Bắc Kinh tức giận vì Mỹ bán lô vũ khí cho Đài Loan

Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trở nên gay gắt hôm 30/06/2017. Bắc Kinh tức giận vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, và trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc có liên hệ với Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, Florida ngày 06/04/2017 - REUTERS/Carlos Barria/File Photo

Các quyết định của Mỹ và phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc tương phản hẳn với không khí tương đối thân mật từ sau cuộc gặp gỡ với chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tại tư dinh của nhà tỉ phú tại Florida, RFI bình luận.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 30/6 tuyên bố: "Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ có thể chỉnh đốn lại hành vi sai trái, để đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại con đường đúng đắn, phát triển một cách vững chắc và ổn định".

Bắc Kinh nhấn mạnh kiên quyết chống lại các biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đối với một ngân hàng Trung Quốc. Ngân hàng Đan Đông (Dandong) bị Washington cáo buộc rửa tiền cho Triều Tiên, và từ nay không thể kết nối với hệ thống tài chính Mỹ.

Trung Quốc cũng "cực lực phản đối" việc chính quyền Mỹ cho phép bán cho Đài Loan 1,3 tỷ USD vũ khí.

Ông Lục Khảng còn đả kích các phát biểu "vô trách nhiệm" của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Washington bày tỏ quan ngại về việc tôn trọng các quyền tự do ở Hồng Kông, trong dịp kỷ niệm 20 năm cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc.

Giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông nói với AFP: "Chừng như tuần trăng mật, được bắt đầu với lời hứa của Bắc Kinh sẽ làm điều gì đó về vấn đềTriều Tiên, đã kết thúc hẳn rồi. Tôi nghĩ rằng ông Trump muốn dùng lá bài Đài Loan để thúc đẩy Trung Quốc hành động nhiều hơn về Triều Tiên, và có thể cả biện pháp thương mại nữa".

Nhưng đối với giáo sư James Reilly, chuyên về quan hệ quốc tế ở trường đại học Sydney, "nay ít có khả năng Trung Quốc làm điều gì đó về hồ sơ Triều Tiên, do vụ Mỹ trừng phạt và bán vũ khí".

Tổng thống Donald Trump đã kịch liệt đả kích chính sách thương mại của Trung Quốc, trong thời gian tranh cử. Giọng điệu của ông nhẹ nhàng hẳn đi sau khi gặp ông Tập Cận Bình: ông Trump cần sự giúp đỡ của Trung Quốc để thúc đẩy Triều Tiên từ bỏ chương trình nguyên tử và đạn đạo. Nhưng tổng thống Mỹ tuần rồi phải cau mày, trong một tin Twitter ông Trump khẳng định các nỗ lực của Trung Quốc không có kết quả.

Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc bị Hoa Kỳ cáo buộc là đã tạo điều kiện cho các giao dịch của những công ty có liên can đến việc phát triển tên lửa đạn đạo Triều Tiên.

Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin nhấn mạnh, các trừng phạt này không chủ ý nhắm vào Trung Quốc. Nhưng ông cảnh báo: "Nếu chúng tôi phát hiện một hoạt động nào khác, thì sẽ trừng phạt thêm các định chế khác. Không có ai ngoại lệ cả".

Trung Quốc là láng giềng và là nước duy nhất ủng hộ Triều Tiên cả về ngoại giao lẫn kinh tế. Bắc Kinh coi việc thương lượng là phương cách duy nhất để thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình đạn đạo và nguyên tử, khuyến khích Hoa Kỳ và Triều Tiên nhượng bộ lẫn nhau nhưng không đứng về bên nào.

Tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng hành xử tương tự. Trên chuyến bay đưa ông đến công du Hoa Kỳ, Moon Jae In tuyên bố Seoul và Washington cần phải đưa ra những nhượng bộ với Triều Tiên, nếu nước này chấp nhận một số điều kiện - theo báo chí Hàn Quốc. Ông Moon nói: "Tuy không tưởng thưởng Triều Tiên về những hành động đáng phê phán, nhưng Hàn Quốc và Hoa Kỳ cần phải cùng nhau xem xét nên đề nghị với Bình Nhưỡng những gì để đổi lấy việc đóng băng chương trình nguyên tử của họ".

Hôm thứ Sáu 30/6/2017, tổng thống Donald Trump tuyên bố "thời kỳ kiên nhẫn với Bình Nhưỡng đã kết thúc", khẳng định Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác khác trên thế giới để có được "một tổng thể các biện pháp ngoại giao, kinh tế và an ninh". Ông không nhắc đến Trung Quốc.

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su-the-gioi/bac-kinh-tuc-gian-vi-my-ban-lo-vu-khi-cho-dai-loan-2924532.html