Bài 2: Khẩn trương ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

UBND tỉnh Ninh Thuận ra kế hoạch ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn; chỉ đạo các ngành, địa phương có giải pháp cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Chủ động ứng phó kịp thời

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng ký Văn bản số 1655/KH-UBND công bố kế hoạch "Ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn tỉnh".

Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết kế hoạch trên được Ninh Thuận ban hành với tinh thần "Không để thiếu nước sinh hoạt; không để thiếu đói; không để phát sinh dịch bệnh; tập trung quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước, bảo vệ đàn gia súc", các giải pháp chủ yếu đưa ra nhằm đảm bảo an ninh lương thực sản xuất vụ Hè Thu năm 2024 và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận.

Tỉnh sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến về diễn biến tình hình hạn hán, khó khăn về nguồn nước sinh hoạt để nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác ứng phó, đặc biệt là sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tối đa nguồn nước và chia sẻ nguồn nước trong sinh hoạt.

Theo ông Trương Khắc Trí, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng; nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Không gieo trồng ở những khu vực không chủ động nước tưới; tăng cường trữ nước; áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm tăng hiệu quả trong sản xuất.

Đối với một số địa phương không sản xuất do hạn kéo dài, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phối hợp cơ quan hữu quan có phương án hỗ trợ đói giáp hạt cho người dân trong vùng hạn hán.

"Đối với trường hợp hạn hán kéo dài thêm 1-2 tháng tới, một số địa phương thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là một số khu vực có nguy cơ thiếu nước cao, tỉnh đã có những phương án, giải pháp, tuyệt đối không để người dân nào trên địa bàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt", ông Trương Khắc Trí cho hay. Đặc biệt, chú trọng thực hiện đấu nối các công trình cấp nước tập trung để hỗ trợ nước thô, nước sạch, ưu tiên nguồn nước thô cấp nước cho sinh hoạt; chủ động phương án bơm nước để cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân khi cần thiết.

Hệ thống thủy lợi đang được xây dựng tại Ninh Thuận.

Đồng thời, chủ động xây dựng phương án chở nước phục vụ kịp thời cho người dân tại các vùng có nguy cơ thiếu nước cao. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, lực lượng chức năng và doanh nghiệp chuẩn bị trang thiết bị, xe bồn vận chuyển nước sinh hoạt đến những vùng thiếu nước.

Cần giải pháp hiệu quả và bền vững

Toàn tỉnh Ninh Thuận đến nay có 23 hồ chứa với tổng dung tích hồ 417,70 triệu m3, hơn 40 hệ thống cấp nước sinh hoạt,... Thực tế, ngay từ những tháng đầu năm, chính quyền tỉnh đã căn cứ vào thông tin dự báo, cảnh báo, chủ động triển khai các nhiệm vụ ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Hồ chứa nước Sông Trâu (huyện Thuận Bắc) hiện đã tiệm cận mực nước chết.

Những tháng qua, UBND tỉnh Ninh Thuận có nhiều văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban ngành, địa phương, các đơn vị liên quan chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Tuy nhiên, nắng nóng có nguy cơ kéo dài, nếu trong 6 tháng đầu năm không có mưa, dự báo một số khu vực ở Ninh Thuận không thể sản xuất vụ Hè Thu 2024.

Một số khu vực ở Ninh Thuận được dự báo không thể sản xuất vụ Hè Thu 2024.

Ông Trương Khắc Trí thông tin, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm; tiếp tục nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả; tạm dừng gieo trồng ở khu vực không chủ động nước tưới; tăng cường trữ nước; áp dụng các giải pháp tiên tiến, tiết kiệm trong sản xuất.

"Đối với hồ nước chết, tỉnh kiên quyết tạm ngưng sản xuất và có chính sách hỗ trợ ổn định đời sống bà con tại khu vực này. Trong kế hoạch ứng phó, tỉnh đã tính hết các phương án có khả năng xảy ra", ông Trí nói.

Đồng thời cho biết thêm, tỉnh đã lên 2 phương án: Một là, nếu tiếp tục khô hạn thì sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất cho diện tích 23.460,5 ha, dừng sản xuất gần 7.600 ha. Hai là, nếu có mưa trong tháng 5, dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt trên 50% dung tích thiết kế thì nâng diện tích sản xuất lên 29.265 ha, chỉ dừng sản xuất gần 1.800 ha.

Đất sản xuất bỏ trống ở xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải) vì thiếu nước tưới. Tại huyện Ninh Hải có 3 hồ thủy lợi lớn, tổng dung tích khoảng 5 triệu m3, nhưng đến nay cả 3 hồ vơi còn khoảng 2 triệu m3. Trong đó, hồ Ông Kinh có dung tích 0,83 triệu m3 nay đã cạn kiệt.

"Ngay trong vụ Hè Thu năm 2024, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi gần 600 ha, gồm cây trồng trên đất lúa và cây khác sang 456,3 ha cây ngắn ngày và 141,4 ha cây dài ngày", ông Trí thông tin. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc chuyển đổi cây trồng giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới, giảm từ 25-30% so với trồng lúa, hạn chế việc khai thác nước ngầm, lượng nước để sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt, nước uống cho gia súc và dự trữ, điều tiết cho sản xuất các vụ tiếp theo.

Gia súc ở Ninh Thuận bị đe dọa do thiếu nước trong nắng hạn kéo dài.

UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, với mục tiêu cao nhất là Không để người dân thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt; không để đàn gia súc, gia cầm thiếu nước uống và phát sinh dịch bệnh; quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước theo hướng ổn định, bền vững”, tỉnh đang chủ động triển khai giải pháp điều tiết nước ở các sông, suối, hồ, đập; tiến hành nạo vét, khơi thông kênh mương, trạm bơm để bảo đảm nguồn nước sản xuất và dân sinh; rà soát, đánh giá khả năng lấy nước các công trình thủy lợi, nhất là dọc các tuyến sông xảy ra tình trạng hạ thấp mực nước và gia tăng xâm nhập mặn để chủ động triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp...

Bài cuối: Điểm sáng từ mô hình sản xuất hiệu quả với nắng nóng

Đức Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-2-khan-truong-ung-pho-han-han-xam-nhap-man-315408.html