Bài 2: Từ giải pháp đến thay đổi thực tiễn

111 nhiệm vụ, 8 nhóm vấn đề lớn đã thay đổi như thế nào từ những chương trình hành động quyết liệt của Bộ Công Thương? Thực tiễn luôn là tiêu chuẩn, là thước đo chân lý. Sẽ còn cần nhiều thời gian để chủ trương, giải pháp ăn sâu bám rễ vào cuộc sống nhưng đã có rất nhiều lĩnh vực thay đổi mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.

Kinh doanh đa cấp - không còn nhức nhối

Chưa đầy một năm trước, quản lý kinh doanh đa cấp gây nhiều bức xúc trong dư luận. Báo Quân đội nhân dân cũng từng có vệt bài điều tra, phản ánh kiểu xử lý “đuổi ruồi” và lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã có buổi đối thoại, giải thích nhiều vấn đề báo nêu. Tại phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội trước, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng thêm một lần giải trình về việc “siết chặt” quản lý kinh doanh đa cấp. "Đây là lĩnh vực được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đề cập nhiều, Bộ Công Thương xác định phải quyết tâm tạo sự chuyển biến rõ nét, lập lại trật tự, bảo vệ quyền lợi của người dân"-Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Làm việc với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), chúng tôi được biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và trực tiếp tổ chức triển khai nhiều giải pháp để kiểm tra, phát hiện, xử lý các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp không tuân thủ pháp luật.

Hệ thống cảnh báo lũ trên sông góp phần bảo đảm an toàn hồ, đập. Ảnh: QUÝ DŨNG

Nếu như cuối năm 2015, đầu năm 2016 có 67 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thì đến cuối năm 2016, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm còn 40 doanh nghiệp. Trong số này, 15 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 10 doanh nghiệp chủ động chấm dứt hoạt động và 2 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Trong 4 tháng đầu năm 2017, tiếp tục giảm thêm 4 doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Hiện còn hoạt động 36 doanh nghiệp, giảm 46% so với cuối năm 2015.

Tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đến nay còn khoảng 472.000 người, giảm 44% so với cuối năm 2015.

Bộ Công Thương cũng tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp. Bộ đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp với các điểm mới cơ bản, như: Minh bạch hóa tối đa hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp; hoàn thiện cơ chế quản lý của các cơ quan ở Trung ương và địa phương... Hiện nay, dự thảo đang được Chính phủ xem xét để thông qua. Bộ đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo và đề xuất bổ sung một điều khoản trong Bộ luật Hình sự để ngăn chặn và hạn chế các hoạt động đa cấp bất chính. Việc này, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, Bộ Công Thương đang làm việc tích cực với các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo.

Bảo đảm an toàn môi trường - định hướng chủ động

Với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, trước hiện trạng đang có nhiều rủi ro từ nền sản xuất với hệ thống công nghệ, thiết bị được đầu tư qua nhiều thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19-10-2016 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành công thương. Chỉ thị này là định hướng xuyên suốt để toàn ngành chung tay rà soát, đánh giá rõ thực trạng, kiên quyết loại bỏ, cải tạo, cải tiến, lựa chọn đầu tư công nghệ tiên tiến nhằm xử lý dứt điểm các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, ký kết Chương trình phối hợp công tác nhằm tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại giai đoạn 2017-2020, tập trung vào các nội dung: Lập và phê duyệt quy hoạch; thẩm định, phê duyệt, kiểm soát hoạt động của các dự án sản xuất công nghiệp...

Bộ Công Thương đã rà soát, đánh giá và nhận diện rõ những vấn đề then chốt dẫn đến các sự cố, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua và các nguy cơ ô nhiễm môi trường công nghiệp cao. Từ giữa năm 2015 đến nay, bộ tập trung tập huấn nâng cao năng lực đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), hướng dẫn các đơn vị xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thực hiện lập và trình thẩm định báo cáo ĐMC.

Bộ Công Thương đã tổ chức kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh có tiềm năng gây ô nhiễm cao. Đã tiến hành với 71 cơ sở sản xuất, kinh doanh và có 64/71 đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để; 7/71 cơ sở chưa đạt yêu cầu để cấp giấy chứng nhận, trong đó 5 cơ sở bị tạm ngừng hoạt động hoặc tạm dừng bộ phận gây ô nhiễm môi trường.

Đối với ngành nhiệt điện than, bộ đã chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện than có phương án cải tiến công nghệ ESP để đưa vào hoạt động ngay khi khởi động lò và thay thế nhiên liệu khởi động lò từ dầu FO, HFO sang dầu DO nhằm giảm triệt để tình trạng khói đen xả ra môi trường. Đến nay đã có một số nhà máy và dự án hoàn thành việc cải tiến, bao gồm: Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2...

Kiên quyết vì sự an toàn hồ, đập thủy điện

Trước nhiều sự cố nghiêm trọng liên quan đến hồ, đập thủy điện, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27-11-2013 về “Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện”. Trên cơ sở này, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều nghị quyết, thông tư hướng dẫn về quản lý an toàn hồ, đập, bảo đảm môi trường... của công trình thủy điện; công tác quản lý vận hành công trình thủy điện.

Sau 3 năm triển khai thực hiện (2014-2016), tổ chức rà soát đồng bộ, quyết liệt, Bộ Công Thương đã thống nhất với các tỉnh loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang (655MW) và 463 dự án thủy điện nhỏ (1.404,68MW), đồng thời không xem xét quy hoạch 213 vị trí có tiềm năng thủy điện (349,61MW). Hiện nay vẫn đang tiếp tục rà soát, đánh giá để có phương án điều chỉnh hợp lý hoặc xem xét thu hồi loại khỏi quy hoạch một số dự án thủy điện theo đúng các yêu cầu tại Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội.

Trăn trở, tìm cách để xử lý tổng thể các vấn đề, ngày 10-2-2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Quyết định số 396/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch hành động của ngành công thương triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV trong lĩnh vực thủy điện và Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 7-4-2017 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước và chấp hành quy định của pháp luật về thủy điện. Theo đó, bộ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các sở công thương, chủ đập thủy điện khẩn trương, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm vận hành, xả lũ an toàn đập và vùng hạ du, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trong công tác điều hành xả lũ bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Ngày 17-3-2017, tại TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị toàn quốc về vận hành an toàn, hiệu quả công trình thủy điện. Hội nghị đã chỉ ra nhiều “lỗ hổng” như: Có những hồ không có bất kỳ một trạm quan trắc nào, tức là "mù" về dự báo, trung bình phải 3.000km2 mới có một trạm quan trắc, chưa có quy định vận hành hồ chứa thủy điện cho liên hồ như trong trường hợp lũ về 3 hồ cùng một lúc phải phân chia xả lũ thế nào để không ảnh hưởng đến hạ du; hệ thống thông báo, cảnh báo lũ vùng hạ du không đáp ứng yêu cầu; các nhà máy chỉ lắp đặt một cụm còi tại đập, nên khi xả lũ, thông tin cảnh báo không đến được với rộng rãi người dân...

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đặt ra những câu hỏi thiết thực, từ đó nhận diện được những vướng mắc và tìm ra giải pháp, song Bộ trưởng cũng khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các địa phương, với các bộ, ngành, nhưng không thể làm thay".

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết sẽ chủ động đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập nhóm công tác liên bộ, làm việc cụ thể với từng địa phương để thống nhất phân cấp trách nhiệm rõ ràng; hoàn thiện các quy định; đưa ra chế tài xử lý đủ mạnh đối với các vi phạm như: Rút giấy phép đối với các chủ dự án, thủy điện không tuân thủ quy định pháp luật.

"Nói đi đôi với làm", thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn công tác làm việc với các tỉnh có dự án thủy điện để đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 62 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ về quy hoạch, vận hành các công trình thủy điện; kiểm tra tại hiện trường một số dự án, công trình thủy điện. Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã tổ chức 10 đoàn công tác đi làm việc và trực tiếp kiểm tra về quy hoạch, chất lượng xây dựng công trình, quy trình vận hành hồ chứa, công tác an toàn, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống lụt bão và các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thủy điện trên địa bàn 17 tỉnh. Trực tiếp thực hiện và hỗ trợ, hướng dẫn Sở Công Thương các tỉnh thực hiện công tác thẩm tra sau thiết kế cơ sở đối với một số dự án thủy điện. Chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa các lưu vực sông...

(Còn nữa)

CÔNG MINH - HỮU QUÝ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/chinh-sach/bai-2-tu-giai-phap-den-thay-doi-thuc-tien-509780