Áp lực từ 2 phía trong cuộc chiến ma túy ở Indonesia

Chính phủ Indonesia đang đẩy mạnh cuộc chiến chống ma túy, song nỗ lực của họ vấp phải sự chỉ trích của nhiều quốc gia và dư luận trong nước.

Cảnh sát bắt Wong Chi Ping, một trùm buôn ma túy tổng hợp methamphetamine xuyên quốc gia, cùng những thuộc hạ của hắn vào năm 2015. Tang vật của vụ án là 800 kg ma túy với giá trị lên tới 182 triệu USD. Với lượng ma túy khổng lồ đó, theo quy định luật pháp Indonesia có khả năng Wong Chi Ping sẽ lĩnh án tử hình. Ảnh: Getty.

Cảnh sát bắt Wong Chi Ping, một trùm buôn ma túy tổng hợp methamphetamine xuyên quốc gia, cùng những thuộc hạ của hắn vào năm 2015. Tang vật của vụ án là 800 kg ma túy với giá trị lên tới 182 triệu USD. Với lượng ma túy khổng lồ đó, theo quy định luật pháp Indonesia có khả năng Wong Chi Ping sẽ lĩnh án tử hình. Ảnh: Getty.

Một người nghiện chích ma túy bằng xi lanh ở thành phố Jakarta, thủ đô của Indonesia. Năm ngoái, Cơ quan Chống ma túy Quốc gia Indonesia cảnh báo tình trạng sử dụng ma túy ở đất nước vạn đảo đã tới mức báo động, với khoảng 4,2 triệu người nghiện. Ảnh: Getty.

Quan chức cảnh sát Indonesia tổ chức cuộc họp báo tại thủ đô Jakarta hôm 27/7 sau khi họ bắt một nhóm đàn ông vận chuyển 60 kg methamphetamine từ Cameroon. Tổng thống Joko Widodo tuyên bố ma túy là mối họa đáng sợ hơn cả phiến quân vũ trang. Vì thế, từ năm 2015, ông yêu cầu chính phủ đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến chống ma túy, bao gồm cả việc thúc đẩy tiến độ xử tử những kẻ buôn bán, vận chuyển chất cấm. Ảnh: Barcroft

7 nghi phạm buôn ma túy, gồm cả người bản địa và công dân nước ngoài, ngồi trong trụ sở cảnh sát quốc gia ở Jakarta hồi tháng 8. Tổng thống Widodo đã triệu tập các thị trưởng trên cả nước tới một hội nghị tại Jakarta vào năm 2015 để phát động chiến dịch bài trừ ma túy. "Khoảng 50 người chết mỗi ngày ở Indonesia do sử dụng ma túy. Nếu nhân con số đó với 365 ngày, chúng ta phải chứng kiến tới 18.000 người mất mạng mỗi năm", Jakarta Globe dẫn lời ông trong hội nghị.

Budi Waseso, người đứng đầu Cơ quan Chống ma túy Quốc gia Indonesia ca ngợi cuộc chiến chống ma túy ở Philippines và tuyên bố ông sẽ thúc đẩy cuộc chiến chống ma túy ở xứ vạn đảo bằng cách tăng quy mô lực lượng cảnh sát và trang bị thêm vũ khí hạng nặng cho họ. Khi phóng viên hỏi chính phủ Indonesia sẽ hành động quyết liệt như Philippines hay không, Budi cho rằng ông không loại trừ khả năng đó. "Tình trạng sử dụng ma túy ở Indonesia cũng nghiêm trọng như Philippines", báo Atimes dẫn lời ông. Ảnh: Reuters.

Giấu ma túy vào bộ phận lọc khí của các thiết bị công nghiệp là một trong những thủ đoạn của bọn tội phạm. Ảnh: Barcroft

Lực lượng an ninh chuẩn bị tiêu hủy hàng trăm kg ma túy trước sự chứng kiến của giới truyền thông. Luật pháp Indonesia yêu cầu nhà chức trách đưa người dùng ma túy vào trại cai nghiện, song trên thực tế rất nhiều người nghiện phải vào tù. Ảnh: Getty.

Khofifah Indar Parawansa, Bộ trưởng Các vấn đề xã hội Indonesia, khẳng định rằng nhiều người nghiện chỉ là nạn nhân và chính quyền nên đưa họ vào trại cai nghiện thay vì nhà tù. Ảnh: Barcroft

Những kẻ lĩnh án tử hình vì buôn bán, tàng trữ methamphetamine buộc phải tiêu hủy chất cấm tại trụ sở cảnh sát quốc gia ở Jakarta. Ảnh: Reuters.

17 xe cứu thương chở quan tài tiến vào nhà tù trên đảo Nusakambangan hôm 25/8 để chở xác của 14 tử tù bị xử tử vào ngày 26/8. Nhiều nước chỉ trích việc Indonesia xử tử công dân của họ vì tội buôn bán, vận chuyển ma túy. Ảnh: JP.

Cảnh sát và các nhà báo vây quanh Nila, thân nhân của một trong 14 tử tù sắp bị xử bắn. Nila và tử tù kia (một người đàn ông mang tên Michael Titus) đều là công dân Nigeria. Hà Lan và Brazil từng triệu hồi đại sứ của họ tại Indonesia sau khi Jakarta tử hình công dân hai nước này. Mặc dù vậy, Tổng thống Widodo khẳng định chính phủ của ông sẽ không khoan dung với những kẻ gieo rắc cái chết hàng loạt bằng ma túy Ảnh: Getty.

Hàng trăm người dân tuần hành tại thành phố Lahore, Pakistan hôm 28/7 để phản đối chính sách tử hình tội phạm ma túy ngoại quốc của Indonesia. Ảnh: JP.

Ngoài áp lực từ cộng đồng quốc tế, chính phủ còn hứng chịu sự chỉ trích từ dư luận trong nước. Giới truyền thông trong nước nhận định chính phủ của ông Widodo chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc chiến chống ma túy. Chẳng hạn, Jakarta Post cho rằng tình hình hầu như không thay đổi từ khi chính phủ tăng cường cuộc chiến, ngoại trừ việc kết liễu những kẻ buôn chất cấm. Nhiều quan chức chính phủ cũng thừa nhận số vụ phạm tội liên quan tới ma túy chỉ giảm nhẹ, trong khi ngân sách cho chương trình cai nghiện cũng giảm. Ảnh: AFP.

Quân Vũ

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ap-luc-tu-2-phia-trong-cuoc-chien-ma-tuy-o-indonesia-post702914.html