Bài 1: Đảm bảo điều kiện công dân số

LTS: Ngày 27/4/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Thái Nguyên triển khai 6 mô hình điểm về Đề án 06. Đến ngày 30/6/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ phối hợp UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai 21 mô hình điểm về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (bao hàm 6 mô hình nêu trên). Đến nay, sau gần một năm triển khai, 17 mô hình cơ bản hoàn thành, 4 mô hình đang thực hiện, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Chúng tôi đến Công an xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên vào một ngày gần cuối tháng 4/2024, từ lời giới thiệu của Trung tá Nguyễn Tùng Lâm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an tỉnh Thái Nguyên để ghi nhận về một đơn vị làm tốt mô hình điểm "Đảm bảo điều kiện công dân số". Đây là đơn vị đã vận dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để thực hiện Đề án 06, đem lại nhiều tiện ích cho người dân.

Chung nhau mua máy, ứng trực 24/24h

Quyết Thắng là xã có gần 3.000 hộ với trên 10.000 nhân khẩu và hơn 4.300 nhân khẩu tạm trú là sinh viên các trường đại học, cách trung tâm TP Thái Nguyên 8km về phía Tây. Dù tình hình ANTT không quá phức tạp nhưng số người di biến động lớn nên lực lượng Công an xã ở đây thường xuyên tiếp nhận giải quyết hồ sơ đăng ký thường trú, tạm trú, điều chỉnh, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu, tuyên truyền cấp căn cước công dân (CCCD) và định danh điện tử, phục vụ chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính.

Tiếp tôi tại trụ sở khi trời đã gần trưa, Đại úy Hà Mậu Tuấn, Phó Trưởng Công an xã Quyết Thắng cho biết, bình thường máy thu nhận định danh điện tử mức độ 2 chỉ được cấp phát về Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Thái Nguyên. Để chủ động trong công tác này, Công an xã Quyết Thắng đã tham mưu Chủ tịch UBND xã vận dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của địa phương để trang cấp máy này cho lực lượng Công an xã. "Mỗi máy trị giá hơn 12 triệu đồng, là nguồn kinh phí khá lớn, vì thế chúng tôi đã trao đổi với xã Phúc Xuân và xã Phúc Trìu cùng vận động người dân, doanh nghiệp trên địa bàn các xã ủng hộ để 3 xã mua chung một máy thay nhau cùng sử dụng", anh chia sẻ.

Trung tá Trương Đại Dương, cán bộ Công an xã Quyết Thắng tranh thủ làm căn cước công dân, kích hoạt định danh điện tử mức độ 2 cho người dân vào cuối giờ trưa.

Được sự thống nhất của chính quyền địa phương và người dân, đến nay, các xã đã chung nhau mua máy được gần 1 năm, mỗi xã luân phiên sử dụng 2 tuần, sau đó chuyển sang xã tiếp theo. Thuận lợi lớn nhất là việc đi lại của người dân, họ không cần lên trụ sở Đội Cảnh sát QLHC về TTXH của Công an TP Thái Nguyên để làm CCCD hay cấp tài khoản định danh điện tử như trước đây. Đồng thời, lực lượng Công an xã luôn có cán bộ trực ban túc trực tại trụ sở 24/24h để phục vụ người dân, cho nên bất kể lúc nào người dân cần đều có thể đến làm.

Công an xã Quyết Thắng gồm 7 CBCS, trong đó 1 đồng chí Trưởng Công an xã, 2 Phó Công an xã và 4 CBCS. Khi chúng tôi đến cơ sở, Trung tá Trương Đại Dương, Cảnh sát khu vực phụ trách xóm Gò Móc, Nam Thành và Sơn Tiến đang tận tình làm thủ tục cấp CCCD và định danh điện tử cho người dân, dù đồng hồ đã hơn 11h trưa. Anh cho biết: "Người dân ở các xóm chủ yếu đi làm vào giờ hành chính, do vậy các thủ tục này họ thường làm ngoài giờ. Anh em CBCS thường xuyên trực trên máy để giúp người dân hoàn thiện các thủ tục. Có người 6h sáng đã đến kích hoạt định danh điện tử để rồi sau đó đi làm, có người thì đi làm về tối mịt, 8-9h tối ăn cơm xong mới đến trụ sở Công an xã để làm...". Vất vả là vậy nhưng CBCS nơi đây không hề nề hà mà vẫn vui vẻ hướng dẫn người dân các thao tác, thủ tục sao cho nhanh gọn nhất.

Công an xã Quyết Thắng đến nhà làm CCCD cho người già yếu, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Tỷ lệ tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đạt 96%

Có con gái học lớp 12, đang chuẩn bị thi tốt nghiệp nhưng không may bị mất CCCD, chị Trần Thị Thu Hằng ở xóm Thái Sơn 1 tranh thủ giờ trưa vừa tan làm để đưa con gái đến trụ sở xã làm lại. "Cháu vừa làm lại CCCD, vừa thu nhận định danh điện tử. Cán bộ Công an xã rất nhiệt tình, tư vấn cho chúng tôi rõ ràng, dễ hiểu, hoàn thành thủ tục nhanh chóng", chị đánh giá. Còn anh Đào Xuân Hùng, ở xóm Gò Móc đến làm thủ tục cài đặt định danh điện tử mức độ 2 cho rằng: “Khi được tuyên truyền về Đề án 06, bản thân tôi là công dân sinh sống trên địa bàn đã tích cực vận động người nhà và hàng xóm cài đặt VNeID mức độ 2, vì tôi thấy rất thuận lợi trong thủ tục hành chính, người dân có thể giải quyết thủ tục hành chính tại nhà, không mất nhiều thời gian, công sức, giấy tờ lằng nhằng như ngày xưa...”.

Chỉ loáng cái, Trung tá Trương Đại Dương đã giải quyết các thủ tục cấp CCCD, định danh điện tử cho 5 công dân để rồi tranh thủ giờ cơm trưa, nghỉ ngơi. "Qua một năm triển khai, Công an xã Quyết Thắng đã thu nhận hơn 6.800 trường hợp đủ điều kiện, đạt hơn 90% việc thu nhận định danh điện tử mức độ 2 cho người dân đủ điều kiện. Thời gian tới, chúng tôi phấn đấu đạt 100% việc cấp và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với người dân đủ điều kiện", Đại úy Hà Mậu Tuấn thông tin thêm.

Theo thông tin từ Công an TP Thái Nguyên, trên địa bàn TP hiện có 7 máy cấp định danh điện tử mức độ 2 qua nguồn xã hội hóa và nguồn kinh phí UBND phường, xã, qua đó đã cấp 177.709 tài khoản định danh điện tử; đã kích hoạt 168.824 tài khoản. Đối với toàn tỉnh Thái Nguyên, đến ngày 15/4/2024, lực lượng Công an đã thu nhận 822.099 tài khoản định danh điện tử mức 2, đã kích hoạt 786.370 tài khoản, đạt tỷ lệ 96%. Trung tá Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, 21 mô hình điểm được thực hiện theo đúng kế hoạch và tiến độ đề ra, trong đó Công an tỉnh Thái Nguyên thể hiện vai trò nổi bật trong 8 mô hình được giao chủ trì và phối hợp các sở, ngành xây dựng 13 mô hình. "Các dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình Đề án 06 đang được triển khai hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm ngân sách Nhà nước và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương", anh nhấn mạnh.

Công an tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công (trong đó có 10 dịch vụ công toàn trình) kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đã hoàn thành tích hợp 53/53 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dữ liệu theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Từ đầu năm 2024 đến nay đã tiếp nhận 193.707 hồ sơ, đã xử lý xong 182.382 hồ sơ (tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 94,15%).

Quỳnh Vinh (còn nữa)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/bai-1-dam-bao-dieu-kien-cong-dan-so-i729857/