Bà giáo hết lòng 'gieo chữ'cho trẻ thiểu năng

Mỗi đứa trẻ sinh ra và lớn lên đều có quyền được đến trường, nhưng với những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, những điều tưởng chừng như bình thường ấy lại quá đỗi xa xôi. Vậy mà ở phường 8, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, điều ấy đã trở thành hiện thực khi các em có một người cô, người mẹ và cũng là người bạn ngay tại lớp học tình thương do cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga tổ chức.

Lớp học đặc biệt

Vượt gần 50km theo Quốc lộ 1, tôi tìm đến phường 8, TP Vĩnh Long để gặp cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga (61 tuổi), người đã dành tâm huyết cả đời để dạy bảo những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ. Theo lời chỉ dẫn của người dân, tôi tới lớp học, thấy cô đang hướng dẫn các em tập các động tác mới cho bài thể dục buổi sáng. Trong lớp, các "mạnh thường quân" cũng đang sắp xếp bánh mì và nước uống trên bàn cho các em.

Trò chuyện với tôi, ông Bùi Minh Hoàng, ngụ ở phường 8, TP Vĩnh Long, cho biết: “Thấy cô Nga dạy cái chữ, rèn cái nết cho các em mà không lấy tiền, cảm phục trước tấm lòng của cô, nhiều người có ý định góp tiền bồi dưỡng nhưng cô đều từ chối. Vì thế, ngày nào chúng tôi cũng mang bánh mì, bún hay nước uống..., ai có gì đem đến cái đó để cô và các cháu nhỏ ăn còn lấy sức mà học”.

7 giờ 30 phút, lớp học bắt đầu với bài tập viết. Trước mắt tôi là một người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu đang chăm chú uốn nắn từng nét chữ cho các em học sinh “đặc biệt” của mình. Thấy có người lạ, các em liền ríu rít chào hỏi. Lớp học có 30 học trò, mỗi em một hoàn cảnh và mang trong mình khiếm khuyết riêng. Có em mồ côi cha mẹ, em thì hoàn cảnh khó khăn không có tiền đến lớp, em bị nhiễm HIV, nhưng phần lớn là mắc bệnh thiểu năng trí tuệ. Cách chào của các em cũng khá đặc biệt, một em chạy đến cầm tay tôi và chỉ về phía hàng ghế trống, lóng ngóng nói: “Bạn ngồi đây học nha. Ở đây vui lắm”, rồi nhanh chóng lấy nước cùng bánh kẹo đặt lên bàn phía tôi ngồi, như thể đón một người bạn mới.

Nhiều năm qua, cô Nga luôn tận tâm, kiên trì dạy bảo các em học sinh của “lớp học đặc biệt”.

Dõi theo từng hành động nhỏ của học trò, cô Nga vui vẻ cho biết: “Những ngày đầu, lớp học không được đầm ấm, vui vẻ như vậy đâu. Trước đây, các em thường xuyên chạy nhảy, la hét, thậm chí đánh nhau; gặp người lạ thì nhìn không rời mắt, có em sợ hãi thu mình lại, đôi khi không chịu mở lời, không chịu tiếp xúc với thầy cô, bạn bè”.

Chứng kiến những gì diễn ra trong lớp học, tôi thật sự cảm phục tấm lòng của cô. Bởi để giúp các em từ những đứa trẻ không nhận thức được hành động hay mặc cảm về gia đình và số phận của mình trở nên ngoan ngoãn, lễ phép, biết được nhiều thứ như hiện nay là hết sức khó khăn và kỳ công.

Sau giờ giải lao, lớp học lại chuyển sang môn vẽ tranh. Hầu hết các em đều thích thú với môn vẽ tranh và học hát, bởi vẽ được một bông hoa hay hát được một bài hát mới đều là những món quà ý nghĩa mà các em dành tặng cho cô giáo của mình. Nhìn học trò đang cặm cụi tô màu cho bông hoa, cô Nga xúc động nói: “Lớp học có 30 em, em lớn nhất đã 30 tuổi, nhỏ nhất là 8 tuổi. Hoàn cảnh của các em rất đáng thương. Có em phải nghỉ học đi bán vé số vì ba mẹ nghiện ngập; có em dù tuổi đời còn nhỏ nhưng lại là trụ cột kiếm tiền của gia đình; có em vì mặc cảm tật nguyền nên ít chịu tiếp xúc với mọi người, hoặc vì lý do cá nhân dẫn đến tự kỷ... Xã hội còn nhiều cảnh đời kém may mắn, vì thế khi còn khả năng và cơ hội thì tôi cứ cố gắng làm được nhiều nhất”.

Quan sát lớp học, cùng với những ánh mắt, nụ cười vô tư khi các em được cô Nga khen hát hay, vẽ đẹp, đôi lúc tôi còn bắt gặp những nụ cười xen lẫn nước mắt của các ông bố, bà mẹ có con em theo học tại đây. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Nhìn cách họ dõi theo con, tôi hiểu rằng, sự đau đớn và mặc cảm khi sinh ra những đứa con không lành lặn của họ đã vơi đi phần nào.

Bà Nguyễn Ngọc Nguyệt, phụ huynh của em Nguyễn Ngọc Trâm, bộc bạch: “Sinh ra được 2 tháng, bác sĩ cho biết Trâm bị bệnh đao, năm nay cháu đã 10 tuổi mà vẫn hầu như không biết được gì, thường xuyên la hét và đi lang thang ngoài đường. Trước đây, tôi cũng xin gửi con vào học ở các trường nhưng đều bị từ chối vì cháu không chịu đi học. Biết được lớp học của cô Nga, tôi liền xin cho con vào học. Dù mới được gần 1 tháng nhưng cháu đã biết chào hỏi ba mẹ, biết nói "dạ" khi người lớn gọi và không còn la hét, chạy ra đường như trước, tôi mừng lắm. Chưa bao giờ tôi dám nghĩ con mình được đi học, hòa đồng với bạn bè và ngoan ngoãn như bây giờ”.

Cô giáo - mẹ hiền

Nhớ lại những ngày đầu mở lớp học, cô Nga kể: Năm 1992, khi còn là giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Vĩnh Long), cô phát hiện nơi đây có nhiều hộ nghèo. Đang trong độ tuổi ăn học nhưng nhiều em nhỏ phải đi nhặt rác, bán vé số, thậm chí lang thang bụi đời để kiếm bữa ăn qua ngày, chưa từng biết đến con chữ. Còn có những em bị thiểu năng trí tuệ, tật nguyền, sức khỏe yếu nên không được đi học. Cảm thông trước hoàn cảnh đó, năm 1999, lớp học tình thương chính thức ra đời. Thời gian đầu, cô mượn phòng thư viện của Trường Tiểu học Chu Văn An để dạy học cho các em, đến năm 2009, cô về hưu thì lớp học cũng được chuyển về nhà cô.

Hướng mắt về phía các học trò, cô Nga nhớ lại: “Để các em được đến lớp, tôi phải lặn lội đi từng nhà vận động. Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn bởi hầu hết gia đình của các em đều là hộ nghèo. Vậy nên tôi đã dành phần tiền hưu ít ỏi của mình giúp đỡ gia đình những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đồng thời vận động các "mạnh thường quân" chung tay đóng góp. Mỗi lần đi vận động, tôi đều tặng các gia đình vài ký gạo, mấy hộp bánh, có khi cho tiền và một số đồ dùng trong nhà... Thấy mình “có lòng” nên bà con cũng đồng ý”.

Nở nụ cười hiền hậu, cô Nga nói tiếp: “Thời gian đầu đi học, các em hay đánh nhau, la hét, có em không chịu nói chuyện mà chỉ khóc; tôi phải mua thêm quà bánh để dỗ dành. Có lần khi đang dạy học, một em chạy thẳng ra đường, tôi phải đuổi theo kéo em lại. Không may, tôi bị xe tông gãy chân, phải nhập viện và băng bó gần hai tháng. Lúc đó, gia đình khuyên tôi nên nghỉ dạy, nhưng cứ nghĩ đến những ánh mắt, nụ cười ngây ngô, tội nghiệp của các em, tôi lại tiếp tục cố gắng. Hai tháng trời bị gãy chân, tôi phải ngồi xe lăn để dạy và nhờ người trông các em giúp; nhưng thật lạ, sau lần đó các em cũng ngoan ngoãn hơn”.

Dù vất vả nhưng cô Nga không hề nhận bất kỳ phần tiền giúp đỡ nào mà chỉ đóng vai trò là người giới thiệu để hỗ trợ cho gia đình các em. Chị Hoàng Các Chiêu, Việt kiều Mỹ, cũng là học trò của cô cho biết: “Trước đây hoàn cảnh khó khăn, tôi cứ nghĩ mình sẽ không thể tiếp tục đến trường như bao bạn bè khác. Nhưng nhờ có cô Nga đến nhà vận động gia đình, rồi bỏ thời gian phổ cập thêm kiến thức nên tôi mới được như hôm nay. Mặc dù vậy nhưng khi những học trò cũ muốn gửi tiền giúp đỡ cô đều từ chối. Cô vẫn nói với tôi, nếu muốn giúp đỡ thì hãy trao tận tay người nhà của các em”.

Tuy lớp học đơn sơ với vài bộ bàn ghế được đặt cạnh hiên nhà và học sinh phần lớn mắc bệnh thiểu năng trí tuệ nhưng lớp học rất nền nếp và ấm cúng. Mỗi tháng, cô Nga còn tổ chức sinh nhật, tặng quà cho những học sinh có sinh nhật trong tháng. Những phần quà tuy nhỏ nhưng rất ý nghĩa, bởi nó được mua từ số tiền “nuôi heo đất” của các em.

Mục tiêu chính của lớp học là dạy cho trẻ thiểu năng trí tuệ tự tin giao tiếp với bạn bè, người thân và xã hội; nhận biết, gọi tên và hiểu được những vật dụng, sự việc xảy ra xung quanh mình hằng ngày. Để các em hòa nhập với cộng đồng, từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, cô Nga đều dành thời gian buổi sáng để dạy các em học vẽ, học hát, tập đọc và làm toán. Kết thúc môn học, cô cũng tổ chức cho các em kiểm tra và thi học kỳ. Cô bảo, thi học kỳ không phải để đánh giá năng lực các em, mà chủ yếu để các em ý thức được mình cũng là học sinh. Lớp học được tổ chức rất nghiêm túc, có lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng. Mỗi buổi sáng, tổ trưởng phải báo cáo sĩ số tổ của mình để thi đua cùng các tổ khác.

Dù hình thức quản lý lớp giống ở trường phổ thông nhưng phương pháp dạy của cô hoàn toàn khác. Cô Nga chia sẻ: “Các em đều là những đứa trẻ thiểu năng nên tiếp thu chậm hơn các em bình thường. Vì thế, mỗi ngày đúng 6 giờ 45 phút, các em đều được hướng dẫn một vài động tác thể dục đơn giản. Mỗi môn học, tiết học không kéo dài; cứ khoảng 30 phút lại cho các em nghỉ giải lao khoảng 5-10 phút. Dịp này, tôi dạy các em hát các bài hát ngắn, dễ nhớ hoặc chơi các trò chơi. Phương pháp này tuy mất thời gian nhưng các em tiếp thu nhanh hơn”.

Khi mới thành lập lớp, học sinh của cô không chỉ là các em thiểu năng mà còn cả những em có hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học giữa chừng. Vì thế, một mình cô dạy hết các chương trình, từ lớp 1 đến lớp 12. Vừa cầm tay nắn nót từng nét chữ cho một em bị thiểu năng tập viết, thoắt cái, cô lại chuyển sang kiểm tra bài tập toán của một em học lớp 5, rồi dạy tập làm văn cho các em lớp 7... Dù vậy nhưng nhiều học trò của cô vẫn đỗ đạt cao.

Em Hồ Hiếu An khoe: “Con 16 tuổi rồi, bây giờ con đã biết viết tên mình, biết vẽ và còn biết hát nữa. Cô Nga nói học hát thật hay để đến sinh nhật con và các bạn trong lớp sẽ hát mừng”.

Dẫu biết rằng hoàn cảnh của các em đều rất đặc biệt, có em bữa học, bữa nghỉ, có em học đó rồi quên đó, lúc khóc, lúc cười; có lúc đánh lộn; ngồi học nhưng tiếp thu được rất ít…, nhưng cô Nga không nản lòng. Bởi hơn ai hết, cô hiểu được hoàn cảnh của từng em, khả năng tiếp thu của các em, vì thế, cô chỉ mong lớp học là nơi gắn kết các em, tạo cho các em những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống, được nhìn thấy các em khôn lớn, trưởng thành, đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của riêng cô.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-8-2016-2017/ba-giao-het-long-gieo-chu-cho-tre-thieu-nang-508512