Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

“Nấm mọc sau mưa”

Trong nhiều năm trở lại đây nhiều người Việt Nam được nhiều tổ chức trên thế giới trao tặng các danh hiệu giáo sư, tiến sĩ , kỹ sư danh dự. Tuy nhiên, không ít người trong đó không phải là nhà khoa học nhưng khi ra nước ngoài lại được phong tặng các chức danh này tạo nên hoài nghi về những giá trị của các danh xưng trên.

Theo thông lệ các danh xưng giáo sư thường chỉ dành cho những người tham gia hoạt động dạy học, đào tạo tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt giáo dục đại học. Nhiều người từng là giáo sư giảng dạy nhưng khi chuyển sang nghề nghiệp khác họ cũng từ bỏ chức danh này. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do nào mà nhiều doanh nhân, nhà sư lại gắn mình với chức danh trên.

Nhiều doanh nhân được tổ chức quốc tế vinh danh là tiến sĩ danh dự (ảnh nguồn Internet).

Đi đầu trong việc phong tặng cho người Việt Nam phải kể đến Viện Đại học Kỷ lục thế giới. Theo tìm hiểu của phóng viên trên một số phương tiện truyền thông thì Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (World Records University – WRU) là một tổ chức có đăng ký giấy phép hoạt động tại Cộng hòa Ấn Độ là chính, văn phòng liên lạc đặt tại Vương quốc Anh, có đăng ký bản quyền tại Vương quốc Anh.

Đây không phải là tổ chức đào tạo nhưng đã cấp bằng Cử nhân Thực hành Thực chứng kết quả, Tiến sĩ danh dự và Giáo sư, Giảng sư Danh dự tại các Tổ chức Kỷ lục Quốc gia trên thế giới.

Không khó để kể tên những cá nhân đã từng được tổ chức Viện Đại học Kỷ lục Thế giới phong tặng giáo sư như ông Nguyễn Quang Mâu – Chủ tịch HĐQT Công ty CP “Gốm đất Việt”; ông Nguyễn Văn Sáu – tức Hòa thượng Thích Huệ Ðăng. Cùng nhiều tên tuổi khác được cấp bằng tiến sĩ danh dự như ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư dự án KCN Sinh thái Nam Cầu Kiền – Hải Phòng) đã vinh dự đón nhận danh hiệu tiến sĩ danh dự của Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (World Records University – WRU) – Trực thuộc Liên minh Kỷ lục Thế giới (Worldkings) với nội dung: “Doanh nhân – Luật sư nghiên cứu, thực hiện các đề tài đạt nhiều giải thưởng Quốc gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để ứng dụng vào việc xây dựng mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam”;

Doanh nhân Kỷ lục gia Trần Văn Mười cũng được trao bằng tiến sĩ danh dự. Ông nhận được chức danh này khi còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà đất Nhân Mười, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Doanh nhân Thanh Hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh - phía Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân họ Trần TP. HCM và các tỉnh miền Nam;

Bà Bà Bùi Thu Hiền người sáng lập Công ty Tài Năng Việt. Bà Hiền nhận bằng tiến sĩ danh dự vì được xem là “Người nghiên cứu, đúc kết các giá trị về giáo dục trí tuệ xưa đến nay của nhân loại thành triết lý giáo dục Tâm Tầm Tài để ứng dụng, thiết kế và xây dựng thành các chương trình đào tạo, giảng dạy thực tế giúp bản thân và học viên tạo dựng cuộc sống thành công trong hạnh phúc”;

Ông Trần Thanh Toàn người thành lập Tổ chức đào tạo WiT, tổ chức các lớp học về Sức khỏe xương khớp, Sức khỏe sinh sản, Lớp học về Thuật Quảng bá và đặc biệt là lớp thấu hiểu nội tâm, kiến tạo an vui, thay gân đổi cốt.

Ông Trần Thanh Toàn được Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (WRU) trao bằng Tiến sĩ Danh dự với tiêu đề “Nâng tầm nhận thức nội tâm – hướng con người đến giàu thể chất thông qua lớp “thấu hiểu nội tâm - kiến tạo an vui” Và “thay gân đổi cốt” để thực hành bơi và chạy bộ.”

Ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh vừa được Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (WRU) trao bằng Cử nhân Thực hành năm 2019 sau khi bảo vệ thành công đề tài: "Nhà sáng lập và thực thi thành công mô hình chuỗi Khách sạn Mường Thanh theo nhu cầu và thực tiễn phát triển tại thị trường Việt Nam và khu vực" trước Hội đồng Viện WRU...

Trước khi nhận chức danh giáo sư danh dự, ông Nguyễn Văn Sáu cũng được Viện Đại học Kỷ lục Thế giới chính thức công nhận Thượng tọa là Tiến sĩ danh dự Đại học Kỷ lục Thế giới với đề tài: "Nhà sư làm khoa học, nhà sư đầu tiên là tác giả 2 bằng sở hữu trí tuệ, sáng chế được cấp bằng tại Việt Nam"…

Nói về việc phong tặng giáo sư, tiến sĩ danh dự cho doanh nhân, nhà sư tại Việt Nam cũng phải kể đến Trường Đại học Apollos (Hoa Kỳ) – đây là một trường đại học tư thục theo hình thức đào tạo từ xa.

Trường này đã từng công nhận cho vợ chồng doanh nhân Huỳnh Uy Dũng (Dũng "Lò Vôi”) nhận bằng tiến sĩ danh dự và giáo sư danh dự vào tháng 11/2018.

Trong danh sách được các doanh nhân được trường này phong tặng tiến sĩ danh dự còn có ông ông Đỗ Văn Huệ (Ryan Do) – Giám đốc Công ty CP Đông Trùng Hạ Thảo (TP. Hồ Chí Minh);

Có 5 vị tu sĩ nhận bằng Tiến sĩ danh dự: Hòa thượng Thích Thiện Nhơn (Phan Minh Hoàng), Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đặng Minh Châu), Thích Nhật Từ (Trần Ngọc Thảo), Thích Huệ Thông (Trần Minh Quang), Thích Thiện Pháp (Lê Văn Thuận).

2 vị tu sĩ Phật giáo nhận bằng Giáo sư danh dự có: Thích Đức Thiện (Nguyễn Tiến Thiện), Đại đức Thích Minh Nhẫn (Từ Thanh Đạt).

Gần đây nhất, Trường Đại học Apollos (Hoa Kỳ) đã trao bằng Tiến sĩ danh dự cho doanh nhân Hoàng Mai Chung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land (Meey Group). Ông Hoàng Mai Chung từng chia sẻ: "Nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Apollos (Hoa Kỳ) có thể coi là sự ghi nhận quốc tế đầu tiên cho những nỗ lực của cá nhân tôi và Hệ sinh thái Công nghệ - Tài chính bất động sản phát triển bởi Meey Group”;

Doanh nhân Nguyễn Hồng Lam - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hồng Lam cũng được nhận “Tiến sĩ danh dự”. Theo giới thiệu ông có đóng góp tích cực trong nhiều hoạt động sáng tạo, đổi mới cộng đồng xã hội, tạo dựng được uy tín thương hiệu và phát triển Hệ sinh thái đổi mới - sáng tạo toàn cầu.

Cùng đợt với ông Hoàng Mai Chung và ông Nguyễn Hồng Lam còn có hơn 20 tên tuổi khác được nhận danh hiệu giáo sư, tiến sĩ danh dự.

Ngoài hai tổ chức trên, còn nhiều doanh nhân khác cũng được các tổ chức nước ngoài phong tặng với những danh hiệu giáo sư, tiến sĩ danh dự.

Nói đến việc hào phóng phong tặng danh hiệu cho người Việt, nếu thiếu sót khi không nhắc đến Trường Đại học Quốc tế Mở và Trực tuyến Cambrige. Hội đồng Giáo sư và Hội đồng Khoa học của Trường Đại học quốc tế mở và trực tuyến Cambridge đã từng công nhận cấp bằng và sắc phong cho 2 chức danh giáo sư danh dự cùng 16 chức danh tiến sĩ danh dự. Trong đó có ông Hoàng Đức Thảo khi ông làm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, TGĐ Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco)…

Ngoài các tên tuổi nêu trên còn rất nhiều những cá nhân khác và tổ chức khác tham gia vào việc phong tựng danh hiệu giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư danh dự cho nhiều người Việt Nam.

Tuy nhiên có một thực tế, nhiều người trong đó nếu ở Việt Nam sẽ không thể được vinh danh là giáo sư, tiến sĩ vì có người chỉ trình độ lớp 3 hay không đạt về tiêu chí đạo đức, lối sống.

Chuyên gia nói gì?

Việc người Việt Nam được các tổ chức quốc tế vinh danh đáng lẽ là niềm tự hào tuy nhiên việc vinh danh một cách ồ ạt, có những đợt vinh danh gần vài chục cá nhân thì quả thực khiến nhiều người hoài nghi về chất lượng thực sự đằng sau những danh hiệu như vậy.

Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã trao đổi với GS.TSKH Vũ Minh Giang Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo ông thì có 3 vấn đề xung quanh trào lưu này.

Trước hết, các trường đại học nước ngoài hay tổ chức nào tặng giáo sư, tiến sĩ danh dự là quyền của tổ chức đó. Nếu tặng người đích đáng thì danh hiệu giáo sư, tiến sĩ đó được tôn vinh đề cao. Ví dụ như Đại học Quốc gia Hà Nội từng tặng tiến sĩ danh dự cho 9 nhà khoa học đạt giải Nobel khi họ sang giảng bài. Hoặc từng trao cho một Chủ tịch Quốc hội của Hàn Quốc và nhiều Tổng thống các nước cũng đã được nhận được vinh dự đó.

Tuy nhiên, cũng có nhiều đơn vị sử dụng việc phong tặng để ngoại giao, đôi khi người có nhu cầu họ xin, thậm chí có người còn đặt vấn đề dùng tiền để có danh hiệu. “Thực tế, nhiều tổ chức muốn họ phong tặng thì phải có tiền. Cũng từng có doanh nhân nước ngoài đến xin Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tặng bằng tiến sĩ danh dự, họ cũng đặt vấn đề sẽ tặng nhà trường khoản hiện kim tuy nhiên nhà trường đã không chấp nhận. Bằng giáo sư, tiến sĩ danh dự rõ ràng có giá trị riêng nhưng giá trị đến đâu thì phải tùy cơ sở phong tặng” – Giáo sư Vũ Minh Giang chia sẻ.

Cũng theo vị Giáo sư này, một đánh giá việc một người Việt Nam được tôn vinh giáo sư, tiến sĩ danh dự phải xem trường nào phong, tổ chức nào phong tặng. Nếu như của Đại học Harvard hay những trường nổi tiếng thì rất đáng tự hào. Nhưng cũng có những người thực lực không có bao nhiêu nhưng đánh bóng bằng các danh hiệu như vậy. “Điều này phải xem xét cụ thể từng trường hợp, không thể khái quát được” – Giáo sư Vũ Minh Giang bình luận và nhấn mạnh:“Việc này không thể quản lý được, vì việc tặng là của người ta, nhận là quyền của người nhận, hiện không thể có chế tài nào để quản lý cả. Chỉ có đừng đánh đồng ai nhận giáo sư hay tiến sĩ danh dự đều là oách cả. Cũng không có nghĩa thứ đó là dởm mà cần xem xét cụ thể từng trường hợp một”.

Cũng theo Giáo sư Vũ Minh Giang, nếu giáo sư, tiến sĩ danh dự của những trường đại học ít danh tiếng, xếp hạng thấp trong các bảng xếp hạng các trường đại học thế giới thì chả có giá trị gì. Còn trường danh giá thì thực sự rất vinh dự. “Trường đàng hoàng, uy tín họ sẽ không trao bằng tiến sĩ danh dự, giáo sư danh dự cho những người nhố nhăng” – Giáo sư Vũ Minh Giang khẳng định.

Qua trao đổi có thể thấy những tấm bằng giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư danh dự không nói lên trình độ của người được phong tặng mà phải dựa vào danh tiếng của các tổ chức phong tặng cùng những cống hiến của người được vinh danh trên thực tế.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bai-1-mua-danh-ba-van-hay-ban-danhba-dong-post289434.html