Áp giá sàn vé máy bay sẽ gây thiệt hại nhất định cho xã hội

Nếu áp giá sàn vé máy bay, chắc chắn doanh nghiệp được lợi nhưng sẽ gây thiệt hại nhất định cho xã hội, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá bình luận với Góc nhìn thẳng.

Vé máy bay phải áp giá sàn? Một chặng bay nội địa phổ biến như Hà Nội- Tp HCM sẽ không được thấp quá mức giá 1,1 triệu đồng/chiều? Những thông tin này đang thực sự gây lo ngại cho nhiều người tiêu dùng dù cho, cơ chế áp giá sàn mới đang trong giai đoạn lấy ý kiến của Cục Hàng không Việt Nam. Các hãng bay cũng đang tranh cãi trái chiều về vấn đề này.

Vậy, ngành hàng không - một ngành có tính cạnh tranh cao- có cần phải áp dụng giá sàn? Quyền lợi của người tiêu dùng ở đâu trong đề xuất này?

Chương trình Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet đã mời ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, hiện là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam để trao đổi về vấn đề này.

Theo dõi chi tiết cuộc trò chuyện tại video sau:

Play

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, quan điểm của ông về việc áp giá sàn áp cho các chặng bay nội địa như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi cho rằng, hiện nay, ngành hàng không Việt Nam đang có tính cạnh tranh rất tốt. Càng có cạnh tranh, người tiêu dùng càng được hưởng lợi kể cả về mức giá, về điều kiện được phục vụ và về chất lượng phục vụ.

Thế nhưng bây giờ, ngành hàng không đang hoạt động bình thường, các hãng bay cũng đang hoạt động bình thường, tổng giá của các hãng vẫn bù đắp được chi phí sản xuất và vẫn có lãi thì tự nhiên, vì một lý do nào đó mà Nhà nước lại áp dụng giá sàn là không phù hợp.

Cũng có ý kiến nói rằng, nếu không áp giá sàn thì các hãng sẽ cạnh tranh hạ giá rất thấp (dưới giá thành...), đua nhau khuyến mãi gây thiệt hại này nọ... Thế thì, chúng ta đã có Luật Cạnh tranh để khống chế việc đó.

Giá và cạnh tranh, hai điều đó đi song hành với nhau chứ không thể lẫn lộn với nhau được.

Nhà báo Phạm Huyền:Theo ông, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, Nhà nước chỉ nên áp giá sàn cho hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp nào?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, PCT kiêm TTK Hội Thẩm định giá VN, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính chia sẻ về việc áp giá sàn vé máy bay tại Góc nhìn thẳng

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Về việc áp giá sàn , Nhà nước chỉ áp dụng cơ chế này đối với các loại hàng hóa, dịch vụ mà trước hết, nó thuộc danh mục quyền định giá của Nhà nước.

Và nguyên lý áp giá sàn để bảo vệ người sản xuất, cung ứng dịch vụ hàng hóa chỉ được sử dụng trong điều kiện khách quan, với hình thái thị trường có rất nhiều người bán, chỉ có ít người mua, từ đó dẫn tới người mua có thể độc quyền, ép giá người sản xuất, làm cho giá giảm cực thấp.

Hình thái đó khiến cho doanh nghiệp không thể đủ bù đắp chi phí sản xuất. Khi đó, Nhà nước mới phải áp dụng cơ chế giá sàn.

Chúng ta thấy, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, với tư duy bảo vệ người sản xuất thì có thể thấy, ví dụ trước tiên là bảo vệ người nông dân. Khi sản xuất đến mùa thu hoạch, nông sản được mùa, lượng cung ứng nhiều thì giá rất thấp, cộng với việc chỉ có ít người mua nên giá càng bị ép xuống thấp, khi đó, Nhà nước mới cần phải áp dụng giá sàn.

Tức là, Nhà nước bảo hộ cho lợi ích của người nông dân, để giá bán của người nông dân không xuống quá thấp dưới giá thành, gây ra lỗ vốn, khiến người sản xuất nông nghiệp bị phá sản.

Còn với các ngành hàng khác, gắn với hình thái thị trường có tính độc quyền nhất định, Nhà nước chỉ áp dụng cơ chế giá tối đa. Trong ngành hàng không cũng vậy, khi còn có những đường bay độc quyền, còn có những doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường thì Nhà nước quy định giá tối đa để bảo vệ người tiêu dùng, không để các hãng định giá bán quá cao.

Mỗi một giá sàn hay giá trần đều có nguyên lý của nó!

Nhà báo Phạm Huyền: Trong ngành hàng không, chúng ta vẫn thấy có những quảng cáo, khuyến mại... bán vé với giá 0 đồng. Ngay cả khi 0 đồng, doanh nghiệp vẫn sống được. Vậy ông cảm thấy thế nào khi cơ quan Nhà nước dường như đang lo thay cho việc của doanh nghiệp trong câu chuyện giá cả như vậy?

Ngành hàng không Việt Nam đang cạnh tranh rất tốt (ảnh: theo kienthuc.net)

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Thực ra, giá 0 đồng mà vẫn sống được, chúng ta cần hiểu rõ, đó là nghệ thuật phân hóa giá của các doanh nghiệp.

Người ta có thể bán 0 đồng hay nhiều đồng, căn cứ vào nhu cầu, mùa vụ đi lại, ví dụ như ngày cao điểm, giờ cao điểm, mùa hè, mùa du lịch hay mùa bình thường... để phân hóa giá làm sao tổng giá của họ cuối cùng vẫn có lãi, đảm bảo bù đắp được chi phí.

Nếu chỉ nói bán vé 0 đồng mà nói họ bán dưới giá thành thì đó lại là vi phạm Luật Cạnh tranh. Thế thì ở đây, tổng giá của họ vẫn có lãi và họ vẫn có một dải giá vé rất rẻ cho đến 0 đồng để tạo điều kiện người tiêu dùng có thu nhập thấp có thể tiếp cận được dịch vụ. Đó là việc của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường.

Tôi cho rằng, Nhà nước rõ ràng không việc gì phải can thiệp vào việc doanh nghiệp như vậy.

Nhà báo Phạm Huyền:Giả sử giá sàn vé máy bay được áp dụng, theo ông, chúng ta sẽ được gì và mất gì?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Chắc chắn là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hành không sẽ được lợi. Người tiêu dùng sẽ không được tiếp tục sử dụng dịch vụ với giá rẻ hơn như hiện nay. Đã quy định giá sàn như vậy, sẽ có những thiệt hại nhất định đối với xã hội.

Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến cho dự thảo Quyết định đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa.

Theo đó, Cục sẽ lấy ý kiến cho 3 phương án khung giá vé máy bay chặng nội địa:

- Giữ nguyên như hiện nay: Áp giá trần- giá sàn 0 đồng

- Bỏ giá trần, tăng giá sàn trên mức 0 đồng

- Bỏ cả giá trần và giá sàn.

VietNamNet

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin-thang/ap-gia-san-ve-may-bay-gay-thiet-hai-nhat-dinh-tu-goc-nhin-thang-365330.html