Bài 2: Đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn

Ngành năng lượng Việt Nam đã những bước phát triển vượt bậc trên nhiều mặt, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong lĩnh vực này.

Thiếu điện - nguy cơ hiện hữu

Năng lượng được đánh giá vừa là ngành sản xuất vừa là ngành kết cấu hạ tầng cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội, đồng thời là động lực cho quá trình phát triển của đất nước. Trong những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã những bước phát triển vượt bậc trên nhiều mặt, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân. Quy mô của các ngành điện, than, dầu khí đều được mở rộng, khả năng tự chủ của các ngành từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, cơ cấu nguồn và sự phát triển các nguồn điện còn nhiều điểm chưa thực sự cân đối, chưa sát với tình hình thực tế, chưa có sự tính toán hợp lý trong tổng thể phát triển của cả hệ thống. Điện từ năng lượng tái tạo tăng nhanh nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung, miền Nam, chưa đồng bộ với khả năng truyền tải và chưa có hệ thống dự phòng, lưu trữ dẫn đến tình trạng quá tải lưới truyền tải ở một số địa phương; việc huy động nhiều nguồn điện tái tạo với giá khá cao đã và đang làm tăng giá thành điện, gây khó khăn trong hoạt động điều độ, điều tiết hệ thống điện lực quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc với Chính phủ về giám sát năng lượng. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc với Chính phủ về giám sát năng lượng. Ảnh: Hồ Long

Ngoài ra, việc triển khai các dự án nguồn điện, lưới điện trong Quy hoạch điện VIII gồm cả các dự án được kế thừa, chuyển tiếp từ Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong đó có các dự án điện mặt trời, điện gió gây khó khăn về cơ sở hạ tầng, đầu tư, thị trường và quản lý, điển hình là tình trạng nghẽn lưới điện, dao động điện áp và tần số, cắt giảm nguồn điện. Các nguồn điện phát triển vì thế mới tập trung ở miền Nam và miền Trung, trong khi phụ tải đang phát triển nhanh ở miền Bắc, gây mất cân đối cung cầu điện giữa các vùng miền thời gian qua.

Sự tích tụ những tồn tại, hạn chế này trong thời gian dài đã dẫn đến tình trạng công suất khả dụng tới hạn, hệ thống điện quốc gia hết nguồn dự phòng, gây thiếu điện ở miền Bắc vào đầu tháng 6.2023. Và, theo các chuyên gia, nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2024 - 2025, cũng như trong trung và dài hạn là hiện hữu nếu không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: Hồ Long

Hạ tầng truyền tải điện còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải nhận thấy, hiện chưa có hoặc chậm ban hành các quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương khuyến khích, thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện nói riêng, cơ sở vật chất về năng lượng nói chung được Nghị quyết số 55 - NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra. Đại biểu Trần Văn Khải cũng cho rằng, điều này góp phần khiến hệ thống lưới truyền tải điện của quốc gia chậm hoàn thành, gây cản trở sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, chưa đạt tiêu chuẩn N1 nêu trong Nghị quyết số 18 - NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cơ chế dự trữ năng lượng mới đáp ứng nhu cầu ngắn hạn

Không chỉ đứng trước nguy cơ thiếu điện trong trước mắt và dài hạn, nhìn chung, việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức khi có 3/6 chỉ tiêu chủ yếu đánh giá bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Theo đó, tỷ số trữ lượng và sản xuất than, dầu, khí tự nhiên ngày càng giảm; sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu, khí tự nhiên và tỷ trọng chi phí nhập khẩu than, dầu, khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng.

Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu năng lượng sơ cấp năm 2020 đã tăng hơn 2 lần so với năm 2016, chứng tỏ khả năng tự chủ về nguồn năng lượng của nước ta đang giảm nhanh chóng. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài vì thế đã và đang tiếp tục tăng lên. Kịch bản phát triển thông thường trong Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định, tỷ lệ nhập khẩu năng lượng của nước ta từ 40% vào năm 2020 sẽ tăng lên khoảng 59% vào năm 2030, và có thể lên tới 70% vào năm 2050.

Trong khi nguy cơ phụ thuộc nguyên liệu tăng lên thì cơ chế dự phòng, dự trữ năng lượng, an ninh, an toàn năng lượng của nước ta hiện chỉ đáp ứng được nhu cầu ngắn hạn. Nguyên nhân do, trong ngành than, hiện vẫn chưa có hệ thống dự trữ than quốc gia, chủ yếu đang do các đơn vị sản xuất, kinh doanh hay đơn vị sử dụng thực hiện dự trữ cục bộ. Tương tự, khí thiên nhiên cũng chỉ có các hệ thống kho của hộ tiêu thụ và các kho kinh doanh thương mại, mới đáp ứng được nhu cầu ngắn hạn.

Các đại biểu dự cuộc làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự cuộc làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: Hồ Long

Đánh giá về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng, tính chủ động dự báo của cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà nước còn bị động, còn chậm trễ trong tham mưu các văn bản thể chế hóa chủ trương của Đảng về thu hút vốn phát triển hạ tầng năng lượng. Đơn cử với vấn đề dự trữ xăng dầu, cần sớm tách bạch dự trữ quốc gia với dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối, đầu tư hệ thống kho dự trữ xăng dầu của cả nước để chủ động mua vào trong lúc giá thị trường thấp, phòng bị cho lúc giá thị trường tăng cao, tránh gây rối loạn thị trường trong nước.

Để khắc phục những hạn chế về việc chậm thực hiện một số dự án hạ tầng, dự án nguồn hay kho cảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công thương đã trình Chính phủ thông qua 4 quy hoạch gồm năng lượng quốc gia, xăng dầu, khai thác chế biến khoáng sản, điện, giúp giải quyết căn bản những vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra.

“Chuyển mạnh các ngành điện, than, dầu khí sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước. Hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh giai đoạn sau năm 2022” là yêu cầu được xác định trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Nhưng, để triển khai được thị trường điện hiệu quả, thành công, một trong những yếu tố rất quan trọng là cần thực hiện công tác tái cơ cấu các khâu trong ngành điện một cách có hiệu quả.

Các chuyên gia cho rằng, dù đã tích cực thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường, huy động nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện. Chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội. Cơ chế mua bán điện trực tiếp đối với trường hợp đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện quốc gia hiện cũng gặp nhiều vướng mắc, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tại Luật Điện lực, Luật Giá, Luật Phí và lệ phí (về giá phân phối điện, hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch trong thị trường điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực…).

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung lưu ý, chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và bảo đảm lợi nhuận hợp lý. Công thức tính giá điện, xác định biến động của các thông số đầu vào lên giá điện chưa hoàn thiện. Cơ cấu biểu giá bán lẻ chưa phù hợp, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần như quy định các văn bản liên quan. Giá truyền tải quá thấp. Mặt khác, việc hình thành thị trường điện triển khai còn chậm so với mục tiêu đề ra, còn nhiều vướng mắc. Những hạn chế này đã khiến các nhà đầu tư không “mặn mà” tham gia đầu tư, thực hiện những dự án nguồn điện, cũng như dự án truyền tải điện mới, dù Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật đã mở rộng giới hạn đầu tư cho nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực truyền tải điện - vốn được Nhà nước đầu tư trong thời gian trước.

Cùng với những thách thức nội tại trong việc bảo đảm cung ứng năng lượng cho nền kinh tế nước ta, tại COP 26, Việt Nam đã đưa ra cam kết chính trị mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Cùng với đó, những yêu cầu mới phát sinh về chứng chỉ carbon của một số thị trường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, hay xanh hóa chuỗi cung ứng trong một số ngành nghề… đang đòi hỏi chúng ta phải tập trung cao hơn nữa để thực hiện chủ trương, định hướng được Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đưa ra.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bai-2-doi-mat-voi-nhieu-thach-thuc-kho-khan-i357501/