Bà hỏa vẫn liên tục ghé thăm, vì sao?

Những ngày qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất. Tại các cơ sở hay khu dân cư, chỉ cần một người, một nhà vô ý thức, hành động bất cẩn có thể khiến hàng loạt ngôi nhà bị cháy rụi.

Chỉ trong ngày 27/12, tại Hà Nội liên tiếp xảy ra hai vụ cháy ở khu vực nhà dân, rất may cả hai đám cháy đều không gây ra thiệt hại về người. Tuy nhiên, đám cháy cũng ít nhiều gây thiệt hại cho các hộ dân xung quanh. Vào khoảng 7h45 sáng 27/12, một căn hộ ở tầng 2 khu tập thể Viện Năng lượng, phố Chùa Bộc bất ngờ bốc cháy. Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt tại hiện trường để triển khai dập lửa. Ngay sau đó, vào khoảng 12h trưa cùng ngày, một đám cháy khác lại bất ngờ bùng lên tại ngôi nhà số 83 trên phố Phùng Hưng. Tại thời điểm cháy, lửa bốc lên dữ dội khiến nhiều người dân hoảng sợ. Theo một số người chứng kiến, đám cháy phát ra từ tầng 3 của ngôi nhà, sau đó lan sang các hộ lân cận. Sau một tiếng đồng hồ, vụ hỏa hoạn mới cơ bản được khống chế.

Trước đó, cũng trong tháng 12, một vụ hỏa hoạn bùng phát tại một kho hàng nằm trong khu công nghiệp La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội, ít nhất 6 nhà xưởng với diện tích cả nghìn m2 bị lửa lan tới và cháy dữ dội. Trong số đó có xưởng sản xuất sơn, len sợi và kho của nhà máy bia. Hàng trăm bộ đội được huy động để đưa đồ đạc, hàng hóa trong các nhà kho ra ngoài; phối hợp với cảnh sát cứu hỏa khống chế đám cháy...

Theo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP. Hà Nội, chỉ trong tháng 11/2016, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 65 vụ cháy, trong đó có: 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 9 vụ cháy trung bình, 54 vụ cháy nhỏ làm 13 người chết, 1 người bị thương; thiệt hại tài sản trị giá khoảng 11 tỷ đồng.

Theo Cơ quan PCCC và Cứu nạn cứu hộ, dịp cuối năm là thời điểm giữa mùa khô, rất dễ xảy ra cháy. Đây cũng là dịp các cơ sở sản xuất, chợ, trung tâm thương mại tập trung nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu... Nhu cầu sử dụng lửa, điện và nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao và việc tăng ca, tăng thiết bị sản xuất trong khi hệ thống điện không thay đổi dẫn đến quá tải, chập mạch gây cháy. Việc sử dụng lửa, điện, khí đốt hóa lỏng, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã trong dịp Tết tại các gia đình cũng gia tăng.

Ngoài ra, một số người đứng đầu cơ sở, chính quyền địa phương, chủ hộ gia đình chưa nhận thức hết trách nhiệm của mình trong công tác PCCC, chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, thiếu quan tâm đến việc tổ chức công tác PCCC nên còn nhiều vi phạm, dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Nhiều đơn vị tự ý thay đổi công năng sử dụng của công trình nhưng không báo cho cơ quan PCCC, làm tăng nguy cơ xảy cháy... Thêm vào đó, ý thức, kiến thức PCCC của cán bộ, công nhân viên, người lao động, người dân và lực lượng PCCC tại chỗ còn nhiều hạn chế.

PCCC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Chính vì vậy, mấu chốt ở đây vẫn là ý thức, kiến thức của mỗi người dân, của các chủ cơ sở về PCCC. Nếu mỗi người dân nâng cao thêm ý thức cảnh giác về cháy, nổ sẽ góp phần tích cực vào việc đảm bảo an toàn PCCC.

Ngọc Trường

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ba-hoa-van-lien-tuc-ghe-tham-vi-sao-n126508.html