Bài 1: Sức sống và sức ép của nghề gia truyền

Ồn ào, nhộn nhịp người, xe qua lại trên những đường làng ngõ xóm chật chội và khá quanh co, hai bên đường là lổn nhổn những ngôi nhà cao tầng với đủ kiểu dáng, kích thước - đó là hình ảnh chúng tôi gặp khi đặt chân đến thôn Ninh Giang, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ninh Giang không còn nếp sống yên ả của một làng quê thuần nông thuở nào, thay vào đó là một nhịp sống chưa hẳn phố xá, mà giao thoa “nửa tỉnh, nửa quê” như bao làng quê miền Đồng bằng Bắc Bộ đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Ở Ninh Giang có một mùi vị rất đặc trưng hiếm nơi nào có được: Đó là hương vị thuốc nam, thuốc bắc nồng nàn lan tỏa từ mỗi căn nhà. Nhưng đằng sau hương vị đó không ít điều cần bàn...

Hồn xưa nghìn năm đọng lại Đi xe máy vòng vèo quanh làng hết hơn nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi dừng lại ở nhà anh Nguyễn Khoa Phương, 43 tuổi. Tuy không phải là một cơ sở sao chế, kinh doanh thuốc nam, thuốc bắc có quy mô lớn, nhưng gia đình anh Phương cũng có truyền thống lâu năm gắn bó với nghề này. Nằm hơi sâu trong một con ngõ hẹp, nhưng ngôi nhà hai tầng của anh cũng khá khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt được xếp đặt, bài trí gọn gàng, ngăn nắp. Ngoài chén chè ấm nóng, anh còn mang một đĩa mứt sen thơm ra tiếp chúng tôi: - Chú thử đi, xem mứt gia truyền anh làm có ngon không? Đưa một hạt mứt sen vào miệng nhai, tôi cảm nhận được cả vị thơm ngon của hạt sen, đường và dầu hương bưởi trên đầu lưỡi. Tôi hỏi: - Anh làm nghề này được bao nhiêu năm rồi? Anh Phương bảo: - Tôi cũng không nhớ nữa. Đây là nghề gia truyền có từ rất lâu đời do ông bà, cha mẹ tôi truyền lại. Nhưng tôi chỉ làm mứt sen vào dịp Tết Nguyên đán thôi, còn quanh năm làm hạt sen bán cho các đại lý kinh doanh dược liệu. Tôi khơi chuyện: - Hình như hạt mứt sen ở đây có hương vị rất đặc trưng mà các nơi khác không có? Giọng anh Phương văn vẻ: - Hạt mứt sen ở làng nghề Ninh Giang “thơm, ngon, bổ, ngọt”, là do hồn xưa nghìn năm của tổ tiên, ông cha chưng cất và để lại cho con cháu hôm nay. Vậy làng nghề thuốc bắc Ninh Giang có từ khi nào? Theo lời kể của Trưởng thôn Lâm Văn Thôn thì nghề này xuất hiện từ thời nhà Lý, nghĩa là làng nghề đã có tuổi đời ngót 1.000 năm. Hiện nay, đình làng thôn Ninh Giang ngoài thờ Thành Hoàng làng còn có một gian thờ cụ tổ thuốc nam là Lý Nhũ Thái Mẫu Dược sư thần linh. Vào ngày 18 tháng Giêng âm lịch hằng năm, bà con thôn Ninh Giang vẫn tổ chức cúng giỗ cụ tổ nghề và mở hội làng vui xuân. Đời nọ tiếp đời kia, nghề cha truyền con nối này đã góp phần tạo công ăn việc làm không chỉ cho phần lớn người dân trong làng, mà còn giải quyết việc làm cho khá nhiều lao động dôi dư ở các xã bên cạnh. Hiện nay thôn Ninh Giang có 425 hộ với 1.869 nhân khẩu thì có tới 60% gia đình gắn bó với nghề làm thuốc nam, thuốc bắc. Doanh thu bình quân hằng năm từ nghề này đạt khoảng 200 tỉ đồng. Hiện toàn thôn có 70% gia đình có nhà cao tầng và chỉ duy nhất còn 1 hộ nghèo (theo tiêu chí mới). Ông Lâm Văn Thôn nói đầy vẻ tự hào: - Ơn tổ tiên, ông cha dựng nghề, dân làng chúng tôi mới có cuộc sống sung túc như ngày hôm nay! Sức ép trước nhiều thử thách mới Có nghề truyền thống, người dân không chỉ có cuộc sống khấm khá, mà còn tạo dựng cho mỗi người tính năng động, nhạy bén, hoạt bát trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, làng nghề Ninh Giang hiện nay cũng đang đứng trước nhiều thử thách mới mà những thử thách này- hoặc là do chính người dân tự tạo ra, hoặc là bị ảnh hưởng từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường. Vào các thôn, ngõ, ngách của làng nghề, ngoài hương vị thơm nồng từ các gia đình sao chế, bốc gói thuốc bắc, thuốc nam lan tỏa ra ngoài đường, chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng trước cảnh không ít hộ phơi thuốc dọc đường, mép cổng... mà mỗi lần xe máy, ô tô chạy qua, bụi bẩn bốc lên trông rất mất vệ sinh. Trên con đường trục chính của làng, có gia đình vẫn sấy thuốc hoàng kỳ ngay bên lề đường bụi bẩn, nong thuốc đượm mùi thơm tỏa ra nghi ngút nhưng cũng kèm theo nhiều ong, ruồi bay tới tấp xung quanh. Chúng tôi hỏi gia chủ sao không mang vào trong nhà sấy thuốc để bảo đảm vệ sinh thì nhận được một câu trả lời gọn lỏn: - Nhà chật chội, làm gì có chỗ nào mà sấy! Lúc đi qua đường, tôi vô tình trông thấy chị Nguyễn Thị Phương đang chế biến thuốc hà thủ ô. Đôi bàn tay trần trụi của chị sóng sánh bên nồi thuốc với một màu đen đặc quánh của mật, đỗ đen, rễ cây trong khu chế biến nhiều bụi bặm, nhìn cận cảnh mà... sợ! Bước vào cổng một nhà đang băm nhiều loại rễ, thân cây thuốc, tôi trông thấy một đứa trẻ giẫm chân lên bãi phơi thuốc trên sân đùa nghịch hết sức ngộ nghĩnh, hồn nhiên! Nghé mắt vào khu bếp đang sao thuốc chỉ có mấy mét vuông mà các dụng cụ xoong, nồi, chậu, dao, thớt, bếp, than và gần đó là rãnh nước thải... với đủ thứ mùi bốc lên. Chúng tôi định giơ máy ảnh lên chụp thì ông chủ nhà vội vàng lên tiếng vừa như yêu cầu, vừa như cảnh báo: - Ấy, chú đừng làm vậy. Chú định cho gia đình tôi mất chỗ làm ăn à? Lúc ở nhà anh Nguyễn Khoa Phương, khi tôi hỏi về quy trình làm mứt sen của gia đình có bảo đảm vệ sinh không thì anh cũng thừa nhận: - Không thể sạch sẽ như sản xuất theo dây chuyền ở các nhà máy được. Chúng tôi làm tại gia đình với quy mô nhỏ, nên có lúc cũng phiên phiến thôi. Khuất mắt trông coi mà anh. Vào gian chứa hàng của bà Nguyễn Thị Toán, 72 tuổi, tôi tận mắt thấy rổ đựng rễ cây tần giao đã ẩm mốc. Tôi hỏi: - Rễ cây này công dụng ra sao và khi bị mốc rồi thì có sử dụng nữa không? Bà Toán hồn nhiên: - U chỉ biết làm thôi, có biết công dụng gì đâu. Còn khi thuốc bị mốc thì phơi lại cho khô, chứ tiền túi mình bỏ ra mua, bỏ đi phí lắm”. Vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn cho người lao động ở làng nghề cũng là điều đáng quan tâm. Được chứng kiến bà Nguyễn Thị Cầm, 64 tuổi ở thôn Tế Xuyên, xã Đình Xuyên (xã lân cận với làng nghề Ninh Giang) đang làm thuê việc say, sàng, sảy hạt sen cho một gia chủ kinh doanh dược liệu, chúng tôi không khỏi ái ngại vì tuổi già như bà phải “đằm mình” vào đám bụi bay mù mịt. Bà Cầm nói như than phiền: - Lấy được tâm sen từ hạt ra, tôi phải say, sàng, sảy hạt sen đến mỏi tay. Bịt khăn vào miệng, vào mũi rồi mà tối về bụi vẫn bám trong lỗ mũi, lấy khăn mặt moi ra toàn bụi bẩn nên nhiều lúc tôi ho sù sụ như sắp bị lao ấy. Ngoài việc “hứng” bụi bẩn từ việc say, sàng, sảy sen hay khi phơi, sao một số rễ, thân, lá cây, quá trình tiếp xúc với diêm sinh - một hóa chất dùng để sấy khô và bảo quản thuốc bắc, thuốc nam, sức khỏe người dân làng nghề ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, nhưng nhiều người vẫn không hay biết gì. Hơn nữa, dù không phải là phổ biến, nhưng việc trộn lẫn thuốc kém chất lượng với thuốc tốt để bán với giá cao vẫn tồn tại ở một số gia đình làm nghề thuốc bắc, thuốc nam ở Ninh Giang. Nói về vấn đề này, Bí thư chi bộ thôn Ninh Giang, ông Nguyễn Bá Hưởng thừa nhận: Đúng là có một số ít người chạy theo lợi nhuận mà có việc làm thiếu lành mạnh này làm ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề. Đó là chưa kể hiện tượng một số sản phẩm được bày bán ở cửa hàng, cửa hiệu thuốc bắc, thuốc nam không chú thích xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, không ghi cụ thể các thành phần trong gói thuốc, không niêm yết giá bán thuốc. Vì thế, nếu khách hàng thiếu kinh nghiệm, không có hiểu biết nhất định về thuốc thang thì rất dễ bị “chặt, chém” giá cả và mua phải thuốc không đảm bảo chất lượng. Phóng sự điều tra của THIỆN VĂN Bài 2: Giữ nghề bằng văn hóa làm nghề

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/6/66/66/104696/Default.aspx