Bài 2: Lực lượng chủ lực trong vận tải công cộng

Tại TPHCM, cùng với thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải được xem là một trong 2 lĩnh vực của kinh tế tập thể (KTTT) có sức sống mãnh liệt, vươn lên mạnh mẽ những năm gần đây. Các hợp tác xã (HTX) vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá chiếm gần 75% thị phần sản lượng và đầu phương tiện toàn TP.

Hành khách đi xe buýt HTX Vận tải 19-5 Ảnh: THÀNH TRÍ

Những điển hình tiên tiến, hiện đại

Theo nhận định của Liên minh HTX TPHCM, năm 2016 không có HTX làm ăn thua lỗ trong lĩnh vực giao thông vận tải. Nguyên nhân chính là các HTX đã tận dụng khá tốt các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể (KTTT) của cả nước nói chung, tại TPHCM nói riêng. Nhiều HTX, liên hiệp HTX vận tải như 19-5, HTX Vận tải số 9, HTX Vận tải số 15… đã có sự đầu tư bài bản, trở thành cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực vận tải công cộng, vận tải hàng hóa tại TPHCM.

HTX Vận tải 19-5 là đơn vị tiếp nhận hoạt động nhiều tuyến của các HTX Tấn Hiệp, HTX Củ Chi, HTX Vận tải số 22 và HTX Vận tải số 16 sau khi tái cấu trúc. Cuối năm 2012, HTX đã thành lập Công ty TNHH MTV Vận tải 19-5 để quản lý tập trung một số phương tiện trên một số tuyến, trên cơ sở thay mặt thành viên quản lý, điều động, bảo dưỡng phương tiện, phân bổ lợi nhuận cho thành viên, tuyển dụng, trả lương… Theo Ban giám đốc HTX, việc thử nghiệm hình thành một công ty quản lý tập trung trực thuộc HTX có thể là bước thăm dò để chuyển dần hoạt động của HTX sang mô hình quản lý tập trung. Nhờ cách làm này, doanh thu của HTX đã đạt mức 21 tỷ đồng trong năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 1,5 tỷ đồng.

Được thành lập vào những năm 1980, HTX số 15 chủ yếu vận chuyển hành khách bằng xe lambro ba bánh. Thời điểm đó, ngoài số xe cũ, thô sơ, thì việc lo đủ nhiên liệu, phụ tùng thay thế để các xe này hoạt động liên tục cũng rất khó khăn, nên có giai đoạn việc vận chuyển hành khách chỉ hoạt động cầm chừng và các tuyến vận tải cũng chủ yếu từ ngoại ô Thủ Đức vào trung tâm TP. Từ năm 2003, đặc biệt là khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012, HTX Vận tải số 15 đã có sự bứt phá. HTX đang quản lý 130 phương tiện, trong đó có 90 xe buýt, 23 xe chạy hợp đồng và 17 xe đưa đón học sinh. HTX đã đầu tư 36 tỷ đồng mua 28 xe mới gắn máy lạnh, camera giám sát hành trình, thiết bị định vị… để thay thế các xe cũ đã xuống cấp; khai trương các tuyến xe buýt mới; tiếp tục đầu tư một số xe chạy nhiên liệu sạch, sử dụng khí CNG để bảo vệ môi trường. Nhờ liên tục đổi mới phương tiện, cung cách phục vụ, HTX đã thu hút hàng triệu lượt hành khách đi xe và doanh thu tăng khá. Chỉ riêng 4 tuyến xe buýt có trợ giá, tính đến tháng 9-2016, HTX đã vận chuyển được hơn 9 triệu lượt hành khách, doanh thu đạt 13,6 tỷ đồng, nộp thuế gần 800 triệu đồng.

Tương tự, HTX Vận tải số 9 là đơn vị vận tải có thương hiệu, có nhiều chi nhánh, nhiều trạm khai thác hàng hóa, có đội xe chủ lực, các nhóm xe. Đây cũng là HTX đầu tư cho cơ sở vật chất khá tốt. Bên cạnh 8.000m2 đất thuê, HTX đã mua thêm được 4.000m2 để lập cơ sở điều hành vận tải và cung cấp các dịch vụ như bãi đậu xe, cây xăng, xưởng sửa chữa, mua bán phụ tùng vật tư ô tô, có chính sách hỗ trợ như trả chậm, nhận xe của thành viên để quản lý, điều hành. Khi Nhà nước cấm nhập ô tô đã qua sử dụng, nguồn cung xe khan hiếm, HTX đã mở công ty TNHH MTV cung ứng dịch vụ mua bán xe để kịp thời tăng thêm doanh thu cho HTX, đồng thời lập công ty cổ phần để mở rộng hoạt động kinh doanh của HTX…

Tiếp tục tạo điều kiện cho HTX vận tải phát triển

Theo tính toán, các HTX tại TPHCM kinh doanh trên các tuyến cố định liên tỉnh đường dài chiếm hơn 75% số lượng đầu phương tiện; riêng các HTX vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá chiếm gần 75% thị phần sản lượng và đầu phương tiện toàn TP. Để tiếp sức cho các HTX, năm 2014, UBND TPHCM ban hành Quyết định 2545 phê duyệt đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014 - 2017 nhằm thay mới 1.680 xe buýt. Với cơ chế Nhà nước hỗ trợ lãi vay tối đa cho 70% chi phí đầu tư phương tiện mà nhà đầu tư vay tại các tổ chức theo quyết định nêu trên, đã tạo cơ hội cho các HTX đầu tư thay thế xe buýt mới, đáp ứng tiêu chuẩn của ngành.

Bên cạnh thuận lợi, các HTX vẫn gặp những khó khăn, như chỗ đỗ xe ngày càng chật. Việc xã viên bỏ 30% vốn mua xe nhưng không được đứng tên chủ xe cũng làm giảm sự thu hút nguồn lực tài chính để phát triển HTX. Trong hoạt động kinh doanh, nhiều HTX còn thụ động, chưa nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để tiếp cận thị trường do trình độ, năng lực điều hành của ban giám đốc các HTX còn hạn chế.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, TPHCM tiếp tục kiện toàn, củng cố và tái cấu trúc các HTX vận tải, tập trung chủ yếu vào các HTX vận tải xe buýt, vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định và taxi, nhằm tăng quy mô, năng lực cạnh tranh và quản lý điều hành hoạt động. Theo đó, TP cũng tạo điều kiện cho các HTX vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được ưu tiên về bến bãi, đáp ứng nhu cầu phát triển về số lượng phương tiện đến năm 2020.

THÚY HẢI- KIM CHUNG

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/bai-2-luc-luong-chu-luc-trong-van-tai-cong-cong-443738.html