Bác Hồ với cán bộ chiến sĩ

(VOV) - Đối với những người đã từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ đều cảm nhận được ở Bác Hồ là con người trí tuệ, liêm khiết, giản dị và rất mực bao dung.

Người lão thành cách mạng Nông Viết Toại, ở tổ 12, phường Đức Xuân, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn đã vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ. Lần thứ nhất sau chiến dịch biên giới 1950, ông từ bộ đội chuyển về công tác ngành Văn hóa của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn. Năm 1952, Bác Hồ đến thăm Đảng bộ, chính quyền huyện Bạch Thông để kiểm tra công việc sửa chữa cầu đường phục vụ cho chiến dịch Tây Bắc và công việc thu thuế nông nghiệp. Lần đó, Bác đã tuyên dương thành tích của Đảng bộ và chính quyền huyện Bạch Thông đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Lão thành cách mạng Nông Viết Toại còn nhớ rõ lẫn được gặp Bác Hồ vào đêm ngày 31/12/1963. Lúc bấy giờ, ông đang là trưởng đoàn văn công khu tự trị Việt Bắc. Bác Nông Viết Toại tâm sự: “Chúng tôi chuẩn bị một tiết mục văn nghệ để chào đón Bác. Bắt đầu buổi diễn, tôi cầm tờ giấy đọc. Bác Hồ nhìn thấy nói dài thế, tôi thấy hơi lo lắng. Khi tôi báo cáo thành phần diễn viên, Bác hỏi: “Dân tộc thật hay dân tộc giả thế?. Tôi nói: “Thưa Bác dân tộc thật ạ!”. Ấn tượng của tôi về Bác Hồ là, ai sai điều gì Bác uốn nắn ngay lập tức. Bác lại là người dí dỏm, vui tính nhưng nội dung câu chuyện luôn đi vào mục đích…”. Cứ mỗi lần được gặp Bác, ông Toại lại có thêm những bài học quý. Đặc biệt trong lần gặp thứ ba, Bác Hồ nhắc nhở cán bộ và bà con các dân tộc phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Là một người con dân tộc, ông Nông Viết Toại hiểu hơn ai hết những lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã cố gắng làm theo những lời căn dặn của Người. Đặc biệt là trong hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật, ông luôn sử dụng ngôn ngữ dân tộc và nhắc nhở con cháu phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Cựu chiến binh Nguyễn Minh Hiển, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội cũng đã có 3 lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên khi ông là đại biểu tiêu biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bác Hồ tới dự và nói chuyện, động viên những cán bộ làm công tác văn hóa tiếp tục phát huy nhiệm vụ của mình. Lần thứ hai, toàn thể cán bộ nhà máy in Tiến bộ được Bác Hồ mời đến Phủ Chủ tịch và được cùng ngồi với Bác Hồ xem phim. Lần thứ 3 là khi Bác Hồ đến thăm Nhà máy. “Đó là vào năm 1959, khoảng 14h chiều một ngày tháng 5, Bác Hồ đến thăm Nhà máy chúng tôi. Bác không vào phòng khách mà đi thẳng xuống thăm phân xưởng. Bác dừng bên hộp chữ và xem rất lâu. Sau đó, Bác đứng lên cao để nói chuyện. Bác nói là muốn tiến lên Xã hội Chủ nghĩa thì phải có con người Xã hội Chủ nghĩa. Một cái máy nếu chúng ta biết tiết kiệm, chúng ta sẽ làm được nhiều sản phẩm. Chúng tôi rất nhớ lời Bác dạy và chúng tôi luôn ý thức tiết kiệm bảo vệ máy móc”- Cựu chiến binh Nguyễn Minh Hiển tâm sự. Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập thể, cán bộ công nhân viên nhà máy in Tiến bộ đã thực hiện tiết kiệm trong sản xuất, đầu tư cơ sở vật chất, bảo quản và quản lý máy móc đảm bảo cho nhiệm vụ lao động sản xuất. Cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Sâm, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội năm nay đã bước sang tuổi 85. Ông là một trong những chiến sĩ bảo vệ được theo Bác Hồ từ những năm đầu của cuộc kháng chiến. Cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Sâm nói: “Tôi gặp Bác Hồ lần đầu tiên năm 1946. Lần đó, tôi được đi đón Bác Hồ từ Pháp về ở ga Hàng Cỏ. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác đi xem xét cầu bắc qua sông Hồng để khắc phục vấn đề giao thông, tôi cũng hay được gặp Bác. Bác về quê, tôi cũng được đi theo để bảo vệ Bác. Tôi thấy cuộc sống của Bác rất giản dị. Bác luôn quan tâm đến mọi người. Thời kỳ chiến tranh phá hoại, Bác lên tận những vùng sâu, vùng xa ở Thái Nguyên, Tuyên Quang để xem cán bộ chiến sĩ sinh hoạt. Kỷ niệm sâu đậm nhất là lần Bác về thăm quê, tôi đứng ngay bên cạnh Bác, chiến sĩ anh nào cũng nhao nhao được gặp Bác. Bác hỏi “Các cháu có phải là chiến sĩ không?” Mọi người bảo “có”. Bác hỏi “Bộ đội có kỷ luật không?”. Ai cũng trả lời là có. Bác nói “Nếu có kỷ luật thì phải trật tự ngồi nghe Bác mới nói được…”. Năm 1965, cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Sâm chuyển công tác vào Nam. Mặc dù không được gần gũi Bác Hồ thường xuyên như trước nhưng ông vẫn dõi theo mọi thông tin về Người qua làn sóng của Đài TNVN. Ông Nguyễn Hoàng Sâm nhớ lại: “Thời kỳ Bác ốm, chúng tôi thường xuyên trực thông tin từ Đài TNVN để đợi nghe tin từ ngoài Bắc về tình hình sức khỏe của Bác. Đến khi nhận được tin Bác mất rồi, chúng tôi tiến hành chuẩn bị lặng lẽ và có họa sĩ Sơn vẽ bức chân dung Bác. Hôm đó trời mưa, mọi người làm lễ truy điệu và thu băng…”. Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam đã đi xa nhưng toàn thể nhân dân Việt Nam vẫn luôn kính trọng và dành những tình cảm đặc biệt đối với Bác. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là kim chỉ nam cho tất cả chúng ta./. Mai Trung Quang

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/bac-ho-voi-can-bo-chien-si/20109/153703.vov