Áp thấp nhiệt đới dễ mạnh lên thành bão giật cấp 10, hướng vào Hải Phòng-Nghệ An

Dự báo, trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km đi vào Vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh lên thành bão.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện yêu cầu các địa phương từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, thông báo hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm… Sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.

Các tỉnh thành khu vực miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng chủ động ứng phó với lũ quét, sạt lở đất và có các biện pháp tiêu nước, chống úng cho sản xuất nông nghiệp và ngập lụt các khu đô thi…

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 01 giờ ngày 15/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8-9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 01 giờ ngày 16/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng-Nghệ An khoảng 430km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật cấp 8-9, biển động mạnh) từ vĩ tuyến 15,5-19,50N; từ kinh tuyến 109,00E-114,00E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Chùm ảnh đường đi và vị trí áp thấp nhiệt đới.

Đến 01 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông trên Vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng-Nghệ An khoảng 240km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, sau mạnh lên thành bão nên ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; từ gần sáng ngày 16/7 ở khu vực phía Đông của Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Biển động rất mạnh. Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Cảnh báo: Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ chiều và đêm ngày 16-18/7 ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm.

D.Hải

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ap-thap-nhiet-doi-de-manh-len-thanh-bao-giat-cap-10-huong-vao-hai-phong-nghe-an-n134061.html