Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 1

■ Hơn 6.200 ha lúa hè thu ở các tỉnh phía nam nhiễm sâu bệnh Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã mạnh lên thành bão (tên quốc tế là Merbok), trở thành cơn bão số 1 năm 2017. Vào hồi 22 giờ ngày 11-6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ vĩ bắc, 116,3 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 440 km về phía đông; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng bắc tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 22 giờ ngày 12-6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,3 độ vĩ bắc, 115,3 độ kinh đông, trên vùng biển phía nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc); sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, biển động rất mạnh): phía bắc vĩ tuyến 17,0 độ vĩ bắc; phía đông kinh tuyến 113,5 độ kinh đông; cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 đến 20 km, đi vào đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và suy yếu thành ATNĐ; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam cho nên khu vực nam Biển Đông và các vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang, có mưa rào, dông mạnh kèm lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6 đến cấp 8.

* Ngày 11-6, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Bình Thuận cho biết, tàu vận tải Chemroad journey (quốc tịch Cai-man) có 27 thuyền viên chở gần 2.000 tấn dầu đang trên hải trình từ Xin-ga-po đi Trung Quốc bị mắc cạn trên vùng biển Phú Quý (Bình Thuận). Tàu bị nghiêng về bên mạn trái và có nguy cơ tràn dầu. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Phú Quý, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận nắm chắc liên lạc, thông tin chặt chẽ với tàu Chemroad journey để sẵn sàng huy động và triển khai các biện pháp cứu nạn khi có yêu cầu...

* UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, chiều 10-6, khu vực biển ở huyện đảo Lý Sơn bất ngờ xảy ra dông, lốc dẫn đến sóng biển lớn bất thường, hơn 200 du khách đang tham quan tại đảo Bé không thể về lại đảo Lớn, phải nghỉ tại đây. UBND huyện đã chỉ đạo cho chính quyền đảo Bé hỗ trợ tìm nơi ngủ cho số du khách bị kẹt lại. Đến khoảng 8 giờ, ngày 11-6, số hành khách này đã được ca-nô cao tốc đưa trở lại đảo Lớn, trung tâm huyện Lý Sơn an toàn.

* UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua khảo sát, toàn tỉnh có 56 điểm đang sạt lở và nguy cơ sạt lở bờ sông với 4.077 hộ dân bị ảnh hưởng. Trước tình hình nêu trên, UBND tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ ngân sách T.Ư khoảng 244 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp những nơi sạt lở cao nhất. Đồng thời, cho xây dựng 12 cụm tuyến dân cư (kinh phí dự kiến 656 tỷ đồng) trên địa bàn các huyện: Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông, Châu Thành, Cao Lãnh; thị xã Hồng Ngự và TP Cao Lãnh để di dời khẩn cấp 2.440 hộ dân nằm trong vành đai sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

* Hơn 6.200 ha lúa hè thu ở các tỉnh phía nam nhiễm sâu bệnh:

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ lúa hè thu này, các tỉnh, thành phố phía nam đã xuống giống hơn 1,5 triệu ha, nhưng hiện có hơn 6.200 ha lúa nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá; trong đó có hơn 2.500 ha lúa bị bệnh nặng chủ yếu ở các tỉnh: Đồng Tháp, Long An, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang…

* Sáng 11-6, trên đường Trường Sa (địa phận quận 3 đến quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đoạn từ cầu đi bộ số 1 đến cầu số 7, nhiều người dân phát hiện cá nổi lên dày đặc ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nước kênh có mầu đen đục và nhiều rác thải. Ngoài số cá nổi trên sông, rải rác dọc bờ kênh có một số cá đã chết. Các lực lượng chức năng đang làm rõ nguyên nhân.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33146402-ap-thap-nhiet-doi-manh-len-thanh-bao-so-1.html