Áp thuế chống phá giá tôm: Ngậm ngùi người nuôi

Việc Bộ Thương mại Mỹ công bố thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này, đã làm cho người nuôi tôm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiệt hại nặng nề. Trong khi Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đang làm các thủ tục kháng cáo, thì giá tôm tại khu vực này tuột dốc không phanh. Người nuôi bị thiệt hại nặng nề do giá xuống thấp.

Con tôm đã hẹp đường bơi

Ông Võ Hồng Ngoãn - một trong những người nuôi tôm thành công nhất ĐBSCL - tỏ ra hết sức bất bình về việc DOC áp mức thuế chống phá giá đối với tôm nuôi Việt Nam. Ông Ngoãn phân tích: “Người nuôi tôm tại ĐBSCL gần như tự bơi ngay tại mảnh đất của mình. Họ tự tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật, chọn giống, chăm sóc…

Hầu hết những người nuôi tôm có quy mô lớn đều có kinh nghiệm và kỹ thuật trên 15 năm. Chính vì vậy giá thành cho sản phẩm tôm nuôi Việt Nam thấp hơn các nước khác là điều hiển nhiên. Không có lý do gì để nói rằng tôm nuôi của Việt Nam giá thành thấp là do được trợ giá của Chính phủ Việt Nam.

Hiệu ứng tức thời từ thông tin DOC áp thuế, lập tức giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL rớt từng ngày. Theo ông Ngoãn, giá tôm sú loại 20 con/kg hiện còn 220.000 đồng - 240.000 đồng/kg; giảm từ 30.000 đồng/kg đến 50.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giảm từ 20.000 đồng/kg đến 25.000 đồng/kg.

DOC áp thuế chống phá giá, DN chế biến thủy sản xuất khẩu gặp khó khăn.

Trong khi đó, giá tôm thẻ chân trắng cũng giảm trung bình 20.000 đồng/kg. Hiện loại 100 con/kg chỉ còn dưới 100.000 đồng/kg. Với mức giá này, theo tính toán của người nuôi, nếu thu hoạch thời điểm này tự nhiên sẽ mất 20 triệu đồng/ha do giá hạ. Ông Nguyễn Văn Khiêm, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu vừa thu hoạch 10 tấn tôm thẻ chân trắng, tiếc rẻ: “Tui bị mất ít nhất 200 triệu đồng do giá xuống bất ngờ. Với giá hiện tại vẫn có lãi, nhưng mức lãi không cao”.

Những người nuôi tôm quảng canh thu vài chục kilôgam/ ngày với đủ cỡ tôm bị thiệt hại nặng. Ông Trần Văn Út, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu than thở: “Thương lái chê tôm tôi hoài à. Họ nói tôm sụt lắm rồi, nên ngày hôm sau giá thấp hơn hôm trước. Tính ra trong vòng 10 ngày, tui mất đến 5 triệu đồng tiền chênh lệch giá”.

Mức thuế DOC áp cho tôm xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn các doanh nghiệp sẽ hạ giá thu mua tôm nguyên liệu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người nuôi tôm chịu. Lâu nay họ tính toán, phập phồng theo những vụ nuôi, vì biến động giá thức ăn, con giống, môi trường, và dịch bệnh luôn rình rập. Đến khi thu hoạch, đạt chất lượng, kích cỡ mong muốn, chưa kịp vui lại đối mặt với cơn bão giá sụt, khiến người nuôi lao đao.

Chính thức khiếu nại lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ

Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ với mức thuế áp cao nhất từ trước đến nay cho các công ty xuất khẩu tôm của Việt Nam

Mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%. Trong đó, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) chịu mức thuế 4,98%; Cty thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) 9,75%; 30 Cty còn lại là bị đơn của DOC chịu mức thuế 6,37%...

Trước thông tin này, Tổng giám đốc Stapimex Trần Văn Phẩm cho rằng việc áp thuế của DOC là bất hợp lý. Theo ông Phẩm người nuôi tôm tại Việt Nam có kỹ thuật hơn hẳn các nước so sánh nên giá thành thấp là điều tất nhiên, không có gì khó hiểu. Chính vì vậy giá tôm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ thấp hơn các nước khác là điều rất dễ hiểu.

Đại diện Hiệp hội Vasep ông Trần Thiện Hải cho rằng phương pháp tính giá mà DOC áp dụng lần này thiếu tính khoa học lẫn thực tiễn. Ông Hải phân tích: “Kết quả DOC công bố kỳ này quá cao, trong khi kỳ xem xét trước (POR7) là 0% đối với tất cả các doanh nghiệp. Rõ ràng họ có sự áp đặt, khiến cho DN có nguy cơ thua lỗ nặng do đã mua nguyên liệu với giá cao nay bán thấp. Cả người nuôi tôm cũng gặp khó do ảnh hưởng mặt bằng giá”.

Ông Hải cho biết. Vasep đã gửi đơn kháng cáo kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) về quyết định cuối cùng của DOC áp mức thuế chống bán phá giá lên con tôm Việt Nam.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/ap-thue-chong-pha-gia-tom-ngam-ngui-nguoi-nuoi-253258.bld