Bài 2: Thiếu ý thức về An toàn lao động- Tại anh, tại ả

(VOV) - Bên cạnh việc người lao động thiếu ý thức và hiểu biết về an toàn lao động, việc chủ đầu tư thúc ép về tiến độ và trang bị không đủ thiết bị an toàn là nguyên nhân gây ra những tai nạn đáng tiếc

>> Điều kiện tuyển dụng quá dễ dàng Một thực tế, những vụ tai nạn chết người xảy ra tại các công trình xây dựng, đặc biệt là ở Tổ hợp Công trình xây dựng Keangnam vừa qua, chủ yếu là những lao động tự do, có trình độ nhận biết về những quy định an toàn trong lao động rất yếu. Đối với những lao động này, cứ miễn kiếm được tiền là họ vào làm ngay, không cần quan tâm đến an toàn lao động, hay những vật dụng bảo hiểm, trợ giúp trong quá trình lao động. Bên cạnh đó, việc thúc ép về tiến độ và đầu tư trang thiết bị an toàn không đảm bảo của chủ đầu tư cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động. Trở lại với vụ tai nạn mới nhất tại tòa nhà Keangnam ở Hà Nội do công ty TNHH 1 thành viên Keangnam làm chủ đầu tư. Sau khi vụ việc xảy ra, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường nơi anh Vũ Tiến Lâm (SN 1985) - cán bộ kỹ thuật, đã tử vong vào ngày 23/2. Qua điều tra ban đầu, thượng tá Nguyễn Văn Mây- Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Công an huyện Từ Liêm- Hà nội cho biết nguyên nhân của vụ tai nạn này: “Anh Lâm không đeo dây bảo hiểm, mà quy định khi làm trên 2m phải đeo dây bảo hiểm. Trong khi đó, anh ta lại là cán bộ giám sát thi công, cán bộ giám sát an toàn lao động của nhà thầu chính. Anh ta có quyền đi kiểm tra toàn bộ, tất cả tòa nhà, trèo bất cứ chỗ nào để kiểm tra”. Coi thường các điều kiện an toàn lao động là tình trạng chung của những người lao động giản đơn. Phần lớn trong số này đã không chấp hành các quy định về an toàn đặt ra, bảo hộ cá nhân được trang bị nhưng không thực hiện. Mặc dù làm việc ở độ cao nhưng họ không chấp hành việc sử dụng dây an toàn đúng quy định dẫn đến sơ suất ngã, trượt chân rơi tự do từ độ cao của công trình. Anh Hoàng Văn Hà, một công nhân tại công trường Keangnam, trên đường Phạm Hùng cho biết: “Vào đây cũng được huấn luyện an toàn, huấn luyện buộc dây đeo cho đỡ ngã, buộc quai nón quai mũ. Nhưng nhiều người cũng liều, không cẩn thận, không kỹ. Ví dụ như làm trên mặt bằng thì không đeo dây an toàn mà chỉ đeo khi làm ở rìa rìa”. Bên cạnh ý thức kém của công nhân, lao động tự do còn có một phần lỗi của các chủ công trình, thầu xây dựng. Những chủ đầu tư không chú trọng khâu giám sát, thường quá tập trung vào tiến độ sản xuất nên thường thúc ép thợ của mình làm hết năng suất, kể cả vào những thời điểm nghỉ trưa hay là những ca đêm. Anh Trần Hải Hòa, quê ở Nghệ An, đang làm tại công trình Metro trên đường Trần Duy Hưng cho biết: “Công ty giao bắt buộc bọn em làm sàn 7 ngày phải xong để ngày thứ 8 đổ bê tông. Nếu hoàn thành sàn chậm, không đổ được bê tông thì bên công ty họ phạt”. Để xảy ra tai nạn tại các công trình cao tầng còn có trách nhiệm của Ban An toàn lao động. Theo quy định của Bộ Xây dựng, các công trình lớn đều phải có Ban An toàn lao động nhằm kiểm tra, nhắc nhở công nhân tuân thủ các điều kiện về an toàn lao động và kiểm tra các máy móc trước khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, tại nhiều công trường, ban an toàn lao động dường như chỉ lập ra mang tính hình thức. Ông Đỗ Quốc Trí – Cán bộ Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân cho biết: để giảm được tai nạn lao động trong công trường, bên cạnh việc nâng cao ý thức của người lao động thì Ban Quản lý an toàn lao động phải giám sát chặt chẽ quyết liệt: “Ban An toàn lao động và cán bộ chuyên trách an toàn lao động trên công trường cũng chưa thực sự theo dõi và đôn đốc liên tục. Các cơ quan chức năng cần thiết phải có những quyết định, có biện pháp cụ thể để người lao động thấy được công tác an toàn lao động là rất cần thiết, cực kỳ quan trọng. Có như vậy, ý thức của người lao động mới được nâng lên”. Như vậy, để hạn chế những tai nạn đáng tiếc, cần có ý thức, trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như người lao động. Thêm vào đó, chính quyền và cơ quan chức năng cũng cần sâu sát hơn nữa, kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với những công trình xây dựng vi phạm về an toàn, bảo hộ lao động. /. Bài 3: Sẽ có thêm nhà nhiều tầng, lấy đâu ra nhân lực? Nhóm PV

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/bai-2-thieu-y-thuc-ve-an-toan-lao-dong-tai-anh-tai-a/20103/136567.vov