Bài 1: Làm bé hay xé to?

Nếu loại trừ Bà Rịa - Vũng Tàu, lựa chọn của các tập đoàn sản xuất công nghiệp nặng (do có hệ thống cảng nước sâu, cảng chuyên dụng...), thì “tam giác phát triển” trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm: TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương đang ở thế “kẻ tám lạng, người nửa cân” trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các tỉnh, thành đang diễn ra quyết liệt. Quá trình phân cấp đầu tư đã tạo ra rất nhiều “động lực” trong cuộc cạnh tranh này vì tỉnh, thành nào cũng muốn vươn lên. Tuy nhiên, đua nhau đưa ra các ưu đãi một mặt làm “hạ giá” chính các địa phương, mặt khác có thể dẫn đến hệ lụy là các nhà đầu tư (NĐT), nhất là các NĐT lớn và có mục tiêu dài hạn, sẽ cảm thấy không tin tưởng và không muốn vào. Làm thế nào để thu hút đầu tư mà vẫn có thể đảm bảo được tính thống nhất của quy hoạch quốc gia. Vấn đề này trên thực tế đang trở nên đáng báo động khi nhiều dự án do tỉnh, thành cấp phép đang phá vỡ các quy hoạch chung tầm quốc gia.

>> Bài 2: Hiểu người, hiểu ta

Chậm chân mất phần

Gần đây, một số NĐT đưa ra những đề xuất về ưu đãi rất cao, như trường hợp tập đoàn Hyundai đã đề xuất thuê 20ha đất tại khu kinh tế Chu Lai trong vòng 70 năm chỉ với mức giá tượng trưng là 1USD. Mức ưu đãi này cho thấy cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các tỉnh, thành đang diễn ra quyết liệt.

Cũng vì thế, Hải Dương gây bất ngờ khi vượt lên là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất, với gần 2,56 tỷ USD, chiếm 22,7% tổng vốn đầu tư của cả nước.

Đầu năm nay, trong buổi tiếp đoàn quan chức ngoại giao của Việt Nam trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại trụ sở UBND tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC Corp., cho biết dự định cùng tỉnh thực hiện mục tiêu thu hút doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc.

Trong khi dự định của Bình Dương chưa thành hiện thực thì chỉ trong vòng hơn 3 tháng (từ tháng 7/2011), Đồng Nai “lên tiếng” bằng sự kiện xúc tiến đầu tư với đoàn DN Nhật Bản và châu Âu. Riêng TP.HCM, ngoài hai lần kết hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức gặp gỡ cơ quan đại diện các nước vẫn chưa thấy hiệu quả.

Theo bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân khiến tỉnh này phải rốt ráo tổ chức chương trình thu hút NĐT châu Âu là do tỷ lệ lấp đầy những khu công nghiệp (KCN) mới trên địa bàn vẫn còn thấp, do đó phải đẩy mạnh tìm kiếm các NĐT mới. Hơn nữa, nếu xét về số dự án, khối DN châu Âu vẫn còn ít so với các NĐT châu Á.

Theo đó, với 65 dự án, NĐT châu Âu đang xếp thứ 5 tại Đồng Nai, sau Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia ASEAN, trong khi tiềm năng của khối NĐT này là không nhỏ.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản vào Bình Dương năm 2010, NĐT Nhật đã đánh giá cao Đồng Nai vì gần TP.HCM và cả cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Ông Yoshida Sakae, Giám đốc Điều hành Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, cho rằng, điều NĐT cần là chính sách hậu mãi và cam kết của địa phương sau khi họ đặt nhà máy, đây cũng là cách quảng bá hiệu quả đến những NĐT khác.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có đến 971 dự án đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 18,45 tỷ USD, trong đó chiếm nhiều nhất là các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trong danh sách những NĐT mới được cấp phép ở Đồng Nai có mặt những NĐT tầm cỡ như: Brother, Tiger, Daitoh Industry... Nếu như Onishi chuyên sản xuất các loại máy khoan, thì Daitoh Industry sản xuất các loại máy sản xuất chất bán dẫn, tấm hiển thị tinh thể lỏng và tấm pin năng lượng mặt trời..., là những ngành công nghệ Việt Nam đang cần để kích hoạt ngành công nghiệp phụ trợ vốn im ắng nhiều năm qua.

Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn đã có năm NĐT mới của Nhật được cấp phép tại Đồng Nai, tuy chỉ là những NĐT nhỏ nhưng hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, công nghệ cao.

Trong khi đó, nếu xét về phát triển hạ tầng, Bình Dương đang chiếm ưu thế. Hiện, ngoài quốc lộ 13 (nối với TP.HCM), Becamex IDC Corp. đang gấp rút hoàn thiện đường cao tốc Tân Vạn - Mỹ Phước.

Đây là tuyến đường không chỉ nâng giá trị các khu đô thị mới tại Bình Dương lên, mà còn rút ngắn thời gian cho NĐT khi vận chuyển hàng hóa ra cảng Cái Mép - Thị Vải lẫn TP.HCM. Nói về lợi thế của tỉnh này, ông Vũ Công Minh, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh, cho rằng, Bình Dương đang ở thế “có thể chọn lựa được NĐT”.

Nếu muốn thu hút nguồn FDI trong lĩnh vực công nghệ như mong muốn, tỉnh nên mở rộng tiếp cận NĐT phương Tây. Ông Minh dẫn chứng, nếu chỉ xét ở thị trường Anh, hiện chỉ có 7 DN Anh đầu tư vào Bình Dương nhưng chưa thấy DN có thế mạnh về công nghệ cao. Do đó, tỉnh nên có những buổi làm việc với Hiệp hội DN Anh tại Việt Nam (BBGV) để hai bên có những chương trình xúc tiến đầu tư phù hợp.

Hạ tầng hay ưu đãi?

Nói về cạnh tranh trong thu hút đầu tư, trong những ngày gần đây, phóng viên Báo Doanh Nhân Sài Gòn có dịp đi khảo sát thị trường, tìm địa điểm đặt nhà máy cùng với một NĐT nước ngoài chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm.

Thực tế, tiêu chí NĐT này quan tâm hàng đầu không hẳn là những chính sách ưu đãi về thuế, giá thuê đất bao nhiêu, mà là hạ tầng (đường đến trung tâm thành phố, cảng), tuyển dụng lao động, nguồn nước, điện, thời gian thuê đất và cuối cùng mới đến giá.

“Chúng tôi chú trọng đến nguồn nước vì là DN sản xuất thực phẩm và đây cũng là chi tiết mà các địa phương và cả các nhà phát triển hạ tầng nên suy xét đến việc tạo lập những KCN chuyên ngành”, NĐT này cho biết. Ngoài ra, NĐT này cũng cần khu đất rộng tối thiểu 15ha.

Nếu cộng tất cả các tiêu chí, Bình Dương đang là tầm ngắm của họ, vì tại TP.HCM hiện nay, dù khu Đông Nam (Củ Chi) và Tân Phú Trung (Củ Chi) vẫn còn diện tích lớn, nhưng lại hạn chế ở hạ tầng giao thông đến khu vực trung tâm và cảng nên chỉ mỗi Khu công nghiệp Cảng Hiệp Phước là đủ đáp ứng. Tuy nhiên, NĐT này lại e ngại về những dự án công nghiệp nặng hiện hữu trong khu sẽ ảnh hưởng đến sản xuất thực phẩm của họ.

Trong khi đó, tại Bình Dương, VSIP mở rộng vẫn còn diện tích lớn. Hơn nữa, nơi đây vừa đón 3 DN nước ngoài trong lĩnh vực hàng tiêu dùng có tên tuổi: nhà máy của P&G (Mỹ), nhà máy sản xuất thực phẩm của Nissin Việt Nam (Nhật Bản) và nhà máy sản xuất bao bì cho Pepsico của TBC - Ball Việt Nam (Hồng Kông)...

Đó là chưa nói đến câu chuyện nguồn lực. Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho hay, tỉnh đang hướng đến việc cung cấp lao động cấp cao thông qua hệ thống 3 trường đại học: Quốc tế Miền Đông (Becamex IDC đầu tư), Thủ Dầu 1 và Đại học Việt - Đức (hợp tác với Đức) cùng 41 trường cao đẳng và trung cấp nghề... Những con số chỉ kém cạnh TP.HCM, nhưng “qua mặt” Đồng Nai.

Ông Lawrence Peh, Tổng giám đốc Công ty TNHH GoucoLand Việt Nam (Singapore), cho biết, NĐT có thể gặp những vướng mắc về thủ tục, nhưng... may mắn là họ chỉ cần một năm để hoàn tất mọi thứ khi đầu tư tại Bình Dương. Hiện, GoucoLand đang đầu tư dự án khu đô thị liên hợp cao cấp The Canary ở phía trước Khu công nghiệp VSIP I.

Rõ ràng, để thu hút NĐT nước ngoài, hoạt động xúc tiến không thừa nhưng cần xác định rõ lĩnh vực ưu tiên, không thể kêu gọi chung chung và làm đại trà chưa hẳn đã mang lại hiệu quả.

Về vấn đề này, ông Lương Văn Lý, nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, dẫn chứng, nhiều địa phương hiện nay kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có hoạt động R&D, nhưng về phía cơ quan quản lý cấp cao cần quy định rõ khuyến khích cho DN đầu tư R&D là như thế nào. Bởi đây cũng là lợi thế trong quá trình xúc tiến đầu tư.

Một số nhà tư vấn khuyên các tỉnh, thành nên cố gắng đưa ra các ưu đãi tốt nhất để có thể thu hút FDI nhanh nhất. Trong khi đó, một số NĐT chờ đợi nhiều hơn ở những cải cách trong môi trường thể chế về kinh tế, đầu tư.

Việc liên tiếp đưa ra các ưu đãi cũng có thể dẫn đến hệ lụy là các NĐT, nhất là các NĐT lớn và có mục tiêu dài hạn, sẽ cảm thấy không tin tưởng và không muốn vào. Như đã phân tích, họ chờ đợi nhiều hơn ở việc cải thiện môi trường thể chế.

Nguồn DNSG: http://doanhnhansaigon.vn/online/doanh-nhan/chuyen-lam-an/2011/11/1059574/bai-1-lam-be-hay-xe-to/