Apple trong danh sách nghi vấn có thỏa thuận tránh thuế với Ailen

Báo cáo “Cuộc đua thuế” của Oxfam đã cảnh báo một cuộc đua xuống đáy nghiêm trọng về thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó có nhắc đến nghi vấn Ailen và Apple có thỏa thuận thuế.

Cụ thể, Báo cáo “Cuộc đua thuế” của Oxfam cho biết nhiều quốc gia trong danh sách “tồi tệ nhất” đã bị nghi vấn có liên quan trong các vụ bê bối về thuế.

Ailen với thỏa thuận thuế cùng Apple, cho phép công ty công nghệ toàn cầu khổng lồ chi trả mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 0,005% tại quốc gia này.

Quần đảo British Virgin là nơi tọa lạc của hơn một nửa trong số 200,000 công ty ”ma” do Mossack Fonseca thành lập là một công ty luật có vai trò trọng tâm trong vụ bê bối Hồ sơ Panama.

Esme Berkhout, Cố vấn chính sách thuế của Oxfam nói: “Thiên đường thuế đang giúp các doanh nghiệp lớn chiếm đoạt từ các quốc gia hàng tỷ USD mỗi năm. Các doanh nghiệp đang tiếp tay cho một hệ thống kinh tế vô cùng bất công, khiến hàng triệu người mất đi hầu hết các cơ hội cải thiện cuộc sống tốt hơn.”

Ailen bị cho rằng đã trao các quyền lợi thuế bất hợp pháp cho Apple

Hành vi trốn thuế của các công ty đa quốc gia khiến các nước nghèo mất đi ít nhất 100 tỷ Đô la Mỹ hàng năm. Số tiền này đủ để tạo cơ hội cho 124 triệu trẻ em thất học được đến trường và cứu sống ít nhất 6 triệu trẻ em mỗi năm.

Tuy nhiên, báo cáo của Oxfam chỉ ra rằng thiên đường thuế chỉ là một phần của vấn đề. Các quốc gia trên khắp thế giới đang cắt giảm thuế cho doanh nghiệp để cạnh tranh thu hút đầu tư.

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình của các nước nhóm G20 là 40% vào 25 năm trước. Hiện nay, con số này xuống dưới 30%. Ưu đãi thuế tốn kém và không hiệu quả đang được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Ví dụ như, ưu đãi thuế khiến Kenya tốn 1,1 tỷ Đô la Mỹ một năm – gần gấp đôi toàn bộ ngân sách cho y tế của quốc gia này.

Khi đã cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, các quốc gia cân đối tài chính bằng cách giảm chi tiêu công hoặc tăng thuế, như thuế giá trị gia tăng (GTGT), mà phần lớn do người nghèo chi trả. Ví dụ, song hành với cắt giảm 0,8% thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2007 đến 2014, các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã tăng 1,5% thuế suất thuế GTGT từ năm 2008 đến 2015.

15 thiên đường trốn thuế lớn nhất thế giới

Báo cáo “Cuộc đua thuế” của Oxfam cho biết cách thức các thiên đường thuế đang dẫn dắt cuộc đua xuống đáy toàn cầu về thuế thu nhập doanh nghiệp làm thất thoát của các quốc gia hàng tỷ USD.

Danh sách đầy đủ các thiên đường thuế tồi tệ nhất trên thế giới như sau, xếp theo mức độ nghiêm trọng: (1) Bermuda (2) Quần đảo Cayman (3) Hà Lan (4) Thụy Sỹ (5) Singapore (6) Ireland (7) Luxembourg (8) Curaçao (9) Hồng Kông (10) Cộng hòa Síp (11) Bahamas (12) Jersey (13) Barbados, (14) Mauritius và (15) Quần đảo British Virgin.

Vương quốc Anh không xuất hiện trong danh sách, nhưng bốn vùng lãnh thổ thuộc quốc gia này lại có tên trong danh sách: Quần đảo Cayman, Jersey, Bermuda và Quần đảo British Virgin.

Oxfam cho biết đã xây dựng danh sách “Thiên đường thuế tồi tệ nhất trên thế giới” bằng cách đánh giá trên ba tiêu chí gồm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0%, có các ưu đãi thuế không công bằng, thiếu hiệu quả và thiếu hợp tác quốc tế trong việc chống lại hành vi tránh thuế (bao gồm các biện pháp tăng cường minh bạch tài chính).

“Không có người thắng cuộc trong cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp. Những người dân thường – đặc biệt là những người nghèo nhất – đang phải trả giá cho cuộc đua nguy hiểm này với việc thuế cá nhân bị tăng lên và các dịch vụ thiết yếu, như chăm sóc sức khỏe và giáo dục bị cắt giảm. Các quốc gia cần hợp tác với nhau để chấm dứt cuộc đua xuống đáy điên rồ về thuế thu nhập doanh nghiệp và để đảm bảo các công ty thực hiện đúng nghĩa vụ thuế của họ một cách bình đẳng,” Berkhout cho biết.

Oxfam kêu gọi các quốc gia hợp tác với nhau để chấm dứt hành vi trốn thuế và cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp cần dừng các ưu đãi thuế không hiệu quả và bất công, hợp tác để xác định mức thuế thu nhập doanh nghiệp công bằng, lũy tiến và đóng góp cho lợi ích chung

Bên cạnh đó cần đảm bảo rằng danh sách đen về thuế dựa trên các tiêu chí khách quan, đầy đủ, bao gồm cả việc một quốc gia có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

Cải thiện minh bạch thuế bằng việc yêu cầu tất cả công ty đa quốc gia công bố báo cáo tài chính tại các quốc gia họ đang có hoạt động kinh doanh, từ đó làm rõ công ty đang nộp những loại thuế nào và tại đâu.

Tháng 8 năm 2016, các cuộc điều tra của Ủy ban Châu Âu đã kết luận rằng Ailen trao các quyền lợi thuế bất hợp pháp cho Apple, giúp công ty này trả ít thuế hơn hẳn so với các đối thủ qua nhiều năm. Ưu đãi này cho phép Apple chỉ trả thuế suất thực tế tương đương 0.005% lợi nhuận tại châu Âu vào năm 2014, giảm mạnh từ mức 1% vào năm 2003.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/apple-trong-danh-sach-nghi-van-co-thoa-thuan-tranh-thue-voi-ailen-20161213044059819p145c151.news