Bắc Giang: Vì đâu chợ Hiệp Hòa thành mối bung xung?

'Giá cho thuê, giá bán ki ốt quá cao, mà các điều kiện ràng buộc cũng khác xa so với cam kết ban đầu. Ngay chợ tạm này cũng không đúng cam kết về việc bố trí cho tiểu thương, không thể buôn bán được. Chưa bao giờ tôi lâm vào cảnh ế ẩm dài như bây giờ, kêu cứu khắp nơi cũng không ai giải đáp', bà Nguyễn Thị Tâm - một tiểu thương đang kinh doanh tại chợ tạm Hiệp Hòa (thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) để dành đất xây dựng dự án chợ trung tâm mới - bức xúc cho biết.

Công trình chợ trung tâm huyện Hiệp Hòa đang ngừng thi công theo yêu cầu của địa phương để xử lý các sai phạm

Tiểu thương kêu cứu

Anh Nguyễn Văn Mão, kinh doanh quần áo trong chợ tạm, cho biết: Năm 2014, UBND huyện Hiệp Hòa chủ trương xây dựng mới chợ trung tâm huyện, đã vận động hơn 200 hộ tiểu thương di chuyển đến chợ tạm để giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư. Khi đó, nhà đầu tư và chính quyền huyện đều cam kết có ưu tiên để các hộ tiểu thương được quay lại chợ mới kinh doanh. Cụ thể, các hộ kinh doanh được ưu tiên tham gia đấu giá lần đầu các ki ốt, được mua ki ốt với giá sàn hoặc thấp hơn giá sàn do Nhà nước quy định sau phiên đấu giá.

Cam kết ban đầu là thế, nhưng đến cuối năm 2016, sau khi hoàn thành đổ bê tông sàn tầng 1 chợ, nhà đầu tư bắt đầu công khai thông tin cho thuê mặt bằng kinh doanh trong chợ, ai có nhu cầu thì đến đặt cọc tiền. Mức phí cho thuê ki ốt cũng rất cao và không có bất cứ ưu tiên gì, khiến phần lớn tiểu thương bức xúc và khẳng định không đủ khả năng chi trả để quay lại chợ kinh doanh như trước, đặc biệt với các ngành hàng lương thực, thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Tâm cũng chia sẻ, theo thông báo của chủ đầu tư, giá cho thuê trong 15 năm của một chỗ ngồi bán rau trong chợ mới là gần 150 triệu; chỗ bán thịt gần 200 triệu; chỗ bán quần áo (với ki ốt rộng chừng 7 mét vuông) giá thuê gần 300 triệu. Với mức giá đó, trong khi các tiểu thương cũ đang hoang mang, thì nhà đầu tư cũng liên tục thông báo đã có nhiều người đến đăng ký, đặt cọc tại Công ty TNHH Bất động sản, Đầu tư Thương mại Hiệp Hòa để “giữ chỗ”, khiến sự bức xúc bùng phát.

Ông Trương Đức Dũng, chủ một doanh nghiệp nhỏ từng có 8 ki ốt kinh doanh trong chợ cũ, phản ánh: Theo thông tin công khai thì dự án xây dựng chợ mới có tổng mức đầu tư được phê duyệt là 65 tỷ đồng. Với giá cho thuê ki ốt như công bố, chủ đầu tư chỉ cần xây xong chợ đã có lãi khoảng 150 tỉ đồng trong 49 năm khai thác chợ. Mặt khác, các hộ kinh doanh hiện vẫn phải thuê ki ốt tại chợ tạm là 70.000 đồng/1 m2/tháng; số tiền này đã đủ bù đắp chi phí xây dựng chợ tạm của chủ đầu tư. Chưa kể tiểu thương hiện phải đóng thêm tiền bảo vệ, vệ sinh, điện, nước với giá cao. Thực tế đó, ngay chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ cũng khó đáp ứng nổi, nói gì các tiểu thương ít vốn.

Người dân lẫn chính quyền đều bị phớt lờ?

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, khẳng định việc triển khai xây dựng dự án chợ trung tâm huyện Hiệp Hòa đều chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật quy định về xây dựng và phát triển chợ truyền thống, trong đó UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 129/QĐ-UBND ngày 27/6/2012 hướng dẫn cụ thể.

Sau khi có những phản ánh của người dân về các bức xúc phát sinh, trong tháng 4/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra quá trình thực hiện dự án xây dựng chợ. Sau khi kiểm tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Bất động sản Đầu tư Thương mại Hiệp Hòa thực hiện một số nội dung như: Bảo đảm dự án theo đúng tiến độ đã được chấp thuận; chấp hành nghiêm những cam kết; xây dựng phương án giá đối với diện tích thuê bán hàng tại chợ đề nghị Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định của pháp luật về giá; xây dựng phương án huy động vốn, trình UBND huyện Hiệp Hòa phê duyệt. Đồng thời giao cho UBND huyện Hiệp Hòa kiểm tra, xem xét, xử lý các vi phạm của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tiếp đó, ngày 5/5/2017, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Công văn số 1443/UBND-ĐT đề nghị Công ty TNHH Bất động sản, Đầu tư Thương mại Hiệp Hòa “xây dựng phương án giá diện tích cho thuê bán hàng tại chợ đề nghị Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định của pháp luật về giá”; đồng thời đề nghị công ty dừng việc bán, đấu giá các ki ốt tại chợ cho đến khi được UBND tỉnh phê duyệt phương án giá theo quy định.

Sau công văn của tỉnh, UBND huyện Hiệp Hòa đã tổ chức đoàn kiểm tra về trật tự an toàn xây dựng đối với công trình chợ trung tâm Hiệp Hòa và phát hiện thêm một điều mà người dân cũng không rõ để phản ánh: Công ty TNHH Bất động sản, Đầu tư Thương mại Hiệp Hòa thi công xây dựng công trình chợ sai nội dung giấy phép, sai thiết kế do Sở Xây dựng cấp. Do đó Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hiệp Hòa có quyết định đình chỉ thi công đối với công trình xây dựng. Cùng với đó, UBND huyện Hiệp Hòa có công văn thông báo rộng rãi về các sai phạm của Công ty TNHH Bất động sản Đầu tư Thương mại Hiệp Hòa, yêu cầu dừng ngay việc huy động vốn và thực hiện đúng cam kết với các tiểu thương, triển khai các bước theo đúng quy định của pháp luật…

Những biện pháp kịp thời của UBND huyện Hiệp Hòa khi đó đã nhận được sự ủng hộ cao của người dân; nhất là khi chính quyền huyện thành lập tổ tuyên truyền, dùng loa phát thanh để tuyên truyền những sai phạm của Công ty TNHH Bất động sản, Đầu tư Thương mại Hiệp Hòa trong thực hiện dự án xây dựng chợ, yêu cầu người dân không nộp tiền đặt cọc, trước khi có các quyết định tiếp theo. Mọi việc đang tiến triển khả thi, đột nhiên, công tác tuyên truyền dừng lại, khiến người dân đặt câu hỏi: Phải chăng mọi chuyện lại rơi vào im lặng?

Lý giải cho các động thái của doanh nghiệp thời gian qua, ông Hà Văn Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản, Đầu tư Thương mại Hiệp Hòa cho rằng, xây dựng chợ Hiệp Hòa là một dự án đầu tư do cấp tỉnh quản lý. Đã là dự án đầu tư thì công ty có quyền bán, cho thuê ki ốt theo giá thị trường. Việc đưa ra mức giá sàn, giá trần thuộc về trách nhiệm của UBND tỉnh Bắc Giang. UBND cấp huyện chỉ quản lý về mặt hành chính, an ninh trật tự đối với dự án. Theo ông Hải, những hoạt động tuyên truyền của UBND huyện Hiệp Hòa về sai phạm của nhà đầu tư là không đúng thẩm quyền; có động cơ cản trở, gây khó khăn cho nhà đầu tư; do vậy khi doanh nghiệp kiến nghị, huyện đã dừng việc làm này lại.

Về phần mình, ông Phạm Văn Thịnh thẳng thắn nêu rõ, trước những sai phạm của chủ đầu tư trong triển khai dự án xây dựng chợ trung tâm (thể hiện rõ qua các văn bản quy phạm pháp luật), UBND huyện cần có các biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của các tiểu thương đã từng kinh doanh tại chợ. Tuy nhiên, không để ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư trên địa bàn, UBND huyện đã dừng các biện pháp tuyên truyền công khai về các sai phạm của chủ đầu tư công trình; chờ các hướng giải quyết tiếp theo của chính quyền cấp cao hơn.

“Không có chuyện sự việc chìm xuồng như dư luận địa phương mấy ngày qua. Trong khi chờ đợi, chúng tôi cũng yêu cầu doanh nghiệp dừng mọi hoạt động, từ thi công đến thông tin cho thuê hay thu phí đặt cọc như thời gian qua. Pháp luật phải được tôn trọng, lợi ích của người dân là trên hết, đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của chúng tôi, được nhân dân giao phó, Đảng và Nhà nước quy định rõ ràng” - ông Phạm Văn Thịnh khảng khái nêu rõ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bac-giang-vi-dau-cho-hiep-hoa-thanh-moi-bung-xung-3430120-b.html