Áp lực nguồn cung gỗ nguyên liệu

XK gỗ liên tục tăng trưởng tốt trong những năm qua và dự kiến vẫn giữ được đà tăng trưởng thuận lợi trong những năm tới. Điều này đang tạo nên áp lực không nhỏ tới nguồn cung gỗ nguyên liệu...

Sản xuất đồ gỗ ở Bình Dương

XK gỗ liên tục tăng trưởng tốt trong những năm qua và dự kiến vẫn giữ được đà tăng trưởng thuận lợi trong những năm tới. Điều này đang tạo nên áp lực không nhỏ tới nguồn cung gỗ nguyên liệu, nhất là khi có áp lực cạnh tranh thu mua từ thương nhân Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), nhu cầu gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ đến 2016 là khoảng 31 triệu m3/năm. Trong đó, 24 triệu m3 phục vụ chế biến XK (dăm gỗ 9,4 triệu m3/năm; đồ nội thất 9 triệu m3/năm; ván các loại 3 triệu m3/năm; sản phẩm gỗ khác 2 triệu m3/năm) và 7 triệu m3 để chế biến gỗ tiêu thụ nội địa.

Trong tổng số 31 triệu m3 gỗ nguyên liệu cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, gỗ trong nước chiếm phần lớn với 23 triệu m3/năm (gỗ khai thác từ rừng trồng 17 triệu m3/năm; gỗ cao su thanh lý 3 triệu m3/năm; gỗ ngoài quy hoạch 3 loại rừng 3 triệu m3/năm), còn lại 8 triệu m3 gỗ nguyên liệu là NK.

Lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước đang tăng khá nhanh: năm 2012 là 13,7 triệu m3; 2013 đạt 14,17 triệu m3; 2014 tăng lên 16,36 triệu m3 và 2016 dự kiến 17,14 triệu m3. Lượng gỗ từ rừng cao su thanh lý cũng tăng qua từng năm.

Với đà tăng trưởng của XK gỗ (dự kiến đạt 10 tỷ USD vào 2020), trong những năm tới nhu cầu gỗ nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp gỗ sẽ tăng khoảng 4 - 5 triệu m3/năm. Điều này đang gây áp lực không nhỏ đối với nguồn cung gỗ nguyên liệu, nhất là nguồn cung trong nước.

Nguồn cung nguyên liệu gỗ trong nước tuy đang tăng nhanh, nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức, hạn chế không nhỏ. Trước hết là thách thức từ thu mua gỗ nguyên liệu. Ở Việt Nam đang có rất nhiều sản phẩm gỗ sử dụng gỗ rừng trồng trong nước như dăm mảnh, các loại ván nhân tạo, gỗ dùng cho xây dựng, sản xuất đồ gỗ phục vụ nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, trong những năm tới, nhu cầu gỗ rừng trồng trong nước cho sản xuất viên nén nguyên liệu sẽ tăng mạnh khi Nhật Bản đã và đang đầu tư xây dựng nhiều nhà máy sản xuất viên nén nguyên liệu ở Việt Nam. Do đó, cạnh tranh thu mua gỗ rừng trồng sẽ diễn ra gay gắt.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, đã xuất hiện tình trạng một số công ty có vốn nước ngoài hoặc công ty do người Việt đứng tên (nhưng đằng sau là người Trung Quốc) tạo nên hệ thống những nhà máy và cơ sở thu mua gỗ cao su, gỗ keo, tràm ở các tỉnh phía Nam để xuất sang Trung Quốc. Thống kê cho thấy lượng gỗ xẻ XK sang Trung Quốc đang tăng lên: năm 2015 là 206 ngàn m3; 9 tháng đầu năm 2016 là 225 ngàn m3.

Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực đã cấm XK gỗ nguyên liệu. Theo VIFORES, Lào và Campuchia đã cấm XK gỗ tròn và gỗ xẻ, kể cả gỗ từ rừng trồng. Do đó, khả năng thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam cạnh tranh thu mua gỗ nguyên liệu sẽ càng tăng lên. Không những thế, họ cũng sẽ là lực lượng cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam tại những nước đang cung ứng gỗ nguyên liệu cho ngành gỗ nước ta.

Một hạn chế lớn đối với gỗ rừng trồng trong nước là chất lượng còn chưa cao khi gỗ có đường kính nhỏ là chủ yếu, chất lượng cây gỗ (độ thon, phân cành sớm, giác đầu, lõi đen, tỷ trọng thấp…) chưa được cải thiện, năng suất tính trên 1 ha/chu kỳ chưa cao… Những hạn chế này đang ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung gỗ nguyên liệu.

Ông Lập nêu ý kiến: Đề nghị Bộ NN-PTNT và VIFORES kiến nghị Chính phủ ban hành các giải pháp hạn chế XK gỗ nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung cho ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung gỗ nguyên liệu trên toàn cầu đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là khi có sự cạnh tranh khốc liệt của thương nhân Trung Quốc.

Diện tích rừng trồng sản xuất có chứng chỉ còn thấp

Theo VIFORES, đến nay, mới có khoảng 200.000ha rừng trồng ở Việt Nam được cấp chứng chỉ FSC, chiếm 8% diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước. Do đó, yêu cầu 100% gỗ phải có chứng chỉ FSC và gỗ hợp pháp là thách thức lớn đối với ngành gỗ Việt Nam trong những năm tới.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ap-luc-nguon-cung-go-nguyen-lieu-post182946.html