Bắc Kinh những ngày nắng đẹp

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân- Bầu trời Thủ đô Bắc Kinh như thoáng đãng, trong xanh hơn; Quốc kỳ Việt Nam và Trung Quốc cùng tung bay trong nắng, gió ngập tràn, từng loạt đại bác vang rền, chào đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường".

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được phía bạn hết sức coi trọng. Lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Trương Đức Giang, Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều đánh giá cao chuyến thăm Trung Quốc lần đầu của đồng chí Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo hai bên đều bày tỏ vui mừng về những tiến triển tích cực của quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian qua; đồng thời đi sâu trao đổi về các định hướng lớn nhằm tăng cường tin cậy, củng cố tình hữu nghị, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững trong thời gian tới.

Tại cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, có nhiều nét tương đồng; quan hệ hữu nghị truyền thống "vừa là đồng chí, vừa là anh em" được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các thế hệ lãnh đạo tiền bối dày công gây dựng, vun đắp trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc của cả hai nước đã trở thành tài sản chung quý báu của hai đất nước, hai dân tộc, cần được gìn giữ, kế thừa và phát huy. Hiện nay, hai nước đều đang tiến hành đổi mới và cải cách, mở cửa, thực hiện sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; sự gần gũi, tương đồng về văn hóa, cũng như sự phát triển, ổn định và thành tựu của mỗi nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định, ngày càng tốt đẹp là nhu cầu khách quan, phù hợp lợi ích cơ bản, lâu dài của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Trung Quốc hiện là một trong 10 đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 11,2 tỷ USD. Liên tục hơn 10 năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2016 đạt gần 72 tỷ USD. Với sự kết nối thuận tiện về đường biển, đường bộ và đường không, Việt Nam là cửa ngõ và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Ngoài ra, với nhiều di sản, thắng cảnh nổi tiếng, các đường bay liên tục được mở rộng sẽ tạo thêm sức hút hấp dẫn khách du lịch Trung Quốc đến với Việt Nam. Chính vì vậy, cả hai buổi tọa đàm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc tổ chức ở Thủ đô Bắc Kinh và tỉnh Phúc Kiến đều thu hút rất đông các doanh nhân, doanh nghiệp Trung Quốc tham dự.

Ông G.Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwa Hồng Công (Trung Quốc), một tập đoàn đang đầu tư rất nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như: thủy sản, cà-phê, bất động sản, tài chính... cho biết, Tập đoàn Sunwa đã đầu tư tại Việt Nam 47 năm vì thế luôn có niềm tin và không ngừng mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Trung Quốc bày tỏ đồng tình với mục tiêu sớm nâng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương lên 100 tỷ USD theo hướng cân bằng cán cân thương mại. Theo đó, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm nông, thủy, hải sản đã qua chế biến, điện tử, hàng tiêu dùng của Việt Nam, đồng thời Việt Nam sẽ tạo điều kiện để các sản phẩm công nghệ, linh kiện đầu vào phục vụ sản xuất cũng như hàng tiêu dùng của Trung Quốc tiếp cận thị trường.

Trước sự quan tâm của các doanh nghiệp, doanh nhân Trung Quốc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam đặc biệt coi trọng và ưu tiên thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc; mong muốn hai nước tiếp tục phát huy những thành quả hợp tác trong những năm qua, tiến tới chủ động xây dựng định hướng, kế hoạch, giải pháp và lĩnh vực hợp tác cụ thể với tầm nhìn chiến lược dài hạn, tối đa hóa thế mạnh của mỗi nước, cùng tham gia sâu và vươn cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp hai nước không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác kinh tế, mà cần đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng đột phá, tạo động lực mới trong thương mại và đầu tư, góp phần củng cố và làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.

Chủ tịch nước cho biết, sau gần 30 năm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế có quy mô hơn 220 tỷ USD. Việt Nam cũng là nền kinh tế mở với quy mô thương mại gấp hơn 1,6 lần GDP. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang phát triển sâu rộng với mạng lưới Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mở rộng không gian kinh tế cho hợp tác và phát triển. Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Việt Nam sẽ chủ động tiếp cận, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; xây dựng nền tảng trong chuỗi giá trị để sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; tạo tiền đề cho tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững.

Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm tỉnh ven biển Phúc Kiến, một tỉnh có mối quan hệ giao thương mật thiết với nhiều địa phương của Việt Nam. Hàng trăm năm trước, các thương nhân của Phúc Kiến đã đến buôn bán, làm ăn tại các thương cảng Phố Hiến, Hội An... của Việt Nam. Những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa tỉnh Phúc Kiến và các địa phương Việt Nam liên tục tăng nhanh, năm 2016 đạt 3,4 tỷ USD, tăng trưởng 13,6%. Hiện có 45 doanh nghiệp của Phúc Kiến đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn 270 triệu USD. Trong những năm qua, Phúc Kiến là một trong những địa phương của Trung Quốc đi đầu trong công cuộc phát triển kinh tế khu vực ven biển thời kỳ đổi mới, điển hình của việc triển khai ý tưởng "nhược điểu tiên phi" (chim yếu bay trước) của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tỉnh Phúc Kiến, nhất là Đặc khu kinh tế Hạ Môn đã đạt nhiều thành tựu to lớn, tạo sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, vươn lên thành một địa phương có trình độ phát triển hàng đầu của Trung Quốc về xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, dịch vụ cảng biển...

Là một trong bốn địa phương đầu tiên của Trung Quốc được lựa chọn thí điểm xây dựng Khu mậu dịch tự do, Phúc Kiến đang thực hiện các cơ chế quản lý và vận hành kinh tế hiện đại để xóa bỏ những rào cản trong tiến trình thúc đẩy cải cách mở cửa. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm Trung tâm dịch vụ hành chính công Phúc Châu, một mô hình điểm của tỉnh về cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.

Được thành lập tháng 2-2015, Trung tâm dịch vụ hành chính công Phúc Châu là nơi giải quyết mọi thủ tục hành chính cho người dân với khoảng 420 hạng mục, trong đó có nhiều loại thủ tục người dân chỉ cần giải quyết trong vài phút. Trung tâm có hệ thống kết nối mạng tương tác trực tiếp với người dân, trả lời mọi thắc mắc liên quan thủ tục hành chính. Từ đầu năm tới nay, Trung tâm đã giải quyết hơn mười nghìn thủ tục hành chính cho người dân. Nhiều thủ tục được tiến hành tự động, chẳng hạn chỉ cần Giấy chứng minh nhân dân, người dân có thể tự làm thủ tục xuất cảnh một cách nhanh chóng. Tại đây cũng có khu vực dành cho việc tra cứu các tài liệu liên quan đến địa phương và đất nước... Rất nhiều người dân có mặt tại đây khi được hỏi đã bày tỏ sự hài lòng với những tiện ích của Trung tâm.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn công tác đã đến thăm khu phố cổ Tam phường thất hương (TP Phúc Châu), nơi đang diễn ra triển lãm giới thiệu các danh lam thắng cảnh và tiềm năng hợp tác to lớn của tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam). Được hình thành từ cách đây 1.700 năm, hiện nay khu phố cổ được bảo tồn và trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Phúc Kiến. Ở đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa, nghệ thuật độc đáo, nhất là nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kinh kịch, múa rối... Tại triển lãm giới thiệu về tỉnh Quảng Ninh, rất đông du khách và người dân Phúc Kiến thích thú và bày tỏ sự quan tâm đến vẻ đẹp của vịnh Hạ Long.

Trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Ninh và Phúc Kiến đã cùng ký thỏa thuận về thiết lập quan hệ hữu nghị giữa hai địa phương. Bên hành lang lễ ký, một nữ cán bộ của Sở Ngoại vụ Phúc Kiến nói với chúng tôi, người Trung Quốc chúng tôi có câu "gieo hạt vào mùa xuân, thu hoạch vào mùa thu". Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Phúc Kiến và buổi tọa đàm hợp tác kinh tế, thương mại giữa doanh nghiệp hai nước và lễ ký kết thiết lập quan hệ hữu nghị này như những đợt gieo hạt, và chúng ta tin tưởng sẽ gặt hái nhiều thành quả trong tương lai. Chúng tôi và nhiều người có mặt lúc đó đều tin như vậy.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32881302-bac-kinh-nhung-ngay-nang-dep.html