APEC 19: đã “xuyên Thái Bình Dương”

Gần 20.000 người, trong đó có 2.000 nhà báo đã đổ về Hawaii, làm nền kinh tế của bang hải đảo này của Hoa Kỳ thu được 125 triệu đôla trong tuần hội nghị vừa qua. 20 đoàn đại biểu dẫn đầu bởi các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế đã cùng nước chủ nhà Hoa Kỳ nhóm họp hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 19 từ ngày 14 đến 15/11/2011 tại đây. Các kết quả đạt được tại APEC 19 này đã có một ý nghĩa khác thường. Nó không chỉ có tính Châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific) mà nó còn có một thực chất "xuyên Thái Bình Dương" (Trans-Pacific) nữa.

Thống nhất trong đa dạng

Trả lời báo chí nhân kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị cấp cao APEC 19 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết:

"…Chủ tịch nước và các thành viên chính thức của Đoàn đã gặp gỡ và tiếp xúc song phương với nhiều Nguyên thủ, Lãnh đạo thành viên APEC, trong đó có Tổng thống và Ngoại trưởng nước chủ nhà Hoa Kỳ, Chủ tịch Trung Quốc, các tổng thống Nga, Chile và Peru, Thủ tướng Australia… Đặc biệt lần đầu tiên 11 nhà lãnh đạo các quốc đảo Nam Thái Bình Dương đã tiếp kiến Chủ tịch nước…

Qua các cuộc gặp trên, lãnh đạo ta và các nước đã nhất trí về nhiều biện pháp đẩy mạnh hợp tác song phương giữa nước ta với các đối tác chủ chốt trong khu vực, nhất là về kinh tế-thương mại, và phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, cũng như trong khuôn khổ APEC và các diễn đàn đa phương khác. Nhân dịp này, chúng ta đã ký kết với Chile "Hiệp định mậu dịch tự do" đánh dấu giai đoạn mới trong quan hệ hai nước, và ký kết với Peru "Hiệp định hợp tác và hỗ trợ giữa các cơ quan hải quan."

Có thể khẳng định rằng, những kết quả đạt được của Đoàn ta tại Tuần lễ cấp cao APEC năm nay, cả trên bình diện đa phương và song phương, đã đóng góp vào thành công chung của Hội nghị, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, đưa quan hệ của nước ta với các đối tác khu vực đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, góp phần triển khai chủ trương phát triển kinh tế-xã hội và đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XI. Đồng thời, để hội nhập quốc tế hiệu quả hơn và tận dụng được các cơ hội của liên kết kinh tế khu vực, chúng ta cần sớm chủ động triển khai mạnh mẽ và quyết liệt các điều kiện chuẩn bị trong nước về mọi mặt”.

Có thể nói, trên lòng chảo Thái Bình Dương, không có một tổ chức quốc tế nào lại to lớn và đa dạng như APEC. Ra đời năm 1989 dựa trên sáng kiến của Australia với 12 thành viên, đến nay APEC đã có 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có 3 nền kinh tế số 1, số 2 và số 3 trên thế giới với tổng dân số 2,7 tỷ người, sản xuất ra 55% GDP toàn cầu. Từ Nga cho đến New Zealand, từ Canada đến Chile tính từ Bắc xuống Nam; từ Trung Quốc, Nhật Bản đến Mỹ, tính từ Tây sang Đông và từ Mexico đến Việt Nam tính theo chiều ngược lại, APEC có đủ các màu da, đủ kích cỡ các nền kinh tế, nhiều bản sắc văn hóa và nhiều thể chế chính trị khác hẳn nhau. Nhưng hai ngày cuối tuần trước tại đảo Honolulu, tất cả 21 đoàn đại biểu đại diện cho 21 sự đa dạng đó đều có chung một tiếng nói và cùng nhau ra một tuyên bố trước thế giới với 3 nội dung chính. Đó là lời tuyên bố về: Thúc đẩy liên kết khu vực và mở rộng thương mại; Hợp tác tăng trưởng xanh; và Đồng bộ hóa chính sách. Lãnh đạo nước chủ nhà, nền kinh tế số 1 thế giới, ...Tổng thống Obama sau khi nêu 3 nội dung của APEC 19 còn nhấn mạnh rằng:"ưutiên số 1 của tôi không chỉ là tăng trưởng kinh tế mà còn là sự tăng trưởng đó phải được chuyển thành các cơ hội cho những người dân bình thường".

Đại diện nền kinh tế số 2 thế giới - hiện đang có tranh chấp thương mại và tỷ giá hối đoái với nền kinh tế số 1, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào - nhưng vẫn ủng hộ nước chủ nhà khi tuyên bố Trung Quốc chia sẻ quan điểm rằng "Cải thiện cơ chế quản trị kinh tế toàn cầu; Đạt được tăng trưởng xanh và sáng tạo; Làm sâu sắc liên kết kinh tế khu vực và thương mại đa phương; Tăng cường hợp tác công-tư (PPP)". Trưởng đoàn Việt Nam - một nền kinh tế đang hoàn thiện thể chế thị trường - Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng thể hiện mong muốn khi phát biểu:"Việt Nam hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư, cải cách cơ cấu… Chúng tôi đánh giá cao… các sáng kiến thiết thực, đặc biệt về tăng trưởng xanh, an ninh năng lượng… và vai trò của phụ nữ trong kinh tế".

Tăng cường liên kết khu vực và mở rộng thương mại là tiếp tục đẩy mạnh hơn Mục tiêu Bogor của APEC, đó là tự do hóa thương mại và đầu tư. Tuy nhiên mục tiêu đó phải thông qua "tăng trưởng xanh", tức là một mô hình tăng trưởng với hàm lượng cácbon thấp, hạn chế dùng năng lượng hóa thạch, mà dùng năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường. Đồng bộ hóa chính sách là phải tính đến các tầng lớp dân cư, đặc biệt là các tầng lớp dễ bị tổn thương trong hoạch định chính sách phát triển, phải chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ và ưu tiên doanh nghiệp nữ v..v.

Thế giới đang trải qua một giai đoạn mà Tổng thống Obama nhận định rằng :"chúng ta đang đi qua một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất và cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thập kỷ 1930 đến nay". Trong bối cảnh châu Âu chìm ngập trong khủng hoảng nợ thì việc tăng cường hợp tác trong APEC là điều không khó hiểu. Tổng thống Obama còn tuyên bố :"Không có một khu vực nào trên thế giới mà chúng tôi cho rằng quan trọng hơn Châu Á-TBD, và chúng tôi muốn, trên toàn diện các vấn đề, làm việc cùng các nền kinh tế đối tác trong Lòng chảo Thái Bình Dương nhằm mục tiêu tăng việc làm, tăng trưởng kinh tế, phồn vinh và an ninh cho tất cả chúng ta". Trong bối cảnh quốc tế và các khu vực khác khó khăn như vậy thì phát biểu của nước chủ nhà cũng là suy nghĩ của các nền kinh tế thành viên: quay về hợp tác với nhau, ở Châu Á-TBD này! Tất cả các thành viên APEC, ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương cần phải và đã thực sự thống nhất với nhau được như vậy. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử hơn 20 năm của APEC, tổ chức này lại thể hiện sự thống nhất cao độ như thế cái tính chất "xuyên Thái Bình Dương" của mình.

Tuy nhiên, trên thực tế thì vẫn còn rào cản về tự do hóa thương mại và đầu tư. Một số nền kinh tế thành viên APEC vẫn dựng lên các quy tắc bảo hộ mậu dịch khá mạnh cho nên tự do hóa thương mại vẫn chưa thực sự tự do và tự do hóa đầu tư vẫn bị chính trị hóa.

Sắp có TPP

Nhằm thoát khỏi tình trạng này, năm 2006 Mỹ đưa ra sáng kiến về một hiệp định tự do thương mại mang tên "Đối tác xuyên Thái Bình Dương" (TransPacific Partnership-TPP). Tại diễn đàn APEC 19 này, Tổng thống Obama thông báo rằng các nước tham gia đàm phán về TPP sẽ đạt được thỏa thuận khung vào năm 2012. TPP thực chất là một hiệp định tự do thương mại, cho đến trước Hội nghị APEC 19 có 10 nước tham gia là Mỹ, Chile, Australia, New Zealand, Singapore, Brunei, Việt Nam…. Tại APEC 19, Nhật Bản đã tuyên bố sẽ tham gia đàm phán TPP. Sự tham gia của Nhật là một sự kiện lớn của TPP vì nó là một trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, nó làm cho TPP thực sự là "xuyên Thái Bình Dương" vì nền kinh tế số 3 này nằm ở bờ Tây còn nền kinh tế số 1 thế giới - Hoa Kỳ - nằm ở bờ Đông Thái Bình Dương.

Tại Hội nghị APEC 19, Tổng thống Obama tuyên bố với báo chí rằng :"Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương… là một thỏa thuận thương mại cao cấp mà nó có tiềm năng để trở thành hình mẫu không chỉ đối với các nước trong khu vực Thái Bình Dương mà cho cả thế giới nói chung". Chưa rõ ý ông Obama định nói gì, song rõ ràng để có một hiệp định tự do thương mại đa phương với sự tham gia của hàng chục nước với nền kinh tế số 1 thế giới là chưa hề có. Do vậy khi ra đời, TPP sẽ có thể mang lại cho các nước thành viên cơ hội khổng lồ và điều kiện rất thuận lợi để tiếp cận thị trường của nền kinh tế số 1 và số 3 thế giới. Nhiều nhà quan sát, do vậy dự báo rằng, sau Nhật Bản sẽ có các nền kinh tế khác muốn gia nhập TPP.

Việt Nam nằm trong nhóm các nước thành viên sáng lập TPP. Tham dự Cuộc họp cấp cao TPP lần thứ hai tại Hawaii vừa qua, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang phát biểu :"Việt Nam hoan nghênh thỏa thuận về Khung tổng thể Hiệp định TPP… Với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình đàm phán". Tuy nhiên, xuất phát từ lợi ích quốc gia của một nước đang phát triển ở trình độ còn thấp và xuất phát từ tính thực tế về tự do hóa thương mại trên thế giới, Chủ tịch Việt Nam cũng đề nghị TPP "chú trọng thỏa đáng nguyên tắc vì sự phát triển… quan tâm đầy đủ trình độ phát triển khác nhau cũng như tính đa dạng của các nước thành viên".

Hội nghị APEC 19 đã kết thúc ở Hawaii, một quần đảo vô cùng xinh đẹp nằm giữa Thái Bình Dương. Nó đã đạt được sự thống nhất cao của các nền kinh tế thành viên ở cả hai bên bờ đại dương lớn nhất thế giới này. Sự kiện bên lề của APEC 19 là Hội nghị cấp cao TPP lần thứ hai đã "chọc thủng" một trở ngại to lớn là: đạt được thỏa thuận về Khung tổng thể Hiệp định TPP và đón nhận Nhật Bản nền kinh tế thứ ba thế giới cũng nằm giữa Thái Bình Dương gia nhập tổ chức này. APEC 19, do vậy, ngoài những thành công chung của nó, còn "xuyên" được Thái Bình Dương rồi!

Sơn Thủy(từ Hawaii)

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ChinhTri/2011/11/04B7149FA9B2D86F/