Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), với sự góp sức của các cơ quan liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp…, nhất là Viện Chăn nuôi, thời gian qua nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) kiểm tra tình trạng sức khỏe gà giống hằng ngày. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) kiểm tra tình trạng sức khỏe gà giống hằng ngày. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Viện Chăn nuôi cho biết, giai đoạn 2015-2017, Viện đã, đang thực hiện 228 nghiên cứu khoa học và phần lớn đã được ứng dụng và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất tại các vùng sinh thái trên cả nước. Trong đó có 10 tiến bộ kỹ thuật được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và ứng dụng vào thực tế sản xuất với quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi như: Chọn tạo được 14 dòng giống lợn, hơn 30 dòng giống gà, 30 dòng giống vịt ngan, bốn giống đà điểu, 10 giống trâu bò, một dòng cừu lai, một giống thỏ, bốn dòng ong mật, sáu giống cỏ... Chuyển giao vào sản xuất 18.674 lợn giống ông bà, bố mẹ, 33,285 triệu con gà giống ông bà và bố mẹ các loại, 5,68 triệu con vịt giống, 1,86 triệu con ngan giống, hơn 12 triệu quả trứng giống các loại, hơn hai tấn giống hạt cỏ, 28,87 nghìn tấn hom cỏ giống. Các giống gà nội và gà lai lông mầu của Viện chiếm khoảng 30 đến 35% thị phần; tinh bò đông lạnh chiếm hơn 60%, tinh trâu và tinh dê chiếm hơn 95% thị phần cả nước. Chọn lọc và cải tiến năng suất đàn lợn giống Landrace, Yorkshire, Duroc, Pietrain, VCN01, VCN02 nhập từ các nước: Pháp, Mỹ, Ðan Mạch, Ca-na-đa và nguồn gốc PIC có tiềm năng sản xuất cao để tạo ra các dòng lợn ông bà và bố mẹ cung cấp cho sản xuất trên toàn quốc. Hai dòng gà ri cải tiến R1, R2 có chất lượng thịt thơm ngon, năng suất trứng và thịt cao hơn gà ri truyền thống từ 30 đến 35%, đã chiếm lĩnh hầu hết thị trường các tỉnh phía bắc và Trung Bộ.

Ngoài ra, Viện đã bảo tồn được 44 giống vật nuôi có nguy cơ tuyệt chủng và đưa vào nghiên cứu khai thác và phát triển được 43 nguồn gien động vật bản địa Việt Nam. Ðồng thời, xác định được một số giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn trang trại, hoàn thiện, chuyển giao được hơn 40 quy trình kỹ thuật, thực hiện hơn 120 mô hình trình diễn về chăn nuôi lợn, bò thịt, gà, trâu, bò sữa…

Theo Tiến sĩ, Viện trưởng Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn, kết quả trên là nhờ công sức, sự sáng tạo, nỗ lực nghiên cứu khoa học của hơn 1.100 cán bộ, công nhân viên toàn khối trong Viện. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất chưa đầy đủ, diện tích đất tại một số đơn vị hạn chế, thiếu kinh phí hoạt động, cho nên việc triển khai công tác nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, đội ngũ cán bộ khoa học tại một số đơn vị "mỏng", không có nhiều kinh nghiệm tổ chức thị trường, cho nên việc chuyển giao kết quả nghiên cứu, dịch vụ khoa học vào sản xuất còn khiêm tốn, chưa tạo được nhiều nguồn thu để trang trải các hoạt động và nâng cao đời sống cán bộ, viên chức. Chính sách ưu đãi đối với cán bộ khoa học chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho nên chưa triển khai thực hiện được trong thực tiễn. Một số nhà khoa học được đào tạo, có trình độ chuyên môn giỏi bị sức hút của các doanh nghiệp với mức lương cao dẫn đến chưa yên tâm công tác tại Viện.

Để đạt hiệu quả cao hơn trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nghiên cứu di truyền, giống, dinh dưỡng và thức ăn vật nuôi; phát triển công nghệ chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi…, thời gian tới, Bộ NN và PTNT cần tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng Phân viện Chăn nuôi miền trung và Tây Nguyên. Cho phép Viện làm thí điểm chuyển đổi một số đơn vị đủ điều kiện hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Bổ sung một số quy định về giao đất và cho thuê đất đối với tổ chức khoa học và công nghệ tham gia liên doanh, liên kết trong nghiên cứu và sản xuất dịch vụ…

ANH QUANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33569602-ap-dung-tien-bo-ky-thuat-vao-chan-nuoi.html