Bà lão cô đơn bị u não, không có láng giềng thì đã chết đói

Từ khi còn bé, bà Trần Thị Ngọt (SN 1952, sống tại chợ Sáng, khu dân cư số 12 phố Ngọc Sơn, phường Phả Lại, T.X Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đã phải đi làm con nuôi nhà người khác. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà phải sống đơn độc với hàng loạt bệnh, nhất là bệnh u não.

Nói về bà Ngọt, ông Nguyễn Viết Ninh, Trưởng khu dân cư ái ngại: “Gốc tích của bà Ngọt chẳng ai tỏ tường”… Ông Ninh cũng chỉ nghe nói bố mẹ đẻ bà ấy ở bên huyện Gia Lương (cũ, nay là huyện Gia Bình và Lương Tài) của tỉnh Bắc Ninh, bố mẹ nuôi bà Ngọt ở phường Sao Đỏ (cùng T.X Chí Linh). Nhưng rồi anh chị em mấy chục năm nay đã không còn nhìn mặt nhau.

Ngôi nhà tuềnh toàng của bà Ngọt khép hờ cửa. Chúng tôi ngó vào, thấy một bà lão quắt queo đang nằm thiêm thiếp ở góc giường. Gọi đến năm câu mà không thấy trả lời, cũng không thấy người nằm trên giường cựa mình. Chúng tôi phải tự đẩy cửa bước vào, trong nhà sặc mùi thuốc tây lẫn với mùi khăn khẳn nồng nặc.

Bà Ngọt nằm một góc giường, phần còn lại bày bát đũa, đồ ăn uống, thuốc men bày la liệt. Giấy bản, giấy vệ sinh vương vãi từ trên giường xuống dưới đất.

Một mình bà Ngọt đau yếu trong gian nhà bừa bộn. Ảnh/; TG

Tôi lay mạnh cái đầu gối xương xẩu mà gọi lớn “bà Ngọt ơi bà Ngọt”. Bấy giờ bà Ngọt mới mở mắt, môi lập bập, ú ớ “đi đâu đấy”. Rồi bà bảo tôi lấy giúp bà cái quần dày dày vào, chứ cái quần đang mặc này làm bà lạnh (dù nhiệt độ ngày hôm ấy quãng 33-34 độ C). Tay chân quều quào, bà chẳng thể nhấc nổi cái thân tàn da bọc xương. Tôi phải giúp bà thay quần. Khi tôi hỏi bà đau ốm thế nào, bà chỉ gật đầu.

Thấy chúng tôi hỏi ầm ĩ, mấy người hàng xóm ghé vào “bà ấy điếc đặc rồi, có nghe thấy gì nữa đâu mà các cô hỏi”. Rồi bà Sớm, bà Hảo, chị Thanh cùng thay nhau cám cảnh cho cái số kiếp hẩm hiu của bà Ngọt. Phận con nuôi, lại chẳng được thật người, bố mẹ nuôi mất, tính khí ẩm ương nên anh chị em từ mặt nhau.

Bà Ngọt đi khỏi nhà, vất vưởng buôn thúng bán mẹt kiếm miếng ăn lần hồi. Mãi đến khi ngoài bốn mươi tuổi bà mới “lấy chồng”. Gọi là thế thôi, chứ ông bà có sống với nhau ngày nào đâu, chỉ là bà “kiếm” đứa con để nương tựa tuổi già. Cậu con trai Phạm Văn Tùng sinh ra và lớn lên khỏe mạnh, bà Ngọt vẫn cắp mẹt ra chợ buôn bán ít trầu cau kiếm vài đồng mẹ con nuôi nhau. Thấy Tùng ngày càng đẹp đẽ, ngoan và có hiếu với mẹ, bà con lối xóm ai cũng mừng thay cho bà Ngọt.

Thương cảnh mẹ già con dại lay lắt trong túp lều úp súp, bà Trịnh Thị Sơn (cán bộ hội Chữ Thập đỏ khu phố) đi gõ cửa khắp các hộ trong khu, trong phường vận động bà con, người ít thì dăm ba chục nghìn, người nhiều thì một đôi trăm giúp mẹ con bà Ngọt có nếp nhà tránh mưa gió bão bùng. Gian nhà dựng lên, mẹ con ở còn chưa ấm hơi người thì Tùng ngã bệnh.

Đi khám, bác sỹ cho biết Tùng bị ung thư máu. Về Hà Nội chạy chữa mới được vài bận thì Tùng đi, bấy giờ cậu mới 19 tuổi. Chị Thanh nhớ lại: “Năm 2012, thằng cu Tùng vẫn đi làm thuê mà, vừa làm thuê vừa đi viện, trước hôm nó mất, chị còn hỏi thăm sức khỏe của nó thế nào, nó bảo em đỡ rồi, thế mà 2 ngày sau nó đã đi…”

Tùng mất năm trước thì năm sau bà Ngọt cũng đổ bệnh, “nào là huyết áp, nào là đại tràng, thận… nhiều lắm, nhưng nặng nhất là bệnh u não” – bà Sơn kể. Căn bệnh khiến sức khỏe bà suy yếu, gầy sút đi trông thấy, bà không bán trầu cau được nữa, chỉ thi thoảng chống gậy lết ra chợ mua mấy thứ đồ dùng sinh hoạt, bà con khu phố ai cũng biết nên chẳng người nào lấy tiền của bà.

Bà Ngọt nằm bẹp một góc, đồ ăn thức uống, thuốc men, giấy vệ sinh vương vãi khắp trên giường, dưới đất. Ảnh: TG

Từ đầu năm 2016 đến nay, bà Ngọt không lê lết đi đâu được nữa. Chỉ có bà Sớm sáng sáng đi mua đồ ăn thức uống giúp. Rồi lại định kỳ, bà Sớm, bà Sơn đi gõ cửa từng nhà để xin tiền nuôi người hàng xóm đau yếu, đơn độc.

Bà Sơn nói đầy xa xót: “Gõ cửa một hai lần thì không sao, gõ cửa mãi, nhiều nhà người ta khó chịu, người ta mỉa mai mình chẳng ra làm sao cả… Nhưng mà cũng đúng thôi, ai cũng phải lăn lóc mưu sinh, cũng phải lo cơm ăn áo mặc cho gia đình mình, bà Ngọt thì có phải chỉ mỗi ăn uống thôi đâu, tiền thuốc men hằng ngày mới là nặng.”

Ông Ninh trưởng khu cũng lắc đầu: “Tiền chính sách hộ nghèo cộng người neo đơn cũng chẳng thấm vào đâu so với tiền thuốc thang hằng ngày của bà ấy cả. Tiền ăn uống hàng ngày còn không có thì nói gì đến việc đi chữa bệnh. Nếu không có bà con trong khu nuôi, thì chắc bà ấy đã chết đói lâu rồi…”.

Mong rằng bà lão đơn độc mắc bệnh u não này sẽ có thêm hơi ấm tình người với sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm.

Mọi sự giúp đỡ bà Trần Thị Ngọt - Mã số 217- xin gửi về:

1. Bà Trần Thị Ngọt (chợ Sáng, khu dân cư số 12 phố Ngọc Sơn, phường Phả Lại, T.X Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi:Mã số 217

3. Ủng hộ trực tiếp tại Quỹ “Vòng tay nhân ái”, tòa soạn Báo Gia đình & Xã hội. Địa chỉ: 138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. Đề gửi:Mã số 217

Mọi thắc mắc, xin gửi tới email: phuongthuangdxh@yahoo.com/0975.839.126

4. Ủng hộ VNĐ qua ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank:

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 102010001362871 , Ngân hàng TMCP Công thương, chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

5. Ủng hộ VNĐ qua ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Agribank:

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 1303 201 045 980 . Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh Hà Thành, Hà Nội.

6. Ủng hộ VNĐ qua ngân hàng TMCP Ngoại thương Vietcombank:

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 0611001911287 . Ngân hàng TMCP Ngoại thương, chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

7. Ủng hộ USD qua ngân hàng Vietinbank:

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 102020000189568 , Ngân hàng TMCP Công thương, chi nhánh Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

VIETNAM JOINT STOCK COMMERCIAL BANK FOR INDUSTRY AND TRADE

Swift Code: ICBVVNVX

Further credit to: VIETNAM JOINT STOCK COMMERCIAL BANK FOR INDUSTRY AND TRADE - BADINH BRANCH

Swift Code: ICBVVNVX124

- Thông tin người nhận:

Beneficiary name: Báo Gia đình và Xã hội

Account Number: 102020000189568

Đề gửi Mã số 217

Ngọc Minh Tâm

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vong-tay-nhan-ai/ba-lao-co-don-bi-u-nao-khong-co-lang-gieng-thi-da-chet-doi-2016091213395372.htm