Ba người phụ nữ ở “lặng lẽ Sapa”

Cheo leo bên lưng trời mây và sương mù, Trạm Khí tượng Sapa lặng lẽ, rêu phong trầm mặc như tách biệt hẳn với thành phố du lịch nhộn nhịp bên dưới. Lúc nào ở đây cũng vắng vẻ, cô quạnh với gió thổi hun hút và đêm đen thăm thẳm. Trên độ cao 1.849m so với mặt nước biển ấy, 3 người phụ nữ đã trải qua quãng thời gian thanh xuân tươi đẹp nhất chỉ để làm một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng khắc nghiệt: đo gió, đo mưa, đo nắng...

Không còn cảnh "thèm người" đến độ phải chặt cây, chặn xe như anh thanh niên trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sapa" của nhà văn Nguyễn Thành Long, nhưng có lẽ, cũng chỉ ở đây mới có chuyện, nhân viên quan trắc khóc rưng rức vì... lên chức. Sợ nhất là được... lên chức Con đường vòng vèo theo con dốc lên đến Trạm Khí tượng Sapa không còn phải đi bộ, trèo đồi, luồn lách qua những bụi rậm, đi nhờ qua nhà dân như cách đây vài năm. Nhưng dù đã được đổ bê tông, độ dốc dựng đứng vẫn khiến chúng tôi "ngán ngẩm" khi chiếc xe máy mỗi lúc thêm ì ạch như sắp sửa trôi tuột xuống dù đã được chị Nga, nhân viên của Trạm trấn an. Trước mắt chúng tôi, một khu nhà đổ nát bỏ hoang hiện ra, chếch bên là nhà làm việc kiêm nơi ở của nhân viên Trạm. Hiếm có trạm khí tượng nào 100% nhân viên lại là nữ như ở đây. Nói là 100% nhưng thật ra, ở đây chỉ có 3 người phụ nữ thay phiên nhau trực. Người lớn tuổi nhất, Trạm trưởng Lê Thị Liên đã gắn bó với trạm hơn 20 năm, người trẻ nhất, cũng đã dành hết tuổi thanh xuân cho nghề khí tượng. Mỗi lần, lãnh đạo Đài Khí tượng Việt Bắc lên thăm vẫn đùa các chị: "Chúng mày ở đây sướng như tiên, có cả đường ôtô lên đến nơi, còn nhiều trạm, muốn lên phải đeo balô, trèo núi ròng rã nửa ngày mới tới". Vợ chồng chị Nga. Nhưng ở nơi được coi là "sướng như tiên" ấy lại có chuyện nhân viên quan trắc khi được đề bạt làm trạm trưởng lại khóc rưng rức từ chối. Cuối những năm 90, khi nhận được lời đề nghị làm trạm trưởng, chị Liên gọi ngay cho sếp, khóc lóc: "Cháu không làm trạm trưởng được đâu chú ạ, chồng cháu đi vắng, con thì nhỏ. Liên tục phải bỏ con về Việt Trì để công tác thì cháu không làm được". Lãnh đạo Đài Khí tượng Việt Bắc ngỡ ngàng, đấy cũng là lần đầu tiên ông đã ký một quyết định bổ nhiệm trạm trưởng rồi lại phải bỏ. Rồi cuối cùng, chị vẫn phải nhận vị trí Trạm trưởng kiêm... quan trắc viên. Mới năm ngoái đây thôi, được tin phải có bằng kỹ sư mới được làm trạm trưởng, chị chỉ có bằng trung cấp, chị lại đến nhà Giám đốc xin từ chức... Giám đốc của chị phải mang sự kiện này ra cuộc họp tổng kết năm: "Từ ngày tôi làm lãnh đạo đến giờ mới gặp người kiên quyết đòi thôi làm trạm trưởng". Công việc của các chị tưởng chừng rất đơn giản, cứ đúng giờ lại ra vườn đo, ghi chép thông số từ các máy móc rồi truyền về Trung tâm dự báo. Nhưng, chỉ cần ở với các chị trọn vẹn một ngày đêm, chúng tôi đã hiểu tại sao, ngành dự báo khí tượng ngày càng thiếu nhân lực và nhiều sinh viên sau khi ra trường lại lặng lẽ "bỏ cuộc", chuyển sang làm nghề khác bởi không phải ai cũng đủ dũng cảm gắn bó với nghề mà lương và trách nhiệm công việc lại tỉ lệ nghịch với nhau. Thân gái nơi rừng vắng... Mỗi ngày, các chị có 4 "ốp" phải báo cáo số liệu về trung tâm: 1h đêm, 7h sáng, 13h và 19h. Đây là quy định bắt buộc mang tính quốc tế của ngành dự báo. Yêu cầu tính chính xác của công việc dự báo thời tiết được đề cao tối đa. Bởi chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Ngành dự báo thời tiết đã từng có những bài học mà cái giá phải trả được tính bằng sinh mạng hàng trăm con người. Chính vì vậy, trong nghề của các chị, chính xác về phần dự báo có lẽ bắt đầu từ việc chính xác đến từng thao tác và phải nhanh nhẹn. Như việc thay giản đồ nắng chỉ được phép diễn ra trong 30 giây, vì nếu lâu hơn, nắng chiếu sẽ làm sai lệch chỉ số. Việc quan trắc đầy đủ các hiện tượng mây, mưa, gió..., đọc hết các số liệu, đánh dấu các máy cũng chỉ được diễn ra trong vỏn vẹn 10 phút. Sau thời gian 10 phút ấy, các chị có thêm 5 phút để gửi bản tin về Đài Khí tượng Việt Bắc. Nếu sau thời gian ấy, dù chỉ chậm 1 phút mà không có bản tin sẽ bị coi là bỏ ốp. Hiếm có ngành nào, mức kỷ luật đối với việc quên và muộn lại nghiêm khắc như nghề quan trắc viên thời tiết. Trong quá trình "làm khí tượng", các chị chỉ được phạm lỗi tối đa 3 lần. Lần đầu thì cảnh cáo, lần 2 kỷ luật và lần 3 là thuyên chuyển công tác, dù gia đình có ổn định ở đâu chăng nữa. Ai mới bước chân vào nghề quan trắc khí tượng cũng đều bị chính... thời tiết thử thách. Chị Liên kể, khi chị mới bước chân vào nghề, nghe chuyện ở một trạm khác, lãnh đạo đến kiểm tra đúng vào ngày có bão. Mưa gió, sấm chớp ầm ầm. Tìm mãi không thấy nhân viên đâu, đèn đóm tối om, đồng chí lãnh đạo hoảng quá lia đèn pin khắp nơi thì thấy hai cô nhân viên ôm nhau chui dưới gầm bàn, mắt đỏ hoe, tay chân run cầm cập vì quá sợ. "Làm nghề quan trắc, sợ nhất là trời mưa gió, bão bùng", chị Liên đúc kết. Trên trạm Sapa, còn có thêm nỗi sợ băng tuyết. Cứ đúng 1h đêm, thân gái một mình, các chị lại xách đèn pin ra vườn. Mưa gió, băng tuyết cũng vẫn phải ra ngoài trời. Thậm chí, gió thổi đổ nghiêng cả cột đèn, các chị vẫn phải mặc áo mưa dò dẫm từng bước ra vườn làm nhiệm vụ. Có lần, chị Liên bước ra đến lều đo mưa, chưa kịp giở sổ thì ngã oạch. Định thần lại, soi đèn mới biết băng đóng trên bậc thang một lớp trơn trượt, không trèo lên được. Vội vàng chạy vào nhà, mang phích nước nóng ra dội cho tan băng, kịp ghi sổ đúng giờ. Nằng nặc xin được theo ra vườn lúc nửa đêm, nhưng khi bước chân ra đến cửa, mây tràn vào nhà mang theo hơi lạnh khiến chúng tôi bất chợt rùng mình. Chỉ cách ba bước chân, chúng tôi đã không nhìn thấy gì. Ánh đèn pin lóe sáng yếu ớt là tín hiệu duy nhất để không bị lạc nhau giữa đêm khuya. Dò dẫm từng bước theo chị Nga, đêm vắng lặng, giữa núi rừng, thêm cả cảm giác âm u, tịch mịch khiến chúng tôi không khỏi nổi da gà. Thi thoảng, tiếng cú rúc, tiếng côn trùng lại nổi lên, gờn gợn giữa hoang vu. Nhưng bước chân của chị Nga vẫn thoăn thoắt, nhanh nhẹn dù chị đang mang bầu 5 tháng. Mọi thao tác của chị chuẩn xác như thể không dùng đèn pin, giữa bóng tối, chị vẫn có thể làm việc bình thường. Chị kể, có một đêm giao thừa, ca trực của chị Hội, sinh năm 1982 từ Yên Bái tình nguyện xin lên Trạm Sapa công tác. Đêm ấy nhiệt độ xuống -2oC, như mọi đêm, chị Hội xách đèn ra vườn, đang ghi chép bỗng thấy trong bóng đêm lóe lên hai đốm sáng xanh lòe. Tay chân chị bỗng dưng cứng đờ. Muốn kêu cứu không kêu được, muốn chạy mà chân cứ dính chặt xuống đất. Trong lúc sắp ngất xỉu vì sợ thì bỗng dưng hai đốm sáng vụt bay lên kèm theo tiếng chim kêu. Lúc ấy, chị mới biết hai đốm xanh lét ma quái đó chỉ là mắt của con chim cú mèo vẫn làm tổ trên cây sa mộc gần khu vườn. Mãi gắn bó với nghề Công việc vất vả, đầy nguy hiểm giữa đêm khuya nhưng lương và điều kiện làm việc của quan trắc viên lại thấp và thiếu thốn đủ thứ. Trước đây, các chị phải dùng than củi để sưởi ấm vào mùa đông. Mới đây, được nâng cấp lên lò sưởi điện nhưng hai cái lò ấy cũng chủ yếu chỉ để sấy các phương tiện, máy móc chứ các chị đố dám bật để sưởi chân sau khi lội trong tuyết. Mỗi tháng, quy định của Trạm chỉ được sử dụng tối đa 70 số điện. Chỉ tay vào chiếc cột đèn ngoài vườn quan trắc, chị Liên cho biết, bóng điện vỡ đã vài tháng, nhưng xin thay cũng còn phải đợi. Bao nhiêu năm làm khí tượng là bấy nhiêu năm các chị không có giấc ngủ yên lành, canh cánh nỗi lo quên "ốp". Thứ "bệnh nghề nghiệp" ấy dường như đã "lây truyền" đến con cái các chị. Con chị Hội, một trong 3 quan trắc viên của trạm, năm nay mới chưa được 2 tuổi, đến nửa đêm là khóc, bởi vào giờ đó cháu bất chợt thấy thiếu hơi ấm mẹ. Thậm chí, những ngày chị không có ca trực, cháu cũng thấp thỏm không yên, cũng cứ đến giờ đó là khóc. Chị Lan - quan trắc viên bức xạ của Đài Khí tượng Tây Bắc - cười khoe: Cứ mỗi tiếng đồng hồ chị lại phải đọc số liệu một lần. Nhiều đêm ra vườn đo, quay vào đã thấy cậu con trai 4 tuổi cầm đèn pin đứng đợi. Con chị Liên thì đã quen với việc không có mẹ lo cho ăn sáng, đưa đi học. Mẹ đi làm ca từ trước 6h, các con của chị tự biết chăm lo cho nhau ăn sáng, rửa chân tay mặt mũi rồi tự đến trường. Đã không còn cảnh vắng lặng đến mức "thèm người" như nhân vật trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thành Long, nhưng thật xót xa khi có nhân viên quan trắc, thâm niên trong nghề mấy chục năm, khi được cấp trên hỏi có cần gì không chỉ cười buồn: "Em chỉ yêu cầu "đền bù" tuổi xuân cho em". Chuyện muộn chồng, ế chồng không phải là hiếm tại các trạm khí tượng miền núi. Lần đầu tiên đặt chân lên trạm, chị Liên chỉ canh cánh nỗi lo ế chồng. Bạn bè chị bảo: Mày ngồi trên cái "miếu" ấy thì lấy được ai. Đêm đêm, chỉ có chị với mấy cái máy và cỏ cây, côn trùng làm bạn với nhau. Ngày đó, chồng chị đến tán, ngồi chơi, chị còn vừa tiếp chuyện vừa canh cánh nỗi lo anh đến để "ăn trộm" cái máy. Chả là trước đó, trạm cũng vừa mất trộm, dù chẳng có giá trị gì về mặt tiền bạc, nhưng cái máy lại có thủy ngân, mà khi đó, khu này lại đang nổi lên nạn đào vàng. Hằng đêm, chồng chị Nga vẫn phải thức dậy cùng vợ ra vườn đọc “ốp” vì sợ vợ gặp bất trắc khi bụng mang dạ chửa. Đang mang bầu đứa con thứ 2, bụng to vượt mặt nhưng chị Đào Thanh Nga làm gì cũng thoăn thoắt. Ngay cả con dốc dựng ngược, làm chùn tay mọi lái xe mới đến lần đầu, chị cũng lao lên, lao xuống vèo vèo. Miệt mài, kiên nhẫn với mức lương 600.000 đồng/tháng, chị vẫn gắn bó với nghề khí tượng. Lương thấp quá, không đủ sống, tranh thủ những ngày không phải trực, chị lại kiêm thêm nghề bán khoai nướng, hạt dẻ nướng cho khách du lịch bên hông nhà thờ đá. Mãi đến năm ngoái, chị mới được ký hợp đồng chính thức với mức lương 1,6 triệu đồng. Mức lương như thế, nuôi chính mình ở cái xứ du lịch, tiền bạc được tính ở mức phục vụ khách Tây như thế này còn không đủ, nói gì đến nuôi con. Chị Nga may mắn có cha mẹ đỡ đần, chồng chăm chỉ làm ăn lại vườn tược rộng, chịu khó trồng thêm nếp rau, nuôi thêm con gà, đời sống cũng không đến nỗi quá cơ cực. Nhưng chị Tô Thị Hội thì hoàn cảnh hơn nhiều. Nhà mãi tít một xã vùng cao Yên Bái, chồng làm nghề tự do, ở mảnh đất Sapa này, anh chị không có một tấc đất cắm dùi. Ngày chị lên nhận công tác, lúc đó mới ngoài 20 tuổi, chị Liên thương tình bố trí cho chị ở một căn phòng của trạm. Chị gặp anh, một thợ mộc tự do rồi kết hôn, cuộc sống của hai vợ chồng trẻ cực kỳ khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Hiện lương được 1,7 triệu đồng/tháng, lại phải nuôi con, chị phải tận dụng từng khoảnh đất nhỏ quanh trạm để trồng thêm cây rau, cây gấu tầu bán kiếm tiền. Khoảnh đất ấy, nếu trồng kín cây gấu tầu, mỗi năm cũng có thể thu được 7 - 8 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nào nhiều nhất chị Hội cũng chỉ thu được chừng 3 triệu, không phải là chị lười, mà bởi vì không đủ tiền mua giống. Có năm, chị chỉ đủ tiền mua giống trồng chừng 2 luống. Rồi thì được thu hoạch cũng không dám bán hết mà phải để dành trồng mùa sau. Như năm nay, chị cũng chỉ mua được có vài kilôgam giống. Nhìn những mầm gấu tầu mơn mởn nhú lên trong cái rét Sapa cũng cảm nhận được sự nâng niu chăm sóc của chị. Nó giống như người ta chăm chút cho từng mầm hy vọng. Ngay bản thân Trạm trưởng Lê Thị Liên, một thời gian dài cũng đã từng kiêm thêm nghề bán thịt bò ở chợ để lo cho 2 đứa con học hành. Nhưng cho đến tận bây giờ, nếu được lựa chọn lại, 3 người phụ nữ ấy đều khẳng định vẫn chọn cái nghề ngày càng ít người muốn gắn bó này. Bởi một lẽ rất giản đơn, nghề đã chọn các chị chứ không phải các chị chọn nghề

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2009/10/121276.cand