Bác sĩ làm sai, bệnh nhân được đền bù

Từ ngày 1-1-2012, Nghị định 102/2011/NĐ-CP ngày 14-11 của Chính phủ quy định về bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực.

Theo nghị định này, bệnh nhân sẽ được bảo hiểm chi trả đối với tai biến trong khám, chữa bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra bởi lỗi sơ suất, bất cẩn của người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Bên thứ ba giải quyết

BS Nguyễn Hữu Tùng, Tổng Giám đốc BV Đa khoa Hoàn Mỹ, cho biết việc Chính phủ ban hành nghị định này có nhiều điểm có lợi cho cả bệnh nhân và BV, nhân viên y tế.

Đối với bệnh nhân, khi bị tai biến và khiếu nại BV, nếu chưa được BV giải quyết thỏa đáng thì họ sẽ tiếp tục khiếu nại, khi đó bảo hiểm sẽ vào cuộc. Bảo hiểm là bên thứ ba phân định, giải thích chuyên môn nguyên nhân rủi ro do đâu, mức độ ra sao và mức bồi thường như thế nào. Tất cả chứng cứ này dựa trên bảng kiểm điểm của BV, đánh giá của hội đồng khoa học của ngành y tế. Nếu hồ sơ đánh giá việc rủi ro do bệnh lý hay do bệnh nhân thì tất nhiên bệnh nhân sẽ không được bồi thường.

“Ba năm qua, chúng tôi đã mua bảo hiểm cho cả hệ thống BV là 8 tỉ đồng/năm, mức bồi thường tối đa là 2 tỉ đồng/năm. Khi có rủi ro xảy ra, trước tiên chúng tôi thương thảo, thỏa thuận với bệnh nhân trước. Nếu mức bồi thường dưới 40 triệu đồng thì BV lo, còn trên đó thì bảo hiểm chi” - BS Tùng nói. Tuy nhiên, theo BS Tùng, việc mua bảo hiểm với mục đích là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, quản lý để đội ngũ y tế yên tâm làm việc chứ không phải để nhân viên ỷ lại. Trong trường hợp nếu xảy ra lỗi chuyên môn được đánh giá là do nhân viên y tế cố ý thì người này phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân.

“Ngày trước chúng ta mù mờ, khi bệnh nhân khiếu nại, BV sợ mất uy tín, mất bệnh nhân nên thương thảo tháng này qua tháng kia. Còn xử lý bác sĩ thì không ai làm. Giờ có bên thứ ba độc lập, vấn đề sẽ được giải quyết rõ ràng và trong thời gian nhất định” - BS Tùng nói.

Bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp cho nhân viên y tế là cần thiết, tuy nhiên nguy cơ họ bị kiện tụng sẽ tăng lên. Ảnh: DUY TÍNH

Bảo hiểm phải có kiến thức về y khoa

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo các BV vẫn còn băn khoăn với nghị định này.

TS Trần Thị Phương Thu, Giám đốc BV Mắt TP.HCM, cho biết: “Tai biến trong y khoa là điều không ai mong muốn, có thể do rủi ro hay do tay nghề kém. Do đó, chúng tôi rất mong muốn có bên thứ ba giải quyết để bác sĩ yên tâm làm việc và bác sĩ với bệnh nhân không đứng ra kiện tụng. Tuy nhiên, 10 năm qua, từ khi thành lập khoa Bán công kỹ thuật cao, chúng tôi đã thử mua bảo hiểm cho 10 bác sĩ ở khoa này, chi phí 17-20 triệu đồng/năm nhưng thực tế không có lợi ích gì cả”.

Cũng theo BS Thu, BV đã gặp một vụ, khi BV đưa hồ sơ qua, phía bảo hiểm nói đây là rủi ro do thuốc chứ không phải do bác sĩ nên không bồi thường, cuối cùng BV phải chịu. “Chúng tôi thấy thủ tục chưa hợp lý, bảo hiểm né trách nhiệm và thiếu nghiệp vụ. Do đó, bảo hiểm cần có nghiên cứu, hợp tác và thông thạo nghiệp vụ y tế là điều rất quan trọng” - TS Thu nói.

Theo giám đốc một BV khác, với nghị định này, bệnh nhân không có cái lợi gì khác ngoài việc được bồi thường. Tuy nhiên, bệnh nhân có nguy cơ bị sai sót nhiều hơn nếu bác sĩ thiếu y đức cứ nghĩ đã có bảo hiểm lo nên an tâm làm bậy. Mặt khác, sẽ có nhiều lời xui khiến bệnh nhân đi kiện. Cũng theo vị lãnh đạo này, trong nghị định quy định chỉ thanh toán bảo hiểm khi đó là lỗi của bác sĩ. Vậy có điều khoản khi mua bảo hiểm ra sao nếu bác sĩ cố tình làm bậy? Liệu bác sĩ mua bảo hiểm, khi xảy ra kiện tụng thì bệnh nhân có đến tìm bác sĩ hay không?

Sản phẩm bảo hiểm cụ thể còn chờ thông tư

Theo lộ trình thực hiện, chậm nhất đến cuối tháng 12-2015, BV đa khoa, chuyên khoa, BV y học cổ truyền phải mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh. Đến cuối tháng 12-2017, các cơ sở khám, chữa bệnh phải mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh. Chúng tôi đã trao đổi với ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam,xung quanh vấn đề mới mẻ này:

. Trường hợp nào bảo hiểm bồi thường, trường hợp nào không, thưa ông?

+ Phải chờ thông tư của Bộ Tài chính. Tôi được biết hiện nay Bộ Y tế đang soạn thảo dựa theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, sau đó xin ý kiến Bộ Tài chính và bộ này giao cho Cục Bảo hiểm soạn thảo. Nhưng cụ thể chi tiết nhất vẫn nằm ở sản phẩm bảo hiểm, còn nghị định chỉ là khung để thực hiện.

. Có ý kiến cho rằng bảo hiểm phải có nghiệp vụ y khoa để thẩm định độc lập?

+ Bảo hiểm là bộ phận hòa giải giữa BV và người bệnh trong khi một bên là BV muốn giảm bồi thường, còn bệnh nhân thì muốn tăng. Do đó, bảo hiểm phải khách quan nhưng muốn khách quan thì phải có nghề. Nếu hòa giải không thành thì bệnh nhân kiện ra tòa.

Bảo hiểm không phân xử mà do tòa quyết bồi thường bao nhiêu cho bệnh nhân thì bảo hiểm trả trong phạm vi trách nhiệm bồi thường, còn vượt quá hợp đồng thì BV phải trả. Thí dụ hợp đồng giữa BV và bảo hiểm là 500 triệu đồng/vụ, tòa xử đền 600 triệu đồng thì BV phải trả thêm 100 triệu đồng. Hiện các công ty bảo hiểm đã có người làm trong ngành y phục vụ nhưng còn ít. Muốn phát triển phải chuyên nghiệp hơn.

Những vụ kiện tiền tỉ

Tháng 6-2009, bệnh nhân HHT (Việt kiều Mỹ) mổ đục thủy tinh thể tại BV Mắt Sài Gòn, sau đó bị viêm nhiễm giác mạc mà trong nước không thể điều trị được nên ông sang Mỹ thay giác mạc với chi phí lên đến 50.000 USD. Bệnh nhân trở lại Việt Nam yêu cầu BV bồi thường 85.000 USD nhưng BV nói mình không sai nên đề nghị hỗ trợ 8.500 USD.

Từ ngày 17 đến 18-2-2010, 22 bệnh nhân bị đục thủy tinh thể mổ phaco tại BV Mắt TP.HCM bị nhiễm trùng, không thấy ánh sáng do chất chỉ thị màu bị nhiễm khuẩn. BV đã thỏa thuận bồi thường 8-10 triệu đồng/người. Có 12 người không đồng ý nên kiện ra tòa. Sau khi hòa giải, bảy bệnh nhân chịu nhận bồi thường 15-40 triệu đồng và rút đơn kiện, còn năm bệnh nhân khác đòi 70-120 triệu đồng.

DUY TÍNH

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20111116114235969p1060c1104/bac-si-lam-sai-benh-nhan-duoc-den-bu.htm