Bài 2: Nông dân vẫn… 'tự bơi'

Việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn là tất yếu để xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm vẫn là một câu chuyện dài vì nông dân và doanh nghiệp (DN) chưa tìm được tiếng nói chung. Hầu hết sản phẩm nông nghiệp ở các vùng sản xuất tập trung thường tiêu thụ qua trung gian, thiếu thông tin thị trường nên nông dân bị thương lái ép giá.

Đánh vật với thị trường

Theo Phó phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, hiện nay Ứng Hòa đã hình thành 3 vùng sản xuất nông nghiệp chính: Vùng lúa chất lượng cao ở khu Cháy, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các xã Trung Tú, Phương Tú; vùng rau màu và cây ăn quả ở ven Sông Đáy. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp nói chung đều rất khó, nông dân vẫn "tự bơi" trong xu thế vận động của nền kinh tế thị trường. Mặc dù huyện đã có chính sách hỗ trợ về giống, vật tư nông nghiệp để giảm giá thành đầu vào, song do chưa liên kết được DN bao tiêu sản phẩm nên người dân vẫn tự tiêu thụ hoặc phụ thuộc vào thương lái.

Ông Ngô Văn Mạng - Chủ tịch UBND xã Trung Tú cho biết, xã đã chuyển đổi 280ha đất ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản tập trung nhưng nông dân vẫn mang cá ra các chợ đầu mối để tiêu thụ, nên giá cả bấp bênh. Có những năm, chi phí đầu vào tăng cao cộng với nguồn nước ô nhiễm, giá cá rẻ, thậm chí có hộ mất trắng, thậm chí càng nuôi nhiều càng lỗ. Theo anh Ngô Văn Khá, hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Trung Tú, với diện tích 4-5ha, mỗi năm thu hoạch hàng trăm tấn cá, nhưng năm nào trang trại cũng phải "vật lộn" với khâu tiêu thụ. Chưa có DN nào về bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng nông dân vẫn nuôi và chủ động bán theo từng thời điểm theo kiểu "năm ăn năm thua". Từ năm 2005, huyện Hoài Đức đã quy hoạch rõ 3 vùng sản xuất trong đó khuyến khích khu vực ven Sông Đáy phát triển mạnh rau màu và cây ăn quả. Giai đoạn 2005-2010 nông dân ở đây rầm rộ phát triển các mô hình cam Canh, bưởi Diễn. Khi dự báo thị trường có thể ồ ạt 2 sản phẩm này thì nông dân đã mạnh dạn chuyển sang nhãn chín muộn, phật thủ và các giống bưởi đường bản địa như bưởi đường Quế Dương, bưởi đường La Tinh. Nhìn chung các loại cây ăn quả trên địa bàn huyện tiêu thụ thuận lợi nhưng đều do nông dân tự tìm đầu ra. Còn đối với vùng sản xuất rau an toàn, huyện vẫn "đánh vật" với sự lên xuống thị trường.

Thiếu sự chia sẻ lợi ích

Theo ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, việc ký kết hợp đồng tiêu thụ với DN không khó nhưng cái khó là tuân thủ hợp đồng. Nông dân và DN chưa có sự chia sẻ lợi ích, khi giá lên cao, nhiều nông dân vì lợi nhuận bán sản phẩm ra ngoài để kiếm chênh lệch, khi giá xuống thấp quay trở lại bán cho DN. Do đó, DN không mua của các hộ phá vỡ hợp đồng, khiến sản phẩm khó tiêu thụ, rút cuộc nông dân "giá nào cũng bán", lợi nhuận không cao, thiếu tính bền vững.

Còn theo ông Nguyễn Văn Bưởi - hộ chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì, việc liên kết giữa nông dân và DN còn lỏng lẻo, nhiều hộ dân vì lợi ích trước mắt nên phá hợp đồng, nhưng cũng có lúc DN nợ tiền mua hàng của người dân khá lâu, trong khi đó giá bán trên thị trường đang giảm, để không bị đổ sữa nên nông dân vẫn chấp nhận bán cho doanh nghiệp.

Hà Nội là thị trường lớn, đông dân cư, nguồn cung các loại nông sản hiện rất lớn bởi sản xuất nông nghiệp mới chỉ đáp ứng được từ 40 đến 50% nhu cầu. Tuy nhiên do thiếu quy hoạch, nông dân "xé rào" sản xuất tràn lan theo tâm lý đám đông dẫn tới được mùa rớt giá, hoặc nông sản ứ đọng, đổ đống bỏ đi. Theo ông Nguyễn Thành Lưu - Tổng Giám đốc Sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội, thực tiễn giao dịch trên thị trường cho thấy, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội kể cả ở những vùng tập trung đều khó khăn ở khâu tiêu thụ. Hiện nay, quan điểm "hỗ trợ chi phí để phát triển sản xuất" vẫn tồn tại phổ biến, trong khi quan điểm "tạo thị trường để kéo sản xuất phát triển" chưa được quan tâm đúng mức. Theo dõi các hoạt động hỗ trợ nông dân vừa qua của ngành nông nghiệp Hà Nội có thể thấy một lượng lớn nhân lực, vật lực, ngân sách được chi cho các hoạt động hỗ trợ sản xuất như tập huấn, hỗ trợ giống, vật tư, vốn vay... Đây là tư duy cũ, hỗ trợ chi phí đầu vào với kỳ vọng là nông dân sẽ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nếu không có thị trường tiêu thụ thì hỗ trợ sản xuất dù nhiều đến mấy cũng không mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Chính sách thu hút đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp chưa đủ mạnh, trong khi đó đầu tư vào nông nghiệp vốn lớn, rủi ro cao khiến cho DN không mặn mà.

Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội:
Từ sản xuất tới tiêu thụ còn lỏng lẻo

Đối với việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung mới chỉ là bước đầu. Nông dân có thể sản xuất tốt nhưng ai là người đứng ra sơ chế, bảo quản, đưa sản phẩm đó tới tay người tiêu dùng, DN, HTX không thôi chưa đủ. Thực tế cho thấy, nhiều vùng nông sản, thực phẩm của TP Hà Nội mới chỉ có "tiếng" nhưng chưa có "miếng". Chẳng hạn như vùng sản xuất gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn, mặc dù sản xuất nông dân đáp ứng yêu cầu nhưng đến khâu giết mổ lại không bảo đảm. Vừa qua, Trung tâm đã đưa các DN đi ký kết hợp đồng với nông dân, nhưng không thực hiện được vì DN yêu cầu các khâu phải bảo đảm quy trình khép kín hiện đại bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì trên địa bàn huyện Ba Vì, Sóc Sơn và các vùng phụ cận vẫn thiếu các cơ sở giết mổ tập trung.

Bài 1: Có chính sách, nhưng khó triển khai

(HNM) - Những năm gần đây, nông nghiệp Thủ đô đã có nhiều khởi sắc, nhưng về cơ bản chưa có sự thay đổi về chất, tăng trưởng chưa bền vững, khả năng cạnh tranh thấp, quan hệ sản xuất trong nông nghiệp chậm đổi mới...

Ngọc Quỳnh - Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/826474/bai-2-nong-dan-van%E2%80%A6-tu-boi