Bài 1: Tàu vừa đóng xong đã hỏng

Tranh thủ chủ tàu ở xa, một số nhà máy đóng tàu vỏ thép đã tự ý đánh tráo vật tư, thiết bị không đảm bảo. Điều này dẫn đến việc tàu sau khi đóng xong vẫn không thể thường xuyên bám biển vì phải nằm bờ để sửa chữa, gây thiệt hại không chỉ cho chủ tàu mà còn ảnh hưởng đến chương trình lớn của Đảng, Nhà nước.

Bài 1: Tàu vừa đóng xong đã hỏng

Nhiều ngư dân ở Bình Định đi vay hàng chục tỷ đồng để đóng mới tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67/CP. Tàu đóng xong, nhiều người trong số họ đã phải đổi nghề vì con tàu không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Đã vậy, phần lớn số tàu này thường xuyên bị hỏng hóc, gỉ sét. Thậm chí có hạng mục còn bị tráo, không sử dụng đúng loại vật tư đã được thỏa thuận trong hợp đồng.

Không kịp mừng

Năm 2016, gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh vay vốn ngân hàng, ký hợp đồng với công ty Đại Nguyên Dương ở Nam Định đóng mới tàu cá vỏ thép. Đến tháng 9, nhà máy mời ông ra Nam Định nhận tàu. Trên đường từ Nam Định về Bình Định, tàu ông gãy bánh lái, buộc phải thay mới. Chuyến đi biển đầu tiên, ông mất hơn ba tạ lưới vì bị cuốn vào chân vịt.

Ông Mạnh kể: lần đầu bị cuốn, tui nghĩ mình chủ quan nên làm lại cẩn thận hơn. Thế rồi nó vẫn bị cuốn. Thử thêm hai, ba lần nữa kết quả vẫn vậy. Lúc này tui mới khẳng định là do tàu đóng không hợp với nghề lưới vây. Chỗ phần hông của tàu lõm vào chứ không bầu ra như tàu gỗ. Điều này khiến khi thả xuống, lưới ôm theo thân tàu, rồi bị cuốn vào chân vịt, chứ không được đẩy ra ngoài rồi xuống nước như tàu gỗ. Đây là lỗi thiết kế.

Từ người có kinh nghiệm làm nghề lưới vây hàng chục năm, chỉ vì phần thiết kế thân tàu không đáp ứng được nên ông đành phải bỏ, chuyển sang nghề lưới chụp. Những chuyến đi biển tiếp đó, ông lại gặp những chuyện bực mình khác. Đó là con tàu thường xuyên hỏng máy chính, máy phụ. Phần xương sống của tàu cũng bị gãy. Toàn thân tàu bị bong gỉ sét. Nặng hơn cả là hầm lạnh giữ cá không phát huy được tác dụng do đá nhanh tan, lại không có hệ thống thoát nước nên cá bị hỏng nhiều. Có những chuyến đi biển đánh được 11- 13 tấn, nhưng vào đến bờ đã hỏng mất hai đến ba tấn.

Không chỉ tàu nhà ông Mạnh, mà nhiều tàu khác trong tỉnh Bình Định đều rơi vào tình trạng tương tự. Ông Trần Văn Hạo kể, nhận tàu chưa kịp vui thì vỏ tàu, mặt boong đồng loạt gỉ rét. Máy chính, máy điện của tàu hoạt động cũng không ổn định, phải sửa liên tục. Tàu mới đi biển mấy tháng nhưng nước sơn bong ra như đã đi vài năm, nhiều nơi gỉ lòi cả sắt…

Những chiếc tàu thường xuyên bị hỏng, nhanh xuống cấp này đều do công ty Nam Triệu (Bộ Công an) và Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng. Họ gọi điện yêu cầu hai công ty cử cán bộ về khảo sát, sửa chữa để bà con tiếp tục làm ăn, trả nợ ngân hàng, nhưng không được đáp ứng. Bất dắc dĩ, ngư dân đã phải làm đơn gửi đến lãnh đạo tỉnh Bình Định nhờ can thiệp.

Ai bù thiệt hại cho dân?

Nhận đơn, UBND tỉnh Bình Định lập tức chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mời đại diện hai đơn vị đóng tàu tham gia đoàn công tác xuống làm việc với các chủ tàu. Thống kê cho thấy, đến thời điểm hiện tại, Bình Định có 37 chiếc tàu vỏ thép được đóng mới theo chương trình 67. Trong đó, công ty Đại Nguyên Dương đóng năm chiếc, công ty Nam Triệu (Bộ Công an) đóng 20 chiếc. Số tàu này tập trung tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn. Khảo sát 7/10 tàu, chủ tàu có đơn phản ánh đoàn công tác ghi nhận tất vỏ tàu đều bị gỉ sét, hệ thống đường van nước bị gỉ nặng, trong số này vỏ tàu của công ty Đại Nguyên Dương đóng bị gỉ nặng hơn. Số máy thủy chính, máy điện hư hỏng chủ yếu nằm ở số tàu do công ty Nam Triệu đóng. Toàn bộ số tàu được thiết kế để làm nghề lưới vây nhưng khi đưa vào sử dụng đều bị cuốn lưới vào chân vịt, ngư dân không thể đánh bắt được, buộc phải đổi nghề sang nghề đánh bắt bằng mành chụp. Theo hợp đồng, vỏ tàu được công ty Đại Nguyên Dương đóng bằng thép Nhật Bản, hoặc Hàn Quốc. Tuy nhiên, phía nhà máy đã thừa nhận thép đóng vỏ tàu hiện tại là chưa đúng quy cách, chất lượng vì đã sử dụng thép không đúng chủng loại.

Con tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng cách đây 10 tháng bây giờ trông như mớ sắt gỉ do đóng thép không đúng hợp đồng.

Ông Nguyễn Chính Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn bức xúc: “Công ty Nam Triệu (Bộ Công an) đóng cho ngư dân Hoài Nhơn bảy con tàu thì một con bị bục nước chìm trên biển, sáu con còn lại đều bị hư hỏng. Trong khi đó số tàu ngư dân được các công ty khác đóng thì hoạt động rất tốt, đi chuyến nào về cũng thắng lợi, tổ chức ăn mừng”. Cùng tâm trạng, ông Trần Văn Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Cát tính: “Nam Triệu (Bộ Công an) đóng cho ngư dân trong huyện 9 tàu, Đại Nguyên Dương đóng hai tàu. Cả 11 tàu này đều trục trặc. Có điều vô lý là, tuy đóng tàu hỏng hóc, không dùng được nhưng giá thành của công ty Nam Triệu (Bộ Công an) lại cao hơn các công ty khác rất nhiều”.

Đại diện lãnh đạo TP Quy Nhơn thắc mắc: “Máy dò của dân tự mua, tự trang bị trên tàu gỗ thì hoạt động rất tốt. Trong khi đó số máy dò công ty đóng tàu mua, trang bị trên tàu vỏ thép 67 lại trục trặc thường xuyên. Thế nên cần phải tìm hiểu nguyên nhân. Nếu dân chưa biết sử dụng thì phải tổ chức tập huấn, hướng dẫn. Còn không thì phải xem lại chỗ này”.

Cảm thông với các chủ tàu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, Hà Ngọc Tân đặt câu hỏi: “Các doanh nghiệp đóng tàu Nam Triệu (Bộ Công an), Đại Nguyên Dương đều có tên trong danh mục đơn vị đóng tàu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu. Thế nhưng lại đóng thép vỏ tàu không đúng quy cách, chủng loại. Lắp đặt máy thủy chính lại không đồng bộ, không bảo đảm chất lượng như hợp đồng đã thỏa thuận. Điều này gây ra hỏng hóc, khiến ngư dân phải nằm bờ sửa chữa đến hàng tháng. Trong khi đó các chủ tàu phải trả lãi ngân hàng, phải trả tiền cho những người đi bạn. Đang giữa vụ cá nam - vụ cá lớn nhất của năm, thế nhưng tàu của họ vẫn nằm bờ, ngư dân không có thu nhập. Những thiệt hại này ai tính cho dân?”.

(Còn tiếp)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/32838602-dung-xem-tau-vo-thep-la-%e2%80%9cmieng-banh%e2%80%9d-bai-1.html