Áp lực quá tải: Cha mẹ chật vật suốt đêm để 'đặt chỗ' học cho con

Không chỉ có các trường mầm non trên địa bàn TP Hà Nội bị áp lực quá tải mà TP HCM cũng căng thẳng không kém khiến các bậc phụ huynh phải chạy đôn, chạy đáo tìm chỗ học cho con.

Hà Nội: Cha mẹ khóc dở mếu dở tìm chỗ học cho con

Chị Nguyễn Thị P bắt đầu chuyển đến sinh sống tại tòa nhà Number one Thăng Long, Hà Nội từ đầu năm 2016. Trước đây, chị ở tại khu đô thị Trung Văn, nên con trai chị (sinh năm 2013) học tại một trường tư thục gần nhà.

Nhưng từ ngày chuyển đến chỗ ở mới, sau khi tìm hiểu hai trường mầm non gần nhà, chị thấy không đủ khả năng chi trả học phí, chị P chuyển hướng cho con học trường mầm non công lập.

Cũng mới chuyển về Linh Đàm, chị Phạm Hoàng H cũng khá chật vật tìm chỗ học cho con.

Chị Hoa than thở: “Khu vực phía Tây bán đảo Linh Đàm có thêm một số tòa nhà được đưa vào sử dụng. Trong khi đó, mới có một trường mầm non được xây mới nhưng chưa tuyển sinh. Chúng tôi không có chỗ nào để gửi con. Trong khi đó, trường tư thì không đủ điều kiện”.

Nhưng không phải chỗ nào cũng có trường mầm non tư thục để phụ huynh lựa chọn. Sau sự việc bạo hành trẻ tại nhóm trẻ Tuổi Hoa tại khu đô thị Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội, xã Tứ Hiệp đã đình chỉ hoạt động của 4 nhóm trẻ khác đang hoạt động tại đây. Động thái này nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ, tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh cũng khóc dở, mếu dở vì không biết tìm chỗ nào để gửi con.

Nhiều phụ huynh Hà Nội lo lắng không biết gửi con ở đâu. (Ảnh minh họa: Zing News)

Điều tra của phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho thấy, tổng số trẻ lớp mầm non 4 tuổi tại địa bàn quận là 4.495 trẻ nhưng chỉ tiêu tuyển mới của 14 trường mầm non công lập là 190 trẻ. Trong đó có tới 9/14 trường không có chỉ tiêu tuyển sinh mới đối với mầm non 4 tuổi.

Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết năm nay, các trường mầm non của quận cũng tuyển sinh như những năm trước. Đó là ưu tiên phổ cập mầm non 5 tuổi, còn các lứa tuổi khác, tuyển sinh theo khả năng của từng trường.

“Nếu số lượng trẻ quá lớn so với chỉ tiêu được tuyển ở những lứa tuổi dưới 5, các trường sẽ tuyển sinh theo đối tượng ưu tiên. Trong đó, ưu tiên hộ khẩu thường trú tại địa bàn trước rồi mới đến các ưu tiên khác” – ông Ngọc Anh chia sẻ.

Còn lãnh đạo phòng giáo dục quận Ba Đình thì cho rằng, với những trường quá tải, các trường sẽ tiến hành bốc thăm để tuyển. Hình thức bốc thăm này cũng được rất nhiều quận khác áp dụng để tuyển sinh.

TPHCM: Phụ huynh mang chiếu, võng để xin cho con

Theo thông báo của trường Mầm non Sơn Ca, thời gian mở cổng tuyển sinh là 13h30 ngày 11/7. Song, các phụ huynh sợ mất suất nộp hồ sơ nên đến trường từ đêm hôm trước.

Phụ huynh nằm la liệt trước cổng trường để mong con có một suất học tại trường Sơn Ca. (Ảnh: VnExpress)

Theo ghi nhận, rất đông người tập trung trước trường Mầm non Sơn Ca (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) từ 22h ngày 10/7. Họ trải chiếu nằm hoặc mang ghế bố ngồi la liệt trước cổng trường.

Theo kế hoạch tuyển sinh năm học này, trường Mầm non Sơn Ca nhận 55 trẻ ở độ tuổi nhà trẻ (6-36 tháng), đã kết thúc nhận hôm qua. Từ 11/7 đến 14/7, trường tuyển sinh 40 trẻ vào lớp Mầm (sinh năm 2013), không tuyển sinh lớp Chồi và lớp Lá.

Ông Hồ Minh Hoàng (ngụ khu phố 6, phương Hiệp Bình Chánh) muốn cho cháu ngoại vào trường này. Ông nói, dù rất mệt nhưng cũng phải ráng vì muốn cháu được học trường chất lượng.

Anh Minh (ngụ khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh) nhẩm tính, nếu cho con vô trường Mầm non Sơn Ca thì mỗi tháng chỉ tốn chừng 1,5 triệu đồng, lại an tâm hơn để làm việc. "Gửi con vô trường tư mỗi tháng phải mất 4 triệu đồng. Tôi có hai đứa con, nếu vô được trường này thì mỗi tháng tiết kiệm gần 6 triệu", anh chia sẻ.

An Thiên (TH)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/ap-luc-qua-tai-cha-me-chat-vat-suot-dem-de-dat-cho-hoc-cho-con-d18206.html