Bác phê phán thói công thần của một số chính trị phạm

- 100 ngày sau khi chiến tranh lan rộng ra cả nước, nhận thức rằng cuộc kháng chiến sẽ phải trường kỳ và vô cùng gian khổ cần đến một đội ngũ những cán bộ và chiến sĩ có đủ phẩm chất để vượt qua những thử thách, ngày 1/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ”.

Bức thư viết: “Trong lúc dân tộc đang ở ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi đồng chí và toàn cả đoàn thể phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một mục đích đánh đuổi thực dân Pháp làm cho nước nhà thống nhất và độc lập. Vì vậy mỗi đồng chí và toàn Đoàn thể phải: sáng suốt, khôn khéo, cẩn thận, kiên quyết, siêng năng, nhất trí”. Cuộc trường kỳ kháng chiến này, tức là dân tộc cách mệnh đến trình độ tối cao. Trong lúc này, tư tưởng và hành động của mỗi một đồng chí rất có quan hệ đến toàn quốc. Nếu một sơ suất, một việc sơ suất là có thể hỏng việc to; sai một ly đi một dặm”. Thư còn yêu cầu “chúng ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm” và nhà lãnh đạo cuộc kháng chiến vạch rõ những khuyết điểm đó là: “địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc quân phiệt quan liêu, óc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, làm việc lối bàn giấy, vô kỷ luật, ích kỷ hủ hóa” với những phân tích rất sâu sắc . Ví như khi đề cập tới “óc bè phái”, Bác viết: "Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe...”; với “óc quân phiệt quan liêu thì “Khi phụ trách ở vùng nào thì như một ông vua con ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe". Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới thì cậy quyền lấn át. Đối với quần chúng thì ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi”. Với “óc hẹp hòi”, Bác viết: “Chúng ta phải nhớ rằng: người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được Tư tưởng hẹp hòi thì hành động cũng hẹp hòi. Người mà hẹp hòi ít kẻ giúp. Đoàn thể mà hẹp hòi thì không thể phát triển”. Khi nói đến khuyến điểm “ích kỷ hủ hóa”, Bác viết phê phán thói công thần của một bộ phận lãnh đạo xuất thân từ chính trị phạm: “Vẫn biết nhà pha đế quốc là nơi huấn luyện, vẫn biết Việt Minh là đoàn thể gồm những người yêu nước, chăm lo việc cứu nước. Nhưng hẳn ngoài Việt Minh còn biết bao nhiêu người hay người giỏi mà Việt Minh chưa tổ chức được. Vả lại nếu chính trị phạm, nếu người của Mặt trận giỏi hơn ai hết thì những người không có hân hạnh ở tù, những người chưa vào Mặt trận vô tài, vô dụng cả sao? Mỗi đồng chí chúng ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ, phải nhớ câu nói của ông thầy chúng ta “Phải học, Học thêm, Học mãi” (đó là câu của Lênin). Bức thư còn nêu lên những biện pháp để thực hiện được vai trò của đội ngũ cán bộ trong đó nhấn mạnh đến công tác giao thông: “Giao thông là mạch máu của mọi việc, giao thông tắc thì việc gì cũng khó. Giao thông tốt, thì việc gì cũng dễ dàng”. Cũng với nội dung căn bản như bức thư này, Bác còn viết “gửi các đồng chí Trung Bộ”. Đây cũng có thể coi là những phác thảo chuẩn bị cho cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” biên soạn một cách hệ thống được xuất bản tháng 10 năm đó (1947). X&N

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/3921/201003/Bac-phe-phan-thoi-cong-than-cua-mot-so-chinh-tri-pham-1742840/