Bài 2: Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Tốc độ phát triển nhanh của Hà Nội đòi hỏi phải phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ để đáp ứng nhu cầu. Trong quá trình triển khai các dự án phục vụ mục tiêu này, việc phải di chuyển, thậm chí chặt hạ, kết hợp với việc trồng mới thay thế là khó tránh khỏi. Với mục tiêu trở thành "đô thị xanh", quan điểm của Hà Nội là nỗ lực tối đa trong gìn giữ, bảo tồn cây xanh hiện có, song song với việc phát triển trồng mới, trồng thay thế.

Sau một năm trồng mới, cây xanh trên đường Võ Chí Công đã tạo điểm nhấn cho không gian đô thị. Ảnh: Tiến Tuấn

Bảo tồn là hàng đầu

Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội luôn có hàng trăm dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Hầu hết các dự án đều có khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn, thậm chí kinh phí để giải tỏa còn lớn hơn rất nhiều so với kinh phí xây dựng. Nhưng đối với cây xanh, đều phải rất thận trọng. Thời gian vừa qua, các dự án như: Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, hầm chui nút giao Thanh Xuân, đường Vành đai 3, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội… đều phải tổ chức di dời các cây xanh nằm trong mặt bằng xây dựng. Quá trình này được tiến hành rất công phu: Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát, đánh giá, lên phương án với từng cây; sau đó tổ chức hội thảo, xin ý kiến tư vấn của các chuyên gia, nhà quản lý, các hội nghề nghiệp để tìm phương án tối ưu nhất, trên quan điểm ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di dời cây xanh đến vị trí khác phù hợp hoặc về vườn ươm chăm sóc, trồng lại trong công viên, trên đường phố; giữ lại cây nằm ngoài mặt bằng xây dựng, không vướng vào công trình; hạn chế thấp nhất việc chặt hạ cây.

Việc triển khai dự án đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội là ví dụ. Sau 8 tháng di dời hàng cây trên tuyến đường Kim Mã phục vụ cho dự án này, đến nay, hơn 100 cây được chăm sóc tại vườn ươm Đa Tốn (Gia Lâm), đã sinh trưởng tốt, đạt tỷ lệ sống 95%. Thành công này mở ra cách làm mới khi buộc phải di dời cây xanh để lấy mặt bằng cho những dự án phát triển.

Tương tự, với dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng (Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long), một trục giao thông huyết mạch, lưu lượng phương tiện dày đặc thuộc loại cao nhất thành phố; ngoài việc phải giải tỏa công trình nhà ở, công trình hạ tầng dọc tuyến thì trên tuyến đường này có số lượng cây xanh đáng kể. Và nguyên tắc "ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di dời cây xanh" cũng tiếp tục được đặt ra nghiêm ngặt tại đây.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, quan điểm nhất quán của thành phố trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trong trường hợp ảnh hưởng đến cây xanh khi triển khai dự án, phải tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu, với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí và trồng thay thế gấp nhiều lần số cây phải di chuyển, giải tỏa.

Dấu ấn những con đường xanh

Quan điểm bảo tồn, gìn giữ, trân trọng cây xanh còn được thể hiện nhất quán ở cả việc xử lý đối với những trường hợp ứng xử chưa phù hợp với cây xanh. Tháng 3-2017, khi gần 100 cây xanh tại xã Cẩm Yên bị chặt hạ vì sự cứng nhắc của chính quyền trong triển khai kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn giao thông, thành phố đã yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội lập đoàn kiểm tra; yêu cầu huyện Thạch Thất kiểm điểm tổ chức, cá nhân liên quan. Chưa đến một tháng sau, việc sửa sai đã được thực hiện: Xã Cẩm Yên phải trồng mới nhiều cây xanh trên tuyến đường liên thôn và tiếp tục trồng thêm cây xanh ở những vị trí phù hợp để tạo bóng mát cho các tuyến đường...

Đối với những tuyến phố được cải tạo hay xây dựng mới, Hà Nội đặc biệt chú trọng đến việc thiết kế, phát triển hệ thống cây xanh phù hợp với điều kiện, cảnh quan đặc thù, bảo đảm mỹ quan đô thị. Theo ông Lê Văn Dục cho biết, cây xanh trồng mới tại các dự án được thiết kế đa dạng về chủng loại; thành 3 - 4 tầng, vừa tạo bóng mát, vừa góp phần cải thiện môi trường không khí, giảm tiếng ồn, giảm chi phí duy trì; tạo nên các hệ thống cảnh quan đẹp, hiện đại, mang dấu ấn và nét đặc trưng cho Thủ đô.

Đó là con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp dài hơn 10km ngập sắc xanh, với hàng nghìn cây bằng lăng và dừa cảnh thẳng tắp, cao trên 3m. Đó là đường Võ Chí Công dài hơn 4km rực rỡ trong sắc phượng vĩ đỏ thắm mùa hè. Trên Đại lộ Thăng Long, 45 nghìn cây bóng mát, chủ yếu là cọ dầu được trồng đang kỳ vọng mang đến sự đổi thay thực sự, nối dài cánh rừng từ Ba Vì về Trung tâm Hội nghị quốc gia. Đường Phạm Văn Đồng, mặc dù còn đang cân nhắc tìm phương án tối ưu với 1.300 cây xanh hiện hữu, nhưng trong thiết kế mới, hệ thống cây xanh sẽ giống mô hình đã làm trên đường Võ Chí Công với 3 tầng cây: Tầng cây cao (có 1.547 cây), tầng cây bụi (4.649 cây), tầng thảm cỏ, cây thảm lá màu v.v…

Trong khu vực nội đô, diện mạo đô thị cũng thay đổi với những cây cao được cắt tỉa gọn, vừa bảo đảm thẩm mỹ, giảm nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão nhưng vẫn duy trì được bóng mát. Những tuyến phố như Lê Trọng Tấn, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn… khiến nhiều người ngỡ ngàng khi hàng phượng vĩ, bằng lăng… được trồng mới, trồng xen bắt đầu xòe tán, ra hoa…

TS Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam đóng góp thêm, Hà Nội đang thiếu cây xanh, vì vậy chỗ nào có thể trồng được thì nên làm ngay. Cùng với việc trồng cây trên các tuyến đường mới, Hà Nội nên cải tạo dần cây xanh trên tuyến phố cũ; chọn những bộ giống cây phù hợp với đô thị, trong đó yếu tố đầu tiên phải đáp ứng là bảo đảm an toàn, cho bóng mát và tạo cảnh quan đẹp. "Để làm được điều đó, Hà Nội nên phát động đầy đủ vai trò của người dân trong việc trồng và chăm sóc cây” - TS Nguyễn Lân Hùng chia sẻ.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng cho rằng, bảo tồn cây xanh là mong muốn của tất cả mọi người. Vì vậy, đối với thành phố phải làm sao giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và yêu cầu phát triển luôn là vấn đề khó. Việc thành phố chọn ưu tiên bảo tồn, di chuyển cây xanh, hạn chế chặt hạ khi triển khai các dự án xây dựng hạ tầng là cách làm đúng hướng và thực tế đã chứng minh hiệu quả.

(Còn nữa)

Trung Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/871565/bai-2-hai-hoa-giua-bao-ton-va-phat-trien