Apple siết bảo hành, khách Việt băn khoăn: Chuẩn chỉnh đẳng cấp

Việc Apple siết bảo hành không làm thay đổi nhiều về mặt khách hàng bởi khi đã chấp nhận chơi đồ Apple nghĩa là cũng chấp nhận dịch vụ đắt đỏ.

Phù hợp luật chơi quốc tế

Những ngày qua, có thông tin Apple siết lại chính sách bảo hành của hãng. Theo đó, các trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple tại Việt Nam như KTC, FPT iService chỉ nhận bảo hành iPhone xách tay nếu có kèm theo hóa đơn mua hàng tại các cửa hàng được Apple ủy quyền ở nước ngoài. Tất cả iPhone do các cửa hàng xách tay bán ra cho người dùng nếu không có hóa đơn gốc từ các đơn vị của Apple không được áp chính sách bảo hành như hàng chính hãng.

Theo phản ánh của một tờ báo, một số trung tâm sửa chữa iPhone nhỏ lẻ tại TP.HCM cho biết hiện iPhone 7 và 7 Plus không thể thay thế nút home vì bị Apple khóa mã.

TS Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) đánh giá, chính sách bảo hành này của Apple hoàn toàn đúng đắn và hợp lý bởi bản quyền sở hữu trí tuệ không thể vi phạm, Apple không để thương hiệu của họ bị nhái tràn lan. Khi sản phẩm iPhone vào những cửa hàng điện thoại di động không có ủy quyền của Apple, nếu sau này sản phẩm bị hỏng hóc hay vấn đề gì, người dùng sẽ đổ tại chất lượng dịch vụ của Apple, điều đó làm ảnh hưởng đến uy tín của hãng.

Apple đưa ra chính sách mới đối với các sản phẩm iPhone xách tay

"Những ai đã chấp nhận và tin tưởng dùng sản phẩm của Apple thì phải vào đúng địa chỉ chính hãng của họ, không thể thích chơi đồ xịn mà lại dùng dịch vụ chất lượng kém, không có ủy quyền của họ. Động thái này không phải là "đuổi khách" mà Apple đang tuân thủ theo đúng luật chơi quốc tế về mặt sở hữu trí tuệ và sở hữu thương hiệu.

Một khi đã chấp nhận chơi đồ xịn thì phải chấp nhận dịch vụ xịn và giá cả đắt. Không thể mua đồ xịn mà dùng dịch vụ chất lượng kém, về sau sản phẩm có vấn đề gì lại đổ cho chất lượng của nhà cung cấp", TS Nguyễn Trường Thắng chỉ rõ.

Trước ý kiến cho rằng, Apple đang tạo lợi thế không nhỏ các đại lý ủy quyền của mình thông qua việc siết lại chính sách bảo hành, TS Nguyễn Trường Thắng cho rằng, về mặt thương hiệu những ai "chơi" với Apple thì họ tạo điều kiện, đó là luật chơi quốc tế. Trong khi đó, các đại lý cũng phải bỏ ra chi phí mới được Apple ủy quyền.

"Những cửa hàng được mở tự phát, không phải do Apple ủy quyền không mất chi phí gì trong khi các đại lý kia phải đáp ứng tiêu chuẩn của Apple thì mới được ủy quyền. Chẳng hạn, đại lý ủy quyền phải có chứng chỉ Apple, trang thiết bị sửa sản phẩm của Apple. Họ cũng phải đào tạo kỹ sư, nhân viên bán hàng, chăm sóc khách hàng đúng với tiêu chuẩn của Apple. Đó là điều hợp lý, đã chấp nhận cuộc chơi thì phải vào chuẩn, không thể thích làm gì thì làm hay đi mượn thương hiệu".

Vị chuyên gia về công nghệ thông tin nhấn mạnh, Apple không hỗ trợ gì cho đại lý của họ khi siết chính sách bảo hành, cái mà "quả táo" đang làm là để đảm bảo thương hiệu, chất lượng sản phẩm và uy tín của họ. Apple bắt buộc khách hàng đã dùng sản phẩm của hãng phải qua đại lý ủy quyền thì mới đảm bảo thương hiệu, chất lượng, không thể đã mua đồ của Apple lại chạy qua chỗ rẻ tiền để sửa chữa.

Đẳng cấp

Lâu nay, cuộc chiến giành thị phần trong ngành smartphone giữa Samsung và Apple luôn căng thẳng khi những sản phẩm đầu bảng của hai ông lớn này đều cho thấy sức cạnh tranh mãnh liệt về thiết kế, tính năng, chiến lược và cả chế độ chăm sóc khách hàng. Có dự đoán rằng, với việc thay đổi chính sách bảo hành lần này của Apple, có thể lợi thế sẽ thuộc về Samsung.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trường Thắng, điều này tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng hãng.

"Đối với Samsung, có thể chiến lược kinh doanh hãng khác, họ cần phủ sóng và có thể có cả hàng bình dân, còn Apple định hướng khách hàng cao cấp. Chính vì thế, Samsung không nhất thiết phải siết như Apple. Tôi không rõ chiến lược của Samsung thế nào nhưng có lẽ hiện nay họ chưa quá căng thẳng về việc này nên chưa làm. Đến lúc Samsung thấy cần phải siết chính sách bảo hành như Apple hoặc đảm bảo chất lượng của Samsung thì lúc đó vấn đề lại khác, các cửa hàng sửa chữa cá nhân sẽ là một vấn đề đối với Samsung".

Vị chuyên gia cũng nhận định, khi bỏ tiền ra mua sản phẩm của Apple, bản thân khách hàng cũng là người có tiền. Cũng có người muốn tiết kiệm trong việc sử dụng dịch vụ, thay vì đến đại lý ủy quyền của Apple lại ra cửa hàng bên ngoài có phí sửa chữa rẻ hơn. Tuy nhiên, có lẽ phần đông khách hàng sẽ chấp nhận việc siết bảo hành lần này của Apple.

"Tôi cho rằng sẽ không thay đổi gì nhiều về mặt khách hàng vì một khi đã chấp nhận chơi đồ Apple thì khách hàng sẽ chấp nhận. Khách hàng của Apple không phải bình dân như của Samsung", TS Thắng nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/apple-siet-bao-hanh-khach-viet-ban-khoan-chuan-chinh-dang-cap-3333230/