên thế giới, có 2 hệ thống pháp luật là hệ thống Common Law (hệ thống pháp luật Anh Mỹ) và hệ thống Civil law (hệ thống pháp luật Pháp Đức).

Trong đó, hệ thống Common Law chủ yếu sử dụng nguồn luật là án lệ trong xét xử. Trái lại, Civil Law lại dùng luật thành văn làm nguồn luật trong quá trình xét xử.

Vụ án của Đồng Xuân Phương trở thành án lệ.

Việt Nam có hệ thống pháp luật mang nhiều đặc điểm của hệ thống Civil Law. Tuy nhiên, Việt Nam không thừa nhận mình thuộc trường phái Common Law hay Civil Law một cách cụ thể.

Mặc dù có nhiều điểm khác biệt trong cách sử dụng án lệ của hai hệ thống pháp luật nêu trên, nhưng nhìn chung có thể đưa ra nhận định, việc áp dụng án lệ của nhiều nước trên thế giới là rất phổ biến, đặc biệt là các quốc gia phát triển, trong đó một vài nền pháp luật còn xem đó là nguồn bắt buộc có giá trị tương ứng như luật thành văn và được áp dụng nhiều trong việc xét xử tại tòa án.

Án lệ không phải là thuật ngữ mới trong khoa học pháp lý hay là nền lập pháp Việt Nam, lịch sử pháp lý nước ta đã có nhưng quy định về án lệ.

Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật hiện nay của Việt Nam như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật Tố tụng dân sự, Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính… đều thừa nhận nguyên tắc: Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Pháp luật ở đây được hiểu là các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành, các văn bản quy phạm pháp luật khác do Chính phủ và các cơ quan chức năng hướng dẫn (có nghĩa là chúng ta vẫn đang theo tố tụng văn).

Như vậy, việc xét xử, áp dụng pháp luật vào các vụ án cụ thể phải dựa trên luật đã được ban hành còn hiệu lực, chứ không dựa trên án lệ. Nhưng không có nghĩa chúng ta không thừa nhận sự tồn tại của án lệ trong thực tiễn xét xử.

Từ năm 2004, TANDTC đã thường xuyên công bố các Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC hay việc công khai các bản án trên nhiều kênh thông tin đại chúng hoặc trong sổ tay thẩm phán.

TAND Tối cao cũng có những văn bản tổng kết hướng dẫn nghiệp vụ xét xử hằng năm. Tuy nhiên, việc sử dụng những bản án được công khai trong thực tiễn pháp lý hiện nay chỉ mang tính chất tham khảo trong quá trình giải quyết vụ án chứ không dùng làm căn cứ pháp lý cho việc xét xử.

Việc tồn tại nguyên tắc bắt buộc tuân theo án lệ là chưa từng xuất hiện trong thực tiễn pháp lý ở Việt Nam, có nghĩa án lệ từ trước đến nay là một nguồn để tham khảo chứ không phải là một nguồn để áp dụng.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Nghị quyết số 49/NQ-TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị ngày 2/6/2005 đã đề ra mục đích xây dựng và hoàn thiện từng bước hoạt động của Tòa án nhân dân là “TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm”.

Luật Tòa án nhân dân 2014 có hiệu lực từ ngày 1/6/2015 đã thừa nhận vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật và Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP đã ban hành quy định về trình tự, công bố và áp dụng án lệ.

Đây có thể nói là một bước chuyển biến lớn về mặt đường lối theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị.

Một trong những vụ án mà luật sư tham gia tranh tụng và nay được chọn là án lệ là vụ án Đồng Xuân Phương.

Ngày 17/11/2008, Đồng Xuân Phương bị TAND Hà Nội xử phạt 17 năm tù về tội Giết người, còn kẻ chủ mưu đâm chết người vẫn đang bỏ trốn nên được tách riêng xử lý. Đến ngày 5/5/2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Phiên tòa xét xử lần thứ 2 diễn ra vào ngày 31/3/2010, TAND Hà Nội tiếp tục tuyên phạt Phương 17 năm tù.

Bản án tiếp tục có kháng cáo nên ngày 15/9/2010, TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên phạt Phương tù chung thân.

Tuy nhiên đến ngày 16/4/2014, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tại Hà Nội có Quyết định Giám đốc thẩm, hủy án phúc thẩm theo hướng xét xử phúc thẩm hành vi phạm tội của Phương thuộc trường hợp phạm tội Cố ý gây thương tích dẫn tới hậu quả chết người, khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự. Phiên tòa được giao lại cho TAND tối cao tại Hà Nội xét xử.

Ngày 15/9/2014, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đồng Xuân Phương 15 năm tù về Tội cố ý gây thương tích theo Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.

Quan điểm của các cơ quan tố tụng ở Hà Nội đều cho rằng hành vi phạm tội của Đồng Xuân Phương đã cấu thành tội Giết người dựa trên các căn cứ: Ý thức chủ quan của bị cáo thuê các đối tượng đánh bị hại bằng cách dùng dao đâm vào chân, tay nạn nhân. Hậu quả nạn nhân bị đâm vào động mạch đùi gây mất máu cấp dẫn đến tử vong. Do đó, bị cáo Đồng Xuân Phương vẫn phải chịu trách nhiệm về tội giết người theo khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự.

Quan điểm của TAND Tối cao nhận định: Ý thức chủ quan của Đồng Xuân Phương không cố ý tước đoạt tính mạng nạn nhân. Vị trí thương tích nạn nhân nằm tại tứ chi, không nằm ở vùng nguy hiểm (như đầu, cổ, ngực và bụng), nếu được cấp cứu kịp thời có thể sẽ không bị tử vong.

Tuy nhiên do một số điều kiện khách quan nên nạn nhân không được cấp cứu kịp thời nên mất máu đã dẫn đến tử vong.

Với nhận định trên, Đồng Xuân Phương đã đồng phạm tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến hậu quả chết người qui định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự

Việc ban hành án lệ là chính là một trong những hoạt động cải cách tư pháp đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 49/NQ-TW.

Đây là điều cần thiết để phục vụ cho mục đích xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với sự phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

Thực tiễn xét xử của Tòa án cho thấy những năm gần đây đã có rất nhiều các quan điểm khác nhau khi áp dụng pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam.

Cùng một hành vi phạm tội tương tự nhau nhưng lại có các quan điểm xử lý khác nhau về mặt tội danh áp dụng giữa Tòa án các Tỉnh, Thành phố.

Như vậy đã không có sự thống nhất áp dụng pháp luật trên cả nước. Điều đó đã gây mất niềm tin với nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật và ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Do vậy, án lệ ra đời như là khuôn mẫu để các cơ quan tố tụng trong cả nước áp dụng thống nhất./.

Án lệ là gì?

Căn cứ Điều 2 Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP: Án lệ và giá trị pháp lý về án lệ: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

Những vụ án nào được coi là án lệ?

Căn cứ Điều 2 Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP: Tiêu trí lựa chọn án lệ

Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây:

1. Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể;

2. Có tính chuẩn mực

3. Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư Hà Nội

Nguồn VOV: http://vov.vn/phap-luat/tu-van-luat/ap-dung-an-le-la-can-thiet-cua-nha-nuoc-phap-quyen-510509.vov