Bắc Hà củng cố chi bộ và nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở

Năm 2012, khi kiểm điểm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng, Huyện ủy Bắc Hà, tỉnh Lào Cai xác định một số nghị quyết chậm được triển khai ở cơ sở là do nhiều thôn, bản chưa có chi bộ; năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng. Nhận rõ yếu kém đó, Huyện ủy Bắc Hà tập trung củng cố chi bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở với nhiều giải pháp cụ thể, mang lại kết quả bước đầu.

Cán bộ xã Na Hối (Bắc Hà, Lào Cai) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính.

Thành lập chi bộ thôn, bản

Thôn (bản) Dì Thàng 1, xã Na Hối, huyện Bắc Hà có 67 hộ đồng bào Mông. Trước đây, do không có chi bộ, cho nên việc vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội gặp khó khăn. Việc huy động nhân dân làm đường, cán bộ thôn giải thích không “gãy góc”, dẫn đến bà con chưa thống nhất; việc chuyển từ trồng trọt, chăn nuôi phục vụ gia đình sang sản xuất hàng hóa hiệu quả thấp, dù bản có khí hậu, đất đai phù hợp với nhiều loại cây trồng ôn đới.

Để tăng cường đảng viên về thôn, bản, Đảng ủy xã Na Hối giải tán Chi bộ cơ quan xã, phân công hai đồng chí về sinh hoạt cùng một đảng viên của thôn (đang sinh hoạt ghép với chi bộ thôn khác), thành lập Chi bộ thôn Dì Thàng 1. Đồng chí Bùi Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Na Hối cho biết, đây là một giải pháp phù hợp với điều kiện các xã khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện Đảng ủy xã đã thành lập mới hai chi bộ thôn, bản.

Ở bản Dì Thàng 1, từ khi có chi bộ, các đảng viên đã bám sát chỉ đạo của cấp ủy các cấp, thành lập tổ tuyên vận do đồng chí Bí thư Chi bộ làm tổ trưởng. Khi có chủ trương mới, tổ tuyên vận kết hợp tuyên truyền với hướng dẫn người dân thực hiện theo phương châm cầm tay chỉ việc. Năm 2016, thôn triển khai thí điểm mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; Chi hội phụ nữ trồng mẫu hai sào rau cải và bí xanh, mời bà con đến tham quan.

Thấy hiệu quả, các hộ gia đình đã trồng hơn ba héc-ta rau sạch, góp phần nâng cao thu nhập. Qua các phong trào phát triển sản xuất, nhiều quần chúng ưu tú được chi bộ phát hiện, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. Năm nay, chi bộ kết nạp hai đảng viên trẻ, nâng đảng số của chi bộ lên chín đồng chí. Phong trào xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến, bản vừa đổ bê-tông đường giao thông trong bản.

Nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở

Bên cạnh việc củng cố tổ chức chi bộ, Huyện ủy Bắc Hà chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ xã và thôn, bản. Hằng năm, Huyện ủy tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, từ đó xây dựng và thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đến nay đội ngũ công chức, cán bộ xã cơ bản đạt chuẩn. Nhiều cán bộ phát huy tốt sở trường, năng lực.

Điển hình như đồng chí Vàng A Lềnh, cán bộ tư pháp xã Na Hối. Đây là xã có địa bàn rừng núi rộng, hiểm trở, nhân dân sống phân tán, cho nên việc đăng ký hộ tịch, hộ khẩu hay làm các thủ tục pháp lý khác gặp nhiều khó khăn. Đồng chí tâm sự, năm 2012, mới về công tác, qua nắm tình hình, phát hiện gia đình anh Giàng Seo Dư, thôn Li Chu Phìn sinh con gần một năm vẫn chưa làm giấy khai sinh, đồng chí Lềnh đến vận động, gia đình mới đi đăng ký.

Từ đó, đồng chí nghĩ, nếu cứ làm việc theo kiểu hành chính, ngồi chờ dân đến thì không được, mà phải thường xuyên xuống thôn, bản kiểm tra và giúp bà con hoàn thành các thủ tục pháp lý. Qua nắm cơ sở, thấy còn nhiều hiện tượng tảo hôn, sinh con thứ ba, đồng chí Lềnh tham mưu với Đảng ủy, UBND xã có hình thức tuyên truyền vận động khéo léo, phù hợp. Nhờ đó, nạn tảo hôn, sinh con thứ ba trên địa bàn xã giảm nhiều.

Đảng ủy xã Na Hối đánh giá, Vàng A Lềnh là cán bộ người Mông trẻ, có năng lực, trách nhiệm với nhân dân nên đưa vào quy hoạch cán bộ chủ chốt xã nhiệm kỳ 2020-2025 và cử đi học Đại học Luật do huyện Bắc Hà phối hợp với Trường đại học Vinh tổ chức tại huyện. Theo đồng chí Phạm Đình Thái, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, từ năm 2015 đến nay, huyện đã cử hơn 100 lượt cán bộ cơ sở tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị; 30 cán bộ, công chức xã học đại học, cao đẳng…

Cần tiếp tục những giải pháp mới

Năm 2012, huyện Bắc Hà vẫn còn 120 chi bộ thôn, bản sinh hoạt ghép, tập trung ở các xã đặc biệt khó khăn. Để củng cố tổ chức các chi bộ thôn, Huyện ủy Bắc Hà giải tán các chi bộ cơ quan xã, đưa đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản; cử 62 cán bộ xã về làm bí thư chi bộ thôn, bản. Đến nay tất cả các thôn, bản có chi bộ độc lập. Từ tháng 6-2015 đến nay, huyện kết nạp 181 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, số lượng đảng viên của các chi bộ thôn, bản còn ít; mới có 95 trong tổng số 218 chi bộ có ban chi ủy, đạt 43,75%.

Để bảo đảm tính bền vững của các chi bộ thôn, bản độc lập, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách cụm xã, các đồng chí Huyện ủy viên phụ trách xã. Các đảng ủy xã, thị trấn phân công cấp ủy hoặc đảng viên là cán bộ chủ chốt về thôn, bản có dưới năm đảng viên tham gia sinh hoạt, nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên. Giao chỉ tiêu phát triển đảng cho chi bộ, lấy kết quả làm tiêu chí để xem xét đánh giá chất lượng chi bộ hằng năm. Với những giải pháp này, Đảng bộ huyện phấn đấu đến năm 2020, có 80% số chi bộ thôn, bản có ban chi ủy, các chi bộ còn lại đều có bí thư và phó bí thư, không còn chi bộ chỉ có bí thư.

Về năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà Lý Bình Minh cho biết, bên cạnh ưu điểm vẫn còn nhiều hạn chế, rõ nhất là trong công tác tham mưu về phát triển kinh tế-xã hội. Là huyện có nhiều lợi thế về chăn nuôi, trồng trọt và du lịch, nhưng chưa có giải pháp bứt phá. Thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cao, hơn 20%. Cán bộ cơ sở tuy đạt chuẩn nhưng đa số trình độ văn hóa mới đạt trung cấp, cao đẳng. Các kỹ năng lãnh đạo, quản lý cũng thiếu và yếu. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, Huyện ủy xác định cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về xã công tác.

Trên địa bàn huyện, số sinh viên con em dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học, cao đẳng đông, nhưng khó bố trí, sắp xếp do các vị trí công tác đã đủ. Huyện có 100 người tốt nghiệp đại học, 200 người tốt nghiệp cao đẳng chưa có việc làm. Để giải bài toán này, huyện Bắc Hà đang triển khai phương án tiếp nhận và bố trí các em vào vị trí phó các đoàn thể ở thôn, bản, tạo môi trường để rèn luyện, nếu phát triển tốt sẽ đưa vào nguồn đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận. Nhưng, đến nay huyện cũng mới bố trí được mười trường hợp.

Một vướng mắc khác là người tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng trong huyện lại không tập trung vào ngành, lĩnh vực địa phương cần. Trong số 300 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng có tới hơn 50% là chuyên ngành sư phạm, trong khi địa phương đang có nhiều đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ… Vì thế huyện Bắc Hà cử cán bộ đi học tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch; đào tạo lại theo hướng chuyển sang ngành nghề theo nhu cầu của địa phương. Nhưng cách làm này tốn kém, trong khi bà con dân tộc thiểu số thu nhập thấp, cho nên cần tính toán phương pháp bố trí sắp xếp sau đào tạo và cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Bài và ảnh: VĂN TOÁN, QUỐC HỒNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32975102-bac-ha-cung-co-chi-bo-va-nang-cao-chat-luong-can-bo-co-so.html