Bắc Mỹ An (Đà Nẵng): Lối đi nào cho người dân về với biển?

Những dự án nghỉ dưỡng cao cấp tưởng chừng giúp tăng thêm sự hấp dẫn cho bãi biển Bắc Mỹ An nhưng giờ đây lối đi xuống biển lại biến thành lối vào khu nghỉ dưỡng...

Bãi biển Bắc Mỹ An là bãi biển đẹp, có từ lâu đời của Đà Nẵng và cũng là một trong những bãi biển được các nhà đầu tư du lịch “để mắt” đến tìm hướng đầu tư. Bãi biển này đã góp phần gia tăng thêm giá trị và danh tiếng cho biển Đà Nẵng. Nơi đây là điểm tắm biển, du lịch và là nơi có bao nhiêu con người, gia đình hằng ngày kiếm sống từ nghề biển. Cũng tại đây chất chứa bao kỷ niệm tuổi thơ của nhiều thế hệ người dân, mỗi khi hè đến lại được về với biển.

Thế nhưng, kể từ khi nơi đây mọc lên những dự án nghỉ dưỡng cao cấp, nhiều khách sạn hạng sang bít lối đi xuống biển,... mọi chuyện đã khác. Tưởng rằng con đường xưa được quy hoạch to đẹp hơn và sẽ là bộ mặt mới của đô thị và cũng là nơi để người dân ở đây cũng như du khách xuống biển được thuận tiện, nhưng thực chất không như mong muốn của nhân dân cũng như du khách, nếu muốn tắm biển. Đường xuống biển đã biến thành đường vào khu nghỉ dưỡng cao cấp Sunrise.

Đường xưa đã “bít”

Đường Hồ Xuân Hương mới được xem là một trong những con đường đẹp của Đà Nẵng.

Đường Hồ Xuân Hương trước đây, nay trở thành lối vào khu nghỉ dưỡng.

Đường Hồ Xuân Hương được hình thành từ năm 1963, là trục đường chính mà nhân dân quận Ngũ Hành Sơn và các quận, huyện nội thành ra biển. Sau năm 1975, khu vực này dân số tăng lên đột ngột nhờ có xí nghiệp dệt và nhà máy cao su. Đời sống nhân dân hai bên đường tương đối ổn định. Năm 2003 theo chủ trương thành phố mở rộng đường Hồ Xuân Hương, đây là dự án đầu tiên nhà nước và nhân dân cùng làm, hầu như mọi người dân đều đồng tình với quyết định của thành phố, sẵn sàng hiến đất. Có những gia đình phải đi hẳn, cụ thể là đoạn cuối đường Hồ Xuân Hương ra biển, mọi người đều kì vọng sau khi hoàn thành con đường sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Lân, trú tại 160 Lê Lợi, là cư dân trước đây sinh sống tại khu vực sát bờ biển trên trục đường Hồ Xuân Hương, bày tỏ: “Cung đường này hình thành trước ngày giải phóng. Đến giai đoạn năm 2003 có chủ trương của nhà nước làm con đường này. Đến khi nhà nước có chủ trương thì người dân nơi đây rất là đồng thuận và thực hiện. Như gia đình tôi sẵn sàng mất đi 300m2 đất, nhà hàng của tôi đang hoạt động cũng phải ngưng hoạt động để mà phục vụ cho vấn đề giải tỏa cung đường. Thì đa số người dân trên trục đường này có những người mất rất nhiều đất nhưng vì phần đất còn lại nhiều nên không có đền bù. Trong đó có những hộ cuối cùng nằm trên dọc đường ra biển phải di rời hẳn để nhường chỗ cho dự án mới.

Mọi người dân ở đây rất là kỳ vọng sau khi mở con đường ra có vị trí thuận lợi hơn và mong muốn khi mở con đường này ra bãi biển sẽ mạnh lên hơn”. Đó là nỗi khát vọng của mọi người dân và tin rằng trục đường Hồ Xuân Hương sẽ là trục đường phát triển mạnh nhất so với các trục đường hướng ra biển. Ban đầu sau khi giải tỏa nhân dân đã kiến thiết, chỉnh trang xây dựng lại nhà cửa kiên cố khang trang và nhà hang, khách sạn cũng bắt đầu mọc lên. Cũng vào thời gian đó thành phố đã cắt một phần diện tích đất ven biển giao cho các chủ đầu tư trong đó có khu biệt thự nghỉ đưỡng du lịch cao cấp Sunrise, chủ đầu tư là công ty cổ phần Địa Cầu".

Thu hút đầu tư có nên bỏ quên quyền và lợi ích của nhân dân?

Theo điểm 2 Điều 1, nội dung Quyết định số 721/QD-UBND ngày 25/01/2017 “Về việc phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất dự án khu du lịch biển và khu nghỉ dưỡng chuyên gia” (Nay là khu biệt thự nghỉ dưỡng du lịch cao cấp Sunrise của Công ty cổ phần Địa Cầu”) ghi rõ:

“Ranh giới sử dụng đất: Ranh giới sử dụng đất được xác định bởi các điểm R1,R2, R3…R15 (có tọa độ và kích thước kèm theo bản vẽ).

Tứ cận được xác định:

Phía Bắc: Giáp đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc.

Phía Nam: Giáp đường xuống bãi tắm công cộng.

Phía Đông: Giáp Biển Đông.

Phía Tây: Giáp đường ven biển Trường Sa.

Tổng diện tích ranh giới điều chỉnh quy hoạch là :156.135 m2.

Tổng diện tích trước khi điều chỉnh quy hoạch là: 156.094m2.

Qua quyết định trên, ranh giới đã bị thay đổi, con đường xuống biển và bãi tắm công cộng không còn nữa, phía Nam thay vì giáp đường xuống bãi tắm công cộng nay lại giáp khách sạn Hoàng Trà do ông Văn Hữu Chiến ký ngày 03/04/2012.

Các hộ dân sống dọc đường Hồ Xuân Hương đang trao đổi với phóng viên.

Tại Công văn số 6010/SXD-QLQH ngày 15/10/2014 có nội dung ý kiến của Sở TN-MT tại Báo cáo số 674?BC-STNMT với nội dung: “Đề nghị thu hồi phần diện tích đường Hồ Xuân Hương nối dài (phần đất giao để quản lý 8.104 m2) và thu hồi phần diện tích phía đông tuyến đường (hiện tại chủ đầu tư đã xây dựng bãi đỗ xe) để làm đường giao thông xuống biển phục vụ nhân dân. Sở Xây dựng cùng các đơn vị họp thống nhất thu hồi phần diện tích bãi biển để phục vụ công cộng.

Ông Thái Văn Cát, trú tại 87 Hồ Xuân Hương, trần tình với phóng viên báo Kinh doanh và Pháp luật rằng: “Thử hỏi 10 năm nhân dân bấm bụng chịu đựng, chờ đợi nghĩ rằng ý Đảng lòng dân luôn luôn đồng thuận, người dân tôn trọng sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và chính quyền. Nhưng vì lý do gì, vì ai, vì cái gì mà cả hệ thống chính quyền không giải quyết thỏa đáng cho dân. Đây không phải là khu vực quân sự hay một công trình an ninh quốc gia mà chỉ phục vụ cho hai doanh nghiệp. Mà những doanh nghiệp này thực sự đã thừa hưởng trọn khu vực ven biển”.

Quyết định và sơ đồ phê duyệt dự án.

Bà Tăng Thị Tâm, thường trú tại số 77 Hồ Xuân Hương bức xúc kể: “Trước đây đi xuống biển chỉ vài bước chân, mùa nắng nóng cả nhà chiều chiều xuống biển hay buổi sáng xuống đấy để tắm biển, tập thể dục thì nay phải đi vòng quanh một quãng đường dài mới đến được với biển. Nhiều khi muốn đi tắt vào con đường cũ ngày xưa cho nhanh thì bị bảo vệ khu nghỉ dưỡng đuổi và có thái độ gay gắt rất khó chịu. Thử hỏi bao nhiêu năm bám đất giữ biển nay biển trước mặt mà phải lòng vòng mãi mới có lối đi xuống”.

Quy hoạch là là việc tổ chức hoặc định hướng tổ chức không gian vùng, không gian đô thị và điểm dân cư, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ đó, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng, đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường và cũng như trong đề án thực hiện 4 an của Tp Đà Nẵng. Thiết nghĩ các cấp chính quyền Đà Nẵng nên vào cuộc và thẳng thắn nhìn rõ vấn đề nhằm đảm bảo lợi ích nhân dân của một thành phố đáng sống.

Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đến bạn đọc.

Nhóm PV

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/loi-di-nao-cho-nguoi-dan-ve-voi-bien-p51194.html