Bài 2: Loại trừ yếu tố “thôi miên”

(ANTĐ) - Thôi miên là năng lực đặc biệt mà chỉ một số người có thể làm được, với điều kiện có sự hợp tác của người muốn được thôi miên. Còn gây mê bằng khăn tay hay vật dụng gì đó để tác dụng đến đường hô hấp của bị hại, điều này chỉ thực hiện được trong phòng kín chứ không thể làm ở nơi công cộng. Một cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự CATP Hà Nội khẳng định.

Quãng 1 năm trước, người viết bài này đã được chứng kiến, ghi lại quá trình Công an Hà Nội làm sáng tỏ 1 vụ việc trình báo bị gây mê, cướp tài sản xảy ra tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ. Chiều muộn hôm ấy, có hai thanh niên, một người đang trong trạng thái đờ đẫn, tìm đến CAP Tứ Liên trình báo về việc bị cướp tài sản. Thanh niên đó tên là Phạm Văn Hưng, SN 1980, quê Khoái Châu, Hưng Yên. Theo tường trình của anh Hưng, trong khi đang đứng chờ khách đi “xe ôm” ở dốc Hàng Than, có một thanh niên đến thuê chở vào khu vực Phúc Xá. Trên đường đi, vị khách nhờ anh Hưng chở đi mua heroin. Tiếp đó, khách hướng dẫn anh Hưng vòng ra khu An Dương mua 2 ống kim tiêm và 2 lọ nước cất. Điểm đến cuối cùng của cuộc hành trình là bãi ngô thuộc địa phận phường Tứ Liên. “Đến nơi, hắn bảo tôi dừng xe đợi để anh ta vào bãi ngô sử dụng ma túy. Trước khi đi, anh ta mời tôi một điếu thuốc lá. Hút xong điếu thuốc, cứ thế tôi lịm dần đi. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm ở bãi ngô, chiếc xe máy không còn. Toàn bộ số tiền 430.000 đồng và giấy tờ tùy thân cũng không cánh mà bay”, anh Hưng kể lại. Ngay sau khi tiếp nhận đơn trình báo của anh Hưng, CAP Tứ Liên và đội nghiêp vụ CAQ Tây Hồ tới vào kiểm tra hiện trường. Khu vực bãi ngô vốn vắng người qua lại nên dấu vết không hề bị xáo trộn. Tại hiện trường, các trinh sát tìm thấy 2 chiếc kim tiêm đã qua sử dụng, song không thấy đầu mẩu thuốc lá mà anh Hưng đã hút. Bên cạnh đó, một chi tiết khiến cơ quan công an nghi ngờ, nếu là người bình thường, khi biết khách nghiện đã không dám chở đi. Vậy nhưng anh Hưng không những nhận lời chở khách đi mua heroin mà còn đứng đợi. Kết quả thử nước tiểu của bị hại Phạm Văn Hưng sau đó cho thấy, anh ta có sử dụng ma túy. Đến lúc này, Hưng phải thú nhận diễn biến sự việc. Sau khi chở khách vào khu vực bãi ngô, Hưng được khách “mời” dùng thử một liều. Hưng nhận lời, sau đó cùng khách nằm vật ra bãi ngô vì “phê” thuốc. Nửa tiếng sau, khách tỉnh dậy trước. Anh ta lay Hưng nhưng thấy người lái “xe ôm” vẫn mê man, nên đã lục soát, lấy đi giấy tờ và chiếc xe máy. Vì sợ bị truy hỏi liên quan đến ma túy nên Hưng đã nghĩ ra cách trình báo bị gây mê, cướp tài sản. “Lâu nay, chúng tôi cũng chỉ nghe dư luận đồn thổi về việc có người bị thôi miên, gây mê lấy mất tài sản, nhưng thực tế chưa gặp một trường hợp nào như vậy”, chỉ huy Đội Hóa-Sinh, Phòng Kỹ thuật hình sự - CATP Hà Nội khẳng định. Đội Hóa-Sinh là đơn vị chuyên thụ lý các vụ án có tính chất về hóa học, gây mê. Theo phân tích của một giám định viên cao cấp, về nguyên lý, việc “đánh” thuốc mê - thuốc ngủ chỉ có thể thực hiện nếu đối tượng hòa vào nước, bia để lừa nạn nhân uống, điều này đòi hỏi quá trình tiếp xúc lâu dài. Dạng đối tượng này thường đi theo nhóm, trước khi gây án chúng bàn bạc rất kỹ. Ngoài thủ đoạn hòa thuốc ngủ vào nước uống, đối tượng cũng có thể gây án bằng cách tẩm ê-te hay a-mô-ni-ắc, vào khăn tay, bất ngờ ụp vào mặt nạn nhân. Việc bất ngờ bị tấn công như thế khiến nạn nhân ngạt thở, gây ra sốc phản vệ hay còn gọi là “ngất ngắn”, thừa cơ hội đó đối tượng lấy đi tài sản. Tuy nhiên, phương thức này chỉ có thể tiến hành ở chỗ vắng người. Và thủ đoạn này đòi hỏi đối tượng phải “cao tay”, nếu không, chính chúng sẽ bị tác động ngược bởi các loại hóa chất đó. Vẫn theo giám định viên này, “cơ chế” gây mê không thể thực hiện chỉ bằng cái vẫy tay hay huơ chiếc khăn qua mặt bị hại của đối tượng. Giả thiết thứ hai là năng lực thôi miên. Cho đến giờ, ngay cả trong thời khoa học cũng phải thừa nhận thôi miên là một hiện tượng bí ẩn. Và hiện tượng này chỉ thực hiện được ở một thiểu số người. Để có thể làm cho một người bị thôi miên, trước tiên người đó phải đồng ý. Trong bối cảnh không gian yên tĩnh, người thôi miên có thể nhắc đi nhắc lại nhiều lần bên tai người bị thôi miên rằng anh ta đang mệt và buồn ngủ đến díp mắt lại, anh ta không còn quan tâm gì tới thế giới xung quanh nữa và đang chìm vào giấc ngủ, nơi mà một thế giới vô thức sẽ mở ra trước mắt mình. Những người bị thôi miên sau đó rơi vào trạng thái khác thường, làm được những điều mà bình thường không bao giờ thực hiện được, hay những hành vi không kiểm soát được. Đối chiếu với những thông tin này, rõ ràng, loại tội phạm thôi miên để trộm cắp, cướp tài sản trên xe buýt hay ở chỗ đông người là không thể tồn tại. Mọi câu chuyện liên quan đến “gây mê”, “thôi miên”, rốt cuộc bắt nguồn từ sự mất cảnh giác và đồn thổi vô căn cứ của người dân.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=70654&channelid=80