Bắc Giang: Tan hoang vì 'xẻ thịt' đất đồi để phục vụ dự án nhiệt điện An Khánh

Hàng chục quả đồi trên địa bàn huyện Lục Nam – Bắc Giang đang bị “xẻ thịt” không thương tiếc nhằm phục vụ san lấp mặt bằng cho một dự án nhiệt điện.

Xã chỉ biết gửi đơn xin hạ đồi

Dự án nhà máy Nhiệt điện An Khánh có chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang được xây dựng tại xã Vũ Xá, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, trên diện tích gần 90ha có tổng vốn đầu tư trên 22500 tỷ đồng. Ngày 23/12/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến thẩm định làm cơ sở để UBND tỉnh Bắc Giang quyết định chủ trương đầu tư theo thẩm quyền. Đây là dự án đầu tư vào hạ tầng ngành điện có quy mô công suất và vốn đầu tư lớn do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư.

Hàng trăm nghìn m3 đất tại khu Núi Trúc, Cẩm Lý, Lục Nam đang ngày đêm bị "xẻ thịt" không thương tiếc.

Hàng trăm nghìn m3 đất tại khu Núi Trúc, Cẩm Lý, Lục Nam đang ngày đêm bị "xẻ thịt" không thương tiếc.

Theo tìm hiểu, để thực hiện san lấp mặt bằng, dự án này phải cần tới hơn 2,2triệu m3 đất. Được biết, từ tháng 12/2016, UBND tỉnh Bắc Giang đã cho phép rất nhiều hộ dân và các mỏ trên địa bàn 5 xã Huyền Sơn, Cẩm Lý, Vũ Xá, Bắc Lũng, Đan Hội thuộc huyện Lục Nam khai thác mỏ đất, san gạt mặt bằng, hạ cốt nền diện tích đất rừng sản xuất để cải tạo chuyển đổi cây trồng nhưng thực chất việc xin hạ đồi nhằm mục đích vận chuyển đất dư thừa tới dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh.

Cụ thể, chủ dự án là Công ty CP nhiệt điện An Khánh đã hợp tác với Công ty TNHH Xây dựng 899 (Lạng Giang), Công ty TNHH Vận Tải Hoàng Cơ (TT Đồi Ngô Lục Nam), Công ty TNHH phát triển kinh tế Việt Pháp (Lục Nam) thực hiện hạ cốt nền, san gạt tại các điểm đồi trên địa bàn huyện, sau đó vận chuyển khối lượng đất dư thừa đi san lấp mặt bằng dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang tại xã Vũ Xá, huyện Lục Nam, Bắc Giang.

Được biết, trên địa bàn huyện Lục Nam có 3 mỏ đất và 9 điểm xin cấp hạ đồi với tổng trữ lượng 729233m3 đất được tận dụng để khai thác san lấp mặt bằng dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh.

Theo phản ánh của nhiều người dân trên địa bàn huyện Lục Nam, từ khi việc khai thác đất san lấp mặt bằng dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh được triển khai thì cuộc sống của họ cũng bắt đầu có những biến động. Những chiếc xe tải chở đầy đất đá phi ầm ầm đi kèm với khói bụi mù mịt khắp các con đường. Những quả đồi trước kia được phủ xanh mướt bởi cây cối thì giờ đây trở nên tan hoang, nứt toác từ việc khai thác đất đá, chỉ cần đi dọc các tuyến đường liên xã là thấy rõ tình trạng phổ biến này. Cũng từ việc vận chuyển đất khai thác đi để san lấp mà giờ đây những con đường trên huyện Lục Nam đã dần dần xuống cấp, có những vị trí trở thành hố trũng vì phải oằn mình gánh những hung thần chở đầy đất đá hoạt động hàng ngày. Đặc biệt là tuyến đường bê tông duy nhất nằm bên ven sông đi vào mỏ đất Huyền Sơn (xã Huyền Sơn – Lục Nam – Bắc Giang) đã bị gẫy, đứt, tạo nhiều ổ voi khiếp bà con đi lại vô cùng khó khắn, nhất là đang trong thời điểm mưa lũ.

Con đường quốc lộ bụi mù dó hàng trăm xe tải vận chuyển đất tới dự án An Khánh, rất nhiều xe tải còn không có biển kiểm soát phía sau?

Bên cạnh đó, theo quan sát PV, rất nhiều xe tải phục vụ cho dự án này không có BKS phía sau những vẫn ngang nhiên hoạt động trên rất nhiều cung đường.

Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Thự - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lý, địa bàn có trữ lượng khai thác đất lớn nhất lên tới gần 400.000m3 đất cho biết, các hộ dân đã làm đơn và được UBND tỉnh Bắc Giang cho phép hạ thấp mặt bằng đồi, đất rừng sản xuất. Sau khi hết hạn khai thác sẽ có phương án tái trồng lại cây trồng. Đất dư thừa sẽ được vận chyển cho dự án nhà máy nhiệt điện An Khánh và người dân sẽ chịu các chi phí khai thác, thuế tài nguyên.

"Chúng tôi nhận đơn xin hạ đồi để chuyển mục đích sử dụng đất của dân thì đồng ý ký và chuyển lên huyện để huyện xử lý. Trách nhiệm của xã là giám sát, nhắc nhở và báo cáo các vấn đề lại cho huyện. Chúng tôi liên tục có công văn đến các điểm, mỏ khai thác về vấn đề vận chuyển, các xe vẫn xảy ra tình trạng không che đậy vật liệu. Những việc khói bụi thì không thể tránh được, chỉ có thể hạn chế được chứ không thể trọn vẹn được” – vị chủ tịch nói.

Ông Phạm Trọng Đường - Chủ tịch UBND xã Bắc Lũng cũng cho biết, xã chỉ có một hộ dân xin cấp phép hạ đồi là gia đình bà Nguyễn Thị Nhường với trữ lượng 48.660m3 đát. Trong quá trình thực hiện san lấp, các đơn vị vận tải hoạt động khiến cho nhiều con đường thuộc địa phận xã có dấu hiệu hỏng, xuống cấp. Khói bụi từ việc vận chuyển này cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ em.

"Không biết An Khánh sẽ đem lại nhiều công ăn việc làm cho bà con hay không nhưng dân phản ánh nhiều quá, xã cũng chỉ biết báo cáo lên huyện" - ông Đương cho biết.

Chúng tôi quản lý khi nhận quyết định từ Tỉnh

Chiều ngày 27/6, ông Nguyễn Đức Toàn – Phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam, Bắc Giang cho biết, trên địa bàn huyện Lục Nam có số diện tích được khai thác phục vụ san lấp mặt bằng dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh là 9,04ha. UBND huyện quản lý hoạt động việc khai thác đất san lấp trên cơ sở quyết định UBND tỉnh Bắc Giang để không xảy ra tình trạng trốn thuế, trốn phí và các vấn đề ô nhiễm, quá tải.

“Để thực hiện việc quản lý trên, huyện Lục Nam giao cho các xã và các phòng chuyên môn giám sát việc hoạt động khai thác đất.” – Ông Toàn cho biết.

Trả lời PV về hồ sơ cấp phép cho các mỏ đất và các điểm xin hạ mặt bằng khai thác ông Toàn trao đổi: "Huyện không phải là đơn vị cấp phép mà chỉ là đơn vị quản lý sau khi nhận được quyết định cho phép khai thác từ tỉnh...?".

Ông Nguyễn Duy Quảng - Trưởng phòng TN&MT huyện Lục Nam trao đổi, tất cả những hồ sơ của huyện Lục Nam có trữ lượng dưới 3000m3 do Sở TN&MT cấp phép, những hồ sơ trên 3000m3 đều được Sở TN&MT quản lý, thẩm định và tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép.

Vị trưởng phòng này cho biết thêm, hiện tại dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh chưa thi công xong mặt bằng theo trữ lượng dự tính. Đơn vị cung ứng đất san lấp là Cty Hoàng Cơ ngoài trữ lượng đất đã khai thác thì trong thời gian tới sẽ tiếp tục khai thác thêm một mỏ khác để phục vụ dự án Nhiệt điện An Khánh.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại 5 điểm khai thác gạt mặt bằng, hạ cốt nền đã hết hạn, mục đích chuyển đổi cây trồng nhưng hầu hết các hộ dân này không thực hiện mục đích chính mà thay vào đó lại có mong muốn gia hạn tiếp tục khai thác đất san lấp cho dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh.

Hàng trăm nghìn tấn đất đồi đang được san lấp tại dự án nhiệt điện có diện tích gần 90ha

Theo thông tin từ cán bộ phòng TN&MT Lục Nam, dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh đã thực hiện san lấp được hơn 30ha diện tích. Vậy trong thời gian tới sẽ dự án này sẽ tiếp tục khai thác ở đâu và còn bao nhiêu quả đồi sẽ tiếp tục bị “xẻ thịt” không thương tiếc để phục vụ cho dự án này? Hậu quả từ việc khai thác đồi tràn lan ai sẽ chịu trách nhiệm?

Trong thời gian vừa qua, phòng TN&MT huyện Lục Nam đã xử lý vi phạm 3 đơn vị cung ứng đất san lấp cho dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh là Cty TNHH vận tải Hoàng Cơ và Cty TNHH phát triển kinh tế Việt Pháp, ông Nguyễn Văn Quang (Tân Hưng, Lạng Giang) về hành vi: Khai thác đất san lấp mặt bằng trái phép với tổng số tiền phạt là 175 triệu đồng, truy thu thuế gần 200 triệu đồng.

Đặc biệt, trong quá trình tìm hiểu hồ sơ cấp phép mỏ và cấp phép hạ đồi của người dân, các đơn vị khai thác, PV đã tiếp cận nhiều điểm bất hợp lý trong quá trình cấp phép giữa thẩm quyền các cấp. Liệu các điểm hạ thấp đồi, các mỏ khai thác trên có được cấp phép đúng quy trình hay không chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin các điểm bất cập trong bài viết tiếp theo(!).

Liên quan tới vấn đề quản lý và cấp phép PV đã đặt giấy giới thiệu và nhiều lần liên hệ tới Sở TN&MT Bắc Giang, tuy nhiên trao đổi qua điện thoại, ông Hoàng Hải Lâm – Phó chánh văn phòng sở cho biết: Hiện tại tất cả các lãnh đạo sở đều bận và không có người tiếp PV. “Sếp anh bảo là in cho em (PV) thẩm quyền quản lý khoảng sản tại Bắc Giang, thuộc đơn vị nào thì đơn vị đó chịu trách nhiệm quản lý, nếu huyện quản lý không tốt trách nhiệm thuộc về huyện...?”.

Tuấn Dũng

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/to-quoc-xanh/bac-giang-tan-hoang-vi-xe-thit-dat-doi-de-phuc-vu-du-an-nhiet-dien-an-khanh-a194765.html