Ba Lan tuyên bố đáp trả trước lệnh trừng phạt của EU

Phía Ba Lan kiên quyết bảo vệ việc triển khai dự luật cải cách mới và cho biết sẽ đưa ra câu trả lời thỏa đáng đối với EU.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda

Hôm 30/7, hãng tin RT đưa tin: Bộ Ngoại giao Ba Lan tuyên bố rằng "đã ghi nhận quyết định của Ủy ban châu Âu" về việc bắt đầu thủ tục trừng phạt Warsaw do nước này đã tiến hành một cuộc cải cách tư pháp gây tranh cãi.

Cũng trong tuyên bố Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết, Warsaw đã sẵn sàng "đưa ra các phản ứng mạnh mẽ trước Ủy ban châu Âu"

Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh rõ ràng, rằng "vai trò của chánh án tòa án trong hệ thống tư pháp Ba Lan chủ yếu mang tính chất hành chính, còn các quyết định quan trọng khác đều do tòa án phê chuẩn và do đó không ảnh hưởng đến tư cách pháp lý của các bên". Bộ này cũng cam đoan rằng tất cả các biện pháp pháp lý sẽ vẫn được Ba Lan tiếp tục tiến hành.

Hôm 29/7 Liên minh châu Âu thông báo đã bắt đầu thủ tục trừng phạt chống lại Ba Lan sau khi Warsaw chính thức công bố triển khai dự luật cải cách tư pháp. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cho biết, Ủy ban hết sức lo ngại về cải cách tư pháp tại Ba Lan, bởi vì nó vi phạm các quy định của EU. Luật mới của Ba Lan đặt ra quy định độ tuổi nghỉ hưu khác nhau đối với nam và nữ thẩm phán, và điều này là trái với Hiệp ước EC và chỉ dẫn về bình đẳng giới và việc làm. Bên cạnh đó, dự luật cải cách của Ba Lan có thể làm giảm tính độc lập của tòa án.

Hiện giờ, thư thông báo chính thức đã được gửi tới Warsaw. Nếu EU không nhận được một câu trả lời thỏa đáng, các nhà chức trách châu Âu sẽ đưa ra kết luận hợp lý. Nếu như sau đó Ba Lan không viện dẫn chính sách  phù hợp với kết luận trong thời gian quy định, Ủy ban Châu âu có thể kháng cáo lên Tòa án châu Âu.

EU bắt đầu các thủ tục pháp lý trên sau khi Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã ký ban hành một đạo luật cho phép Bộ trưởng Tư pháp nước này đơn phương thay thế chánh án của các tòa án ở Ba Lan. Liên minh cho rằng các dự luật cải cách tư pháp của Ba Lan không chỉ làm gia tăng mối đe dọa đối với những nguyên tắc dân chủ của nước này mà còn của cả khối gồm 28 thành viên.

Các dự luật cải cách tư pháp do đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền tại Ba Lan soạn thảo gây tranh cãi cả ở trong nước. Các hoạt động biểu tình phản đối diễn ra tại nhiều thành phố của Ba Lan trong suốt thời gian qua.

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ba-lan-tuyen-bo-dap-tra-truoc-lenh-trung-phat-cua-eu-post233294.info