Bài 1: Vào rừng Lào xem cắt mây “chứng chỉ”

Sợi mây dài vừa cắt trong rừng Sốp Phuôn.

Điều gì đã khiến Lào thành công trước Việt Nam, Campuchia trong khi cả ba nước đang cùng tham gia dự án Mây bền vững của WWF? Qua chuyến đi sang Lào cùng đoàn Việt Nam gồm cán bộ kiểm lâm, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, doanh nghiệp của hai tỉnh giàu mây nhất Việt Nam là Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế, có thể câu trả lời của tôi vẫn chưa đủ đầy...

Sững người trước tấm biển ở bìa rừng Sốp Phuôn

Cuối tháng 10, Lào đang là mùa khô. Những cái áo khoác nhẹ tôi mang từ Việt Nam sang đến Bolikhamsay đành vứt hết cả trên xe. Trời nóng đến mức ngay cả bộ quần áo mỏng tôi mặc cũng ướt đẫm mồ hôi. Cứ thế, cả đoàn 25 người chúng tôi lẽo đẽo theo ông Mayta, tổ trưởng phụ trách lâm nghiệp của bản Sốp Phuôn, huyện Khăm Kợt đi vào khu rừng Phu Pom Bang để tìm mây. Ngay cửa rừng, một tấm biển to đặt chắn giữa lối đi, ai vào cũng phải luồn qua tấm biển ấy. Sau này hỏi ra tôi mới biết tấm biển đó ghi những điều cấm kỵ đối với dân bản khi vào rừng, nhờ những luật tục hà khắc ấy mà rừng của bản Sốp Phuôn mới giữ được.

Đoàn Việt Nam đang đứng trước tấm biển ở cửa rừng Sốp Phuôn.

Chỉ đi chừng chưa đầy trăm mét, chúng tôi đã bắt gặp những cây mây dài vòng vèo uốn quanh những thân cây to. Ông Mayta cầm con rựa chặt thử một sợi cho chúng tôi xem. Sợi mây sau khi được bóc vỏ trắng nõn đo được dài khoảng hơn chục mét. “Rừng Việt Nam giờ rất hiếm những sợi mây dài, vì người dân khai thác một cách tận diệt, cả những sợi ngắn vài mét cũng cắt mất, lấy đâu ra mây ngay ở bìa rừng thế này”, một người đi trong đoàn thốt lên khi nhìn thấy sợi mây. Ông cũng kể rằng, ngày xưa rừng Việt Nam có cả những sợi mây dài đến ba trăm mét, cuộn vòng quanh thân cây lớn như con rắn. Nhưng đó chỉ là chuyện quá khứ thôi, còn giờ thì mây rừng Việt Nam đã thưa lắm rồi, thế nên mới có chuyện phải sang Lào để học cách khai thác bền vững những sợi mây.

Dọc lối đi, chúng tôi nhìn thấy những cây mây mới cao độ ba mươi phân. Ông Soun Thon Kết Phom, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu rừng, Viện Nghiên cứu khoa học nông lâm nghiệp Lào cho biết, đó là những cây mây con được trồng bổ sung vào rừng. Khu rừng hơn 300 ha của bản Sốp Phuôn được trồng bổ sung 5.000 cây mây như vậy. Và từ hai năm nay, khắp những cánh rừng mây của huyện Khăm Kợt, mây đã được trồng bổ sung để làm giàu cho rừng. Người dân Lào có thói quen ăn ngọn mây. Cây mây chưa kịp lớn đã bị bẻ ngọn, nếu không trồng thì lấy đâu ra sợi mây dài để cắt về làm đồ thủ công mỹ nghệ nữa. Nên ở đây có cả những vườn ươm mây chỉ để lấy ngọn bán. Còn mây ở trong rừng cấm thế này thì chắc chắn phải giữ rồi, nếu cắt sợi nào dưới 5m thì bị cán bộ bản phạt nặng lắm. Thế nên rất ít người dám vi phạm.

Vào tháng 8 vừa qua, Sốp Phuôn là một trong bốn bản đầu tiên trên thế giới được cấp chứng chỉ FSC cho cây mây. Ông Kham Phết, Phó trưởng bản khi kể lại quá trình hơn 5 năm phải lập quy trình để khai thác bền vững cây mây đã nói rằng, bản ông may mắn mà được cấp cái chứng chỉ ấy. Nhưng ai cũng biết ông khiêm tốn vậy thôi, chứ trong 13 bản cũng thực hiện theo quy trình xin cấp FSC ở Khăm Kợt này, mới chỉ có bốn bản được cấp, làm sao lại nhờ may mắn được? Mà cả thế giới rộng lớn này, mới chỉ Lào là có những khu rừng được cấp chứng chỉ cho cây mây thôi, ông Khăm Phết à.

Cây mây con được trồng bổ sung trong rừng Lào.

Khi người dân muốn là làm

Tôi chợt nhớ đến lời thề giữ rừng của người Pu Péo ở Hà Giang, người Pa Dí ở Mường Khương, người Mông ở Si Ma Cai... của Việt Nam. Rừng đối với những nơi sơn cùng thủy tận ấy linh thiêng như một vị thần. Người dân mang cả tín ngưỡng vào những lời thề cay độc để giữ rừng, cúng thần rừng với cả tấm lòng thành kính. Trong những cánh rừng thiêng ấy, thậm chí cả những cây gỗ mục người dân cũng không dám nhặt về làm củi vì sợ bị trừng phạt. Rừng ở những nơi đó đẹp đến hoang vu, nhưng rừng không mang lại lợi ích thiết thân nào cho người dân.

Nhưng còn những bản Lào tôi đến, đơn giản người dân giữ rừng chỉ vì rừng nuôi sống họ. Những thứ họ khai thác được từ rừng đã chiếm gần một nửa thu nhập. Rừng là miếng cơm, manh áo, thế nên họ phải giữ lấy phần rừng được Nhà nước giao cho mình một cách nghiêm cẩn nhất.

Ông Mayta kể, ngày trước, cánh rừng của bản Sốp Phuôn cũng bị người ta khai thác ghê lắm, không chỉ khai thác mây đâu, mà cả những cây gỗ quý cũng bị đốn hạ. Rừng của bản đã tan hoang nếu năm 2006 không có một nhóm chuyên gia của dự án Mây bền vững WWF đến đây khảo sát. «Họ hỏi chúng tôi có muốn bảo tồn khu rừng tự nhiên này không. Nếu muốn thì họ sẽ bày cách. Và dân bản đã đồng ý», ông Khăm Phết hồi tưởng lại chuyện cũ. Chỉ vài ba tuần sau đó, người dân cùng đoàn chuyên gia đi khảo sát trữ lượng mây trên khắp cánh rừng gần 350ha. Rồi họ tự giác ngồi lại với nhau nghĩ ra luật tục gồm tám quy định mà chúng tôi đã nhìn thấy ngay ở bìa rừng. Cái tấm biển cao lớn lừng lững ấy được dựng ở đó từ ngày 19-6-2007 đến giờ. Đến nay đã gần bốn năm Sốp Phuôn tuân thủ luật tục giữ rừng. Và cũng nhờ những tuân thủ nghiêm ngặt ấy, tháng 8 vừa qua, rừng của Sốp Phuôn đã «may mắn» được nhận chứng chỉ FSC như lời ông phó bản nói.

Phó trưởng bản Sốp Phuôn Khăm Phết.

Trong bốn năm ấy, chỉ có hai người dân dám phạm vào những luật tục. Rừng của Sốp Phuôn nằm ngay cạnh một bản làng tái định cư mới chuyển về, nhưng vì đã được làng Sốp Phuôn thông báo, nên cũng chỉ có một người không biết nên mới vào rừng cấm. Mỗi người vi phạm lần đầu bị phạt 500 nghìn kíp (tương đương 1,5 triệu đồng), nếu tái phạm bị phạt gấp đôi, nhưng chưa ai dám tái phạm bao giờ. Một nửa số tiền phạt ấy được trả cho những người làm công tác bảo vệ rừng, số còn lại cho vào quỹ chung. Hằng tháng, những kiểm lâm của bản còn được trả lương 400 nghìn kip/người/tháng.

Phải nói rằng để có được những khu rừng được cấp chứng chỉ FSC cho cây mây ấy, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền, cơ quan quản lý và Dự án Mây bền vững, thì dân bản mới là người quyết định tất cả. Chính họ đồng ý viết đơn trình lên Hội đồng quản lý rừng quốc tế để được cấp chứng chỉ. Cũng chính họ đã vất vả bốn năm qua bảo vệ rừng, trồng thêm mây để có được nguồn mây phong phú như bây giờ.

Sinh lợi từ rừng

Kể chuyện với chúng về cây mây trước khi được cấp chứng chỉ, người dân ở bốn bản của Lào và cả cán bộ nông lâm huyện Khăm Kợt thường nói về mức giá rẻ mạt của những sợi mây không rõ nguồn gốc. Rừng Lào vốn giàu mây, người dân vào rừng cắt bừa phứa rồi phơi khô, bán cả lô mây 12 cân chỉ khoảng 40.000kip, thời điểm giá cao nhất lên được 60.000kip. Có nơi nào mây tốt hơn, bán theo sợi thì được giá 5 sợi mây được 2.500kip, cao hơn thì lên được 800-900kip/sợi. Nhưng chưa bao giờ bán được với giá 1.200-1.500kip/sợi như mây có chứng chỉ. Nên dù người trực tiếp vào rừng cắt mây không được hưởng hết số tiền bán mây (được 1.000kip, số tiền còn lại được nộp vào quỹ của bản và đóng cho Nhà nước), nhưng số tiền mà họ cầm được vẫn cao hơn so với trước kia. Vì thế, dân bản ngày càng gắn bó với khu rừng sinh lợi cho mình hơn, bảo vệ nó tốt hơn.

Năm ngoái, bốn bản được cấp chứng chỉ FSC của Khăm Kợt được cấp phép khai thác 20.000 sợi mây trong tổng số hơn 64.000 sợi mây dài trên 5m đã khai thác tại Lào. Số sợi mây được phân chia về cho từng bản, rồi từng bản lại chia cho các nhóm tổ, và trưởng nhóm lại chia cho từng hộ gia đình trong tổ của mình. Họ không cắt mây ồ ạt như trước kia, mà tuân thủ gắt gao mọi hướng dẫn của người quản lý. Trong cả cụm mây có năm cây dài hơn 5m, người dân chỉ được cắt hai cây, không được tận diệt cả cụm. Họ cũng không được cắt những cây mây đã trổ hạt mà để lại để chúng tiếp tục sinh sôi nảy nở.

Bốn bản mây đạt chứng chỉ của Khăm Kợt đã tìm riêng cho mình những doanh nghiệp uy tín để thu mua mây cho họ. Sợi mây khi cắt về được phơi khô, sơ chế và cất vào kho chờ ngày doanh nghiệp đến thu mua. Từng bó mây 30 sợi buộc vào với nhau được người dân chuyển giao cho doanh nghiệp. Họ không chỉ bán sợi mây thô, các doanh nghiệp còn dạy nghề đan lát cho dân bản.

Số liệu của Phòng Nông lâm, huyện Khăm Kợt cho thấy, năm 2010 vừa qua, năm đầu tiên thử nghiệm khai thác mây và xuất khẩu hàng thủ công của bốn bản đã cấp chứng chỉ FSC, với 20.000 sợi mây, dân bản đã sản xuất được 2.600 bộ sản phẩm với tổng giá trị khoảng 340 triệu kip, tương đương hơn 900 triệu đồng. Trong đó, người dân khai thác mây được khoảng 100 triệu kip, còn người dân chế biến sản phẩm thủ công từ mây được khoảng 160 triệu kip, tạo nguồn thu đáng kể cho người dân sống cạnh rừng.

Tám điều trong luật tục quản lý rừng của bản Sốp Phuôn được dịch như sau:

1- Nghiêm cấm chặt gỗ và khai thác mây trong rừng bảo tồn

2- Nghiêm cấm săn thú rừng và các loài động vật sinh sống ở rừng bảo tồn.

3- Nghiêm cấm đốt rừng bảo tồn

4- Nghiêm cấm khai thác lâm sản trong rừng bảo tồn trước khi có thông báo của trưởng bản tổ chức nhóm khai thác lâm sản bền vững.

5- Cấm chăn thả gia súc vào rừng bảo tồn.

6- Cấm cắt luồng và làm đường qua khu vực bảo tồn.

7- Nghiêm cấm đào rễ cây gỗ và khai thác nhánh cây trong rừng bảo tồn.

8- Đối với người vi phạm các nội quy trên sẽ bị phạt 500.000 kip/người/lần, đồng thời giáo dục. Nếu tiếp tục vi phạm lần thứ hai sẽ bị phạt nhân lên gấp đôi.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/phong-s-k-s/k-s/bai-1-vao-r-ng-lao-xem-c-t-may-ch-ng-ch-1.321578