Ariel Sharon -Một con người tranh cãi

(Cadn.com.vn) - Cố Thủ tướng Ariel Sharon là một nhân vật rất có tầm cỡ trên trường chính trị và quân sự của Israel nhưng ông cũng là nhân vật gây nhiều tranh cãi trong suốt sự nghiệp dài của mình.

Ông Sharon, một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Israel, một chỉ huy quân sự và nhà lãnh đạo chính trị ở đỉnh cao của quyền lực vốn giúp vẽ lại bản đồ bầu cử của đất nước, đã qua đời hôm 11-1 tại một bệnh viện Tel Aviv, ở tuổi 85.

Gilad Sharon, một trong hai người con trai của ông Sharon cho biết "cha ra đi khi ông quyết định đi". Ông Sharon ở trong tình trạng hôn mê từ ngày 4-1-2006 sau một cơn đột quỵ và rời khỏi chính trường từ đó đến nay.

Công hay tội?

Ông Sharon là một vị tướng cứng rắn và không hề khoan nhượng, người nắm giữ gần như mọi vị trí hàng đầu trong chính phủ, gồm cả thủ tướng vào thời điểm trước khi ông lâm bệnh.

Đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết, cả nước cúi đầu trước "một người lính dũng cảm và một chỉ huy quân sự xuất sắc". Người dân Israel gọi ông là "chiếc xe ủi", một nhà lãnh đạo không hề biết sợ hãi. "Ông ấy luôn luôn lo lắng về số phận của những người Do Thái và để người dân Do Thái tồn tại trong thế giới này, bạn phải đứng lên và chiến đấu", cố vấn cao cấp của ông Sharon, Raanan Gissin, nói.

Đối với đối thủ của mình, như nhà lập pháp Palestine Hanan Ashrawi, ông là "một xe ủi đất". "Trong thế giới Arab, ông ấy bị phẫn nộ, căm ghét, ông không chỉ dính máu trên tay, mà để lại vết máu ở khắp mọi nơi ông đi qua", ông Gissin nói.

Sinh ra ở Tel Aviv vào ngày 26-2-1928, ông Sharon dũng cảm tham gia cuộc chiến giành độc lập của Israel và nhanh chóng thăng chức. Năm 1953, sau khi một làn sóng tấn công khủng bố từ Jordan, ông thành lập và chỉ huy đơn vị 101, thực hiện nhiệm vụ trả thù.

Ông ra lệnh tấn công thị trấn biên giới Kibya khiến 45 ngôi nhà bị sập và 69 người dân Arab thiệt mạng. Tuy nhiên, ông Sharon nói, ông nghĩ rằng những ngôi nhà này không có người ở. Tháng 6-1967, ông trở lại cuộc chiến với vai trò một vị tướng. Ông dẫn tiểu đoàn xe tăng tấn công người Ai Cập ở Sinai trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày.

Nhưng thành tích quân sự lớn nhất của ông được ghi trong cuộc Chiến tranh Yom Kippur vào năm 1973 khi lực lượng của ông bị tấn công bất ngờ bởi liên minh các quốc gia Arab dẫn đầu bởi Ai Cập và Syria. Ông Sharon sau đó bao vây quân đội Ai Cập và dẫn quân vượt kênh đào Suez trước khi được lệnh không được tiến thêm nữa. Ông rất tức giận và nói: "Chúng ta đã đánh bại Ai Cập nhưng đã không hoàn tất cuộc chiến".

Cựu Thủ tướng Ariel Sharon. Ảnh: CNN

Trở lại chính trường

Sau khi về hưu, ông chuyển sang hoạt động chính trị. Là một thành viên của đảng Likud bảo thủ, ông đảm nhận một số chức vụ trong chính quyền Israel. Ông là cha đẻ của các khu định cư người Do Thái xây dựng trên đất của người Palestine bị chiếm đóng. Hành động này bị quốc tế lên án và bị người Israel xem là một trở ngại cho hòa bình.

Với cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, ông là kiến trúc sư của cuộc chiến tranh thảm họa năm 1982 của Israel ở Lebanon. Ông ra lệnh tấn công vào Lebanon ngăn chặn việc tổ chức giải phóng Palestine sử dụng Lebanon như một cơ sở cho các cuộc tấn công vào Israel. Năm 1983, một tòa án Israel cáo buộc ông Sharon gián tiếp chịu trách nhiệm về vụ thảm sát hàng trăm người Palestine tại trại tị nạn Sabra và Shatila ở Lebanon.

Vụ thảm sát được thực hiện bởi nhóm dân quân Kitô giáo Phalangist, đồng minh của Israel, và ông Sharon bị cáo buộc không làm gì để ngăn chặn. Ông bị buộc phải từ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Năm 1990, vai trò chính trị của ông Sharon được phục hồi, và cuối cùng, ông trở thành nhà lãnh đạo đảng vào năm 1999. Tháng 9 năm đó, bạo lực nổ ra. Ông Sharon được bầu làm Thủ tướng.

Khi một làn sóng đánh bom tự sát làm rung chuyển Israel, ông Sharon điều quân đội, gửi xe tăng, thực hiện hàng loạt các vụ ám sát các nhà lãnh đạo dân quân Palestine. "Đối với người Palestine, ông Sharon được xem là kẻ thù, người gây ra sự tàn ác nhất trong lịch sử", Ashrawi nói. Ông Sharon ra lệnh xây dựng các rào cản ở Khu Bờ Tây và ngăn cản lãnh đạo Palestine Yasser Arafat đến văn phòng của ông ở Ramallah, cáo buộc ông chỉ đạo các cuộc tấn công vào Israel.

Khi bạo lực tiếp tục nổ ra, ông Sharon được bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ II vào tháng 1- 2003. Không lâu sau đó, ông Sharon đưa ra một thông báo mang tính lịch sử: Israel sẽ từ bỏ các khu định cư Do Thái ở Gaza và một phần của khu Bờ Tây. Ông Sharon gửi cảnh sát và quân đội để kéo người định cư ra khỏi nhà, động thái nhận được sự hoan nghênh ở nước ngoài, nhưng vấp phải sự chế nhạo và đe dọa từ những người định cư.

Thăm dò dư luận cho thấy, ông Sharon có khả năng giành chiến thắng một nhiệm kỳ thứ ba, nhưng ông bất ngờ bị đột quỵ vào ngày 18-12-2005, đánh dấu kết thúc con đường chính trị đầy chông gai.

An Bình

(Theo CNN)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_108675_ariel-sharon-mot-con-nguoi-tranh-cai.aspx