Bác sĩ cứ tiêm là bệnh nhân... chết

(Kienthuc.net.vn) - Gã thường đến trạm quân y mỗi chiều muộn, tiêm xong lại bỏ đi một cách bí ẩn. Hễ người nào được vị thầy thuốc này tiêm thì khoảng 2 hôm sau là chết.

Ám ảnh tiếng cồng

Chúng tôi qua vùng rừng núi thôn Châu Trang, xã Thượng Cốc vào những ngày mưa phùn ẩm ướt, bỗng nghe tiếng cồng đâu đó từ trong các làng, bản vang lên đập vào muôn trùng vách núi gợi nhớ đến tiếng cồng Châu Trang, từng là nỗi ám ảnh của người dân địa phương và các chiến sĩ Tây tiến về cái chết...

Trở lại thôn Châu Trang, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, chúng tôi được bà Bùi Thị Nga, 87 tuổi, ở xã Thượng Cốc kể cho nghe những câu chuyện về “đoàn quân không mọc tóc”: “Ngày đó, thôn Châu Trang là nơi đóng quân của binh đoàn Tây Tiến, tại đây được đặt một trạm quân y, chăm sóc cho binh lính bị ốm đau, bệnh tật hoặc bị thương.

“Tôi còn nhớ thời điểm ấy có rất nhiều binh lính bị mắc bệnh sốt rét, trong khi thuốc men thì thiếu thốn, một viên thuốc aspirin phải hòa vào cả ca nước lớn rồi chia đều cho mỗi người một chén. Khi căn bệnh sốt rét lan nhanh, nhiều chiến sĩ đã không qua khỏi và vĩnh viễn nằm lại nơi rừng xanh núi thẳm, có người thì ốm rơi tóc đến trọc cả đầu. Tình hình bệnh tật của binh lính ngày càng phức tạp. Ngày càng nhiều người “dính” sốt rét. Chúng tôi phải lên rừng hái thuốc trị bệnh cho chiến sĩ, cán bộ ta. Có người khỏi, người không, nhưng những kỷ niệm ngày đó thì vẫn ám ảnh mãi trong đầu chúng tôi”.

Nghĩa trang liệt sĩ xã Thượng Cốc chính là nơi an nghỉ của các chiến sĩ binh đoàn Tây Tiến.

Đến nay, mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng khi kể về những ký ức của đoàn binh Tây Tiến, bà Nga lại rưng rưng nước mắt, câu chuyện bỗng ngừng lại trong giây phút, bà quờ ra phía sau với chiếc điếu cày rít một hơi thuốc lào thật sâu rồi mới ngần ngừ nói tiếp: “Các chú có nghe thấy tiếng cồng đó không? Đó là tiếng cồng khai hội của xứ Mường chúng tôi đấy! Nhưng thời Tây Tiến mà nghe thấy tiếng cồng thì đó là sự chết chóc khiến nhiều người sợ hãi. Hồi đó, cứ mỗi khi có chiến sĩ nào hy sinh, người dân lại gióng lên 3 tiếng cồng để báo hiệu chuyện buồn.

Ngày nào cũng có tiếng cồng vang lên, cồng vang vào sáng sớm, giữa trưa hay nửa đêm gà gáy... hễ nghe tiếng cồng thì người dân chúng tôi lại góp manh chiếu cói đến binh trạm cuốn thi thể người quá cố vào rồi buộc chặt bằng lạt tre đem đi an táng. Có những ngày chúng tôi nghe thấy nhiều hồi cồng báo hiệu chiến sĩ ta hy sinh vang lên, mọi người đều ngậm ngùi, không ai nói lời nào rồi lặng lẽ đi về phía binh trạm đưa người xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng”.

Người dân địa phương ôn lại kỷ niệm năm xưa.

Đoàn quân Tây Tiến bị đầu độc

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà cụ Bùi Thị Vịn người đã trực tiếp lên rừng lấy thuốc chữa bệnh cho các chiến sĩ binh đoàn Tây Tiến. Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn nhớ như in những khoảnh khắc cùng các chiến binh miền xuôi chiến đấu chống lại bệnh tật, kẻ thù. Một trong muôn vàn kỷ niệm đó chính là nghi vấn các chiến sĩ của ta bị gián điệp đầu độc.

Cụ Vịn kể lại: “Thời gian các chiến sĩ binh đoàn Tây Tiến bị bệnh nằm ở trạm quân y Châu Trang, có một người mặc áo blue trắng, cưỡi một con ngựa trắng nói là bác sĩ binh đoàn đến tiêm thuốc sốt rét cho quân ta. Người này dáng cao, to, khuôn mặt vuông vức, trắng trẻo và có bộ râu quai nón được cắt tỉa mượt mà không giống với người thường sống nơi rừng thiêng núi độc. Gã thường đến trạm quân y vào mỗi buổi chiều muộn, tiêm thuốc xong lại phi ngựa vào rừng một cách bí ẩn. Có điều lạ là hễ người nào được vị thầy thuốc này tiêm thì khoảng 2 hôm sau là chết. Những bất thường này của vị bác sĩ lạ khiến các chiến sĩ nghi vấn, có người trốn trạm ra bờ suối câu cá, có người trốn vào nhà dân, khi vị bác sĩ ấy đi khuất mới trở về binh trạm.

Từ khi vị bác sĩ lạ tiêm thuốc sốt rét, có đêm số lượng chiến sĩ hy sinh lên đến mấy chục người, tiếng cồng vang lên sáng đêm, người dân trong làng nhà nào cũng đem hết chiếu bó xác người quá cố, chiếu hết, dân phải chẻ tre bó xác bộ đội đem chôn ở mô đất cao ráo, bằng phẳng nay là Nghĩa trang liệt sĩ xã Thượng Cốc. Sau những bất thường đó, có chiến sĩ báo cáo lên cấp trên rằng đó chính là gián điệp cài vào hàng ngũ của ta để đầu độc bộ đội, thậm chí có anh còn cắt cổ tự tử trước khi vị bác sĩ này đụng vào người để phản đối tiêm thuốc... Vài ngày sau đó, chúng tôi không thấy bóng dáng bác sĩ lạ mặt này đâu nữa. Bộ đội ta uống thuốc lá rừng cũng dần khỏi bệnh và tiếp tục trở lại chiến trường chiến đấu”.

Theo cụ Vịn thì những chuyện này không thấy sử sách ghi chép lại, nhưng trong ký ức của mỗi người dân thôn Châu Trang thì vẫn còn rõ ràng, chi tiết như mới diễn ra ngày hôm qua. Rồi mỗi khi rảnh rỗi, người già lại kể câu chuyện này cho các thế hệ con cháu nghe như một cách tri ân những chiến sĩ binh đoàn Tây Tiến đã ngã xuống để bảo vệ quê hương, bảo vệ xứ Mường.

Binh đoàn Tây Tiến có tên khác là Trung đoàn 52, được thành lập năm 1947 trong bối cảnh cuộc chiến giữa quân và dân ta chống lại giặc Pháp đang cam go nhất. Các chiến sĩ của binh đoàn Tây Tiến chủ yếu là thanh niên, học sinh đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định được điều động lên Hòa Bình theo lệnh của Ủy ban Kháng chiến Tây Bắc, địa bàn hoạt động là toàn bộ vùng Tây Bắc, phía Bắc Thanh Hóa và biên giới Việt – Lào.

Hoàng Dương

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/bac-si-cu-tiem-la-benh-nhan-chet-315942.html