Ba Vì: “Cò” đất từ cửa đền đến cửa quan

(VnMedia)- Như VnMedia đã phản ánh về tình trạng sốt đất bất thường tại Ba Vì, sau gần một tháng thị trường “lên đồng”, đến thời điểm này theo nhận định, thị trường đất tại đây đang chững lại. Hoàn hồn sau cơn bão, người ta mới mơ hồ về nguyên nhân sốt đất là do "cò" thao túng…

>>"Quả bóng" bất động sản Ba Vì đang xì hơi >>Hà Nội: Đất phía Tây đang "lên đồng" “Cò” từ cửa Đền Vào thời điểm này, theo nhận định của những “chuyên gia” mua đất Ba Vì, thì vị trí khiến “người người tìm mua”, “nhà nhà tìm mua” nhiều nhất là từ Bệnh viện 105 ở Thị xã Sơn Tây, đến thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, huyện Ba Vì. Vào những ngày cao điểm, đất ở khu vực này là của hiếm. Không phải vì hết đất để bán, mà nguyên nhân vì có quá nhiều người đến tìm mua và bán trao tay tại chỗ nên giá cứ đội giá từng giờ. Để tránh bị thiệt, người dân đã chọn cách “găm hàng” chờ giá lên mới “quất”. Chúng tôi đến thôn Cam Lâm qua đường 88 từ xã Xuân Sơn, huyện Ba Vì (đường vào khu du lịch Suối Hai). Chỉ cần nhìn thấy xe đi chậm lại, đã có rất nhiều người chạy theo hỏi với: “Có mua đất không?”. Khi xe dừng lại, chỉ cần một cái gật đầu, ngoắc tay, ngay lập tức có “cò” chạy đến tiếp thị ngay. Hàng ở đây là các mảnh đất giá từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Chuyện bán và mua đất bây giờ, ở đây chiếm thời gian và sự quan tâm hơn nhiều so với việc chăm lo đồng áng. Để có thông tin chính xác về tình trạng sốt đất thật hay ảo, chúng tôi đã tìm đến đền Ngô Quyền. Thật bất ngờ, khi thấy chúng tôi hỏi về việc mua đất, ông từ giữ đền cho biết, “có nhiều người đến đây lễ Thánh và nhờ tôi tìm hộ đất lắm. Họ đều là các đại gia từ Hải Phòng, Hà Nội. Chỉ ghi tên và số điện thoại của họ cũng đã gần hết một quyển sổ dày”. Nói dứt lời, ông chỉ cho chúng tôi xem quyển sổ nằm trong góc phòng. Theo phản ánh của ông, làng này giờ mọi người bán đất cũng nhiều, ai bán đất là ông biết ngay. “Đến nay, tôi cũng mách được 6,7 đám rồi đấy. Tôi chỉ thông tin là nhà ấy, nhà nọ bán đất thôi, rồi hẹn hộ để người ta đến xem thích thì mua, còn tôi không lấy tiền công, nhưng ai có lòng cám ơn tôi vẫn nhận”, ông từ chia sẻ. Đường vào thôn Cam Lâm - xã Đường Lâm nơi mà các "cò" đất giới thiệu trục đường Thăng Long sẽ đi qua. Ảnh PV ... Vào đến UBND huyện Nếu về Ba Vì những ngày này, người bạn dễ tìm nhất là những tay cò buôn, bán đất. Ở trong quán nước ven đường, đứng giữa đồng ruộng hay đơn giản chỉ dừng lại để hỏi đường đi, bạn cũng sẽ được chào mời mua đất. Thậm chí, ngay cả khi chúng tôi vào Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì để liên hệ làm việc, vẫn ngay lập tức xuất hiện “cò” môi giới và tư vấn về chuyện mua bán đất. Vừa bước chân vào UBND huyện, chúng tôi gặp ngay một “cò” loại xịn. Ông này nguyên là Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ba Vì cũ, tên Lê Kim Chung. Theo lời ông này thì "nhân thể đến chơi thấy các cô quan tâm về đất và việc tách sổ thì tư vấn", chứ không chịu nhận mình là "cò". Theo ông Chung, việc tách đất chỉ là một hoạt động thông thường. "Các cô cứ đến 286 Chùa Thông (TX Sơn Tây), đăng ký, nhờ người ta đo vẽ chính xác, cung cấp dữ liệu và người ta ký vào, sau đó thì mang sang công chứng tách thửa để làm sổ. Làm đơn hoặc tôi có thể điện thoại ngay để người ta hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật thửa đất cho các cô thôi: - ông Chung khẳng định. Thấy chúng tôi tỏ ý muốn mua một mảnh đất khoảng 800m2, cách đường 500m mà được chào mua với giá 3 triệu đồng/m2, ông Chung cho biết, như thế là mua được. Theo ông, không cần nhìn mảnh này, chỉ cần nói ở gần Đền Và thì mua thoải mái và cái giá này là quá rẻ. “Nếu không muốn mua mảnh này, thì tôi bán cho. Tôi có mấy mảnh. Nhiều diện tích lắm”. Thấy chúng tôi quan tâm, ông Chung giới thiệu cụ thể địa điểm ngay: “Đất ở Cổ Đông, khu Đồng Mô. Nhưng đất ở đây hơi đắt đấy, mảnh mặt đường phải 400-500 triệu/sào”. Thấy chúng tôi chê đắt, ông Chung kiêu luôn: Không mua nhanh thì chẳng còn gì đâu mà kén! Để chắc chắn, ông Chung có cho chúng tôi số điện thoại để liên hệ nếu vẫn có nhu cầu. Việc chào bán đất công khai ngay tại UBND huyện Ba Vì được giải thích là việc mua bán đất đai là thỏa thuận dân sự, chính quyền không có quyền can thiệp vào việc này. Có điều, chính kiểu mặc kệ này là một trong những nguyên nhân khiến giá đất tại Ba Vì được người dân tự ý nâng cao trong thời gian vừa qua. Trao đổi với VnMedia, ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Ba Vì cho biết: "Đất ở Ba Vì đúng là có biến động trong khoảng thời gian tháng 4,5, nhưng cũng không quá sốt. Vì giao dịch ở thời điểm nóng nhất (tháng 4,5) cũng chỉ nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 30-40%. Giá đất cũng tăng khoảng 30%. Thời điểm năm 2000, giá 1 sào đất ở Ba Vì khoảng 30 triệu đồng, đến thời điểm 2009, giá là 50-60 triệu đồng/sào, năm 2010, giá là 250-300 triệu đồng/sào. Có điều hiện nay tình hình giao dịch đã chững lại. Chỉ có người muốn bán đất, chứ không có người mua nữa". Cũng theo ông Sơn, huyện chưa có bất cứ điều tra nào về thực trạng bán đất trên thị trường. "Nhưng theo tôi thì việc sốt đất thời gian qua ở Ba Vì là do có việc triển lãm Quy hoạch thủ đô đến năm 2050 và tin đồn Ba Vì sẽ là nơi đặt trung tâm hành chính quốc gia. Có điều, đến thời điểm này chúng tôi cũng chưa biết được cụ thể trục đường Thăng Long mà báo chí và dân buôn bán đất nói đến được đặt ở đâu. Ngay tuần trước thôi, đơn vị quy hoạch thủ đô có về làm việc với UBND huyện, “chúng tôi có hỏi trục đường hướng đạo nằm ở đâu, đường tâm linh nằm ở đâu, nhưng ngay cả những người đi thực hiện cũng chưa nắm được” - ông Sơn nói. Theo ông Sơn, cái “rốn” của đợt sốt đất Ba Vì thời gian vừa qua là ở Nông trường Việt Mông, nơi được đồn đoán là địa điểm để xây dựng trung tâm hành chính quốc gia. Có điều, đất ở Nông trường Việt Mông vẫn thuộc quản lý của Nhà nước nên tất cả những giao dịch ở đây đều trái phép. UBND huyện cũng đã có biện pháp can thiệp nên ở đây hiện cũng ngừng giao dịch. (Còn tiếp) Lam Nguyên- Anh Đào

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=23&newsid=193155