Bài 3: Đồng hành, lắng nghe tiếng nói từ doanh nghiệp

Đồng hành cùng DN đúng nghĩa cần lắng nghe, thấu hiểu được những khó khăn vướng mắc DN đang mắc phải để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, từ đó giúp DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển, đóng góp cho tăng trưởng chung của thành phố.

DN nhỏ và vừa mong muốn được hỗ trợ đào tạo về chuyển đổi số để thay đổi phương thức kinh doanh.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Cộng đồng DN luôn mong muốn thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ DN giải quyết thủ tục hành chính tốt hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí. Việc cải cách hành chính cần gắn liền với nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực trong xử lý công việc của đội ngũ cán bộ công chức. Ông Nguyễn Tiến Quang cho biết, thời gian gần đây có cảm giác cán bộ không năng động như trước, nhất là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với DN. Có những vướng mắc nếu năng động xử lý sẽ hỗ trợ tốt hơn cho DN.

Đơn cử như việc gỡ vướng mắc để giải quyết hỗ trợ giảm tiền thuê đất do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 của 159 DN thuê lại đất sản xuất trong KCN Hòa Khánh và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng. Dù trải qua mấy năm vẫn chưa tháo gỡ, thực hiện được. Nếu được hỗ trợ, tổng số tiền 18,3 tỷ đồng sẽ phần nào giúp DN vượt qua khó khăn, tiếp thêm động lực phát triển.

Bà Phan Như Yến thì chia sẻ, DN nhỏ và vừa hiện mong muốn chuyển đổi số, tận dụng sự phát triển của công nghệ để chuyển sang phương thức kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, tự thân DN bỏ chi phí để chuyển đổi sẽ khó kham nổi. Đơn cử như DN của bà Yến sau khi bỏ chi phí khảo sát về maketting trực tuyến, được tư vấn gói chi phí 500 triệu đồng/năm để duy trì. Chi phí maketting trực tuyến cho DN nhỏ của mình như vậy vượt quá khả năng, bà Yến không dám thực hiện. Song bà Yến cho rằng, nếu thành phố có chính sách hỗ trợ DN nhỏ để đào tạo về chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ rất thiết thực. “Muốn thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển đổi số để mở rộng thị trường, dùng Al bán hàng, tiếp thị sản phẩm thì cả giám đốc và nhân viên đều phải đi học. Thành phố hỗ trợ mở các lớp đào tạo về chuyển đổi số trong kinh doanh cho DN sẽ rất thiết thực, hiệu quả, sẽ có nhiều DN tham gia” - Bà Yến nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết, hiện nay cộng đồng DN du lịch mong được hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện để xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng. Cụ thể như sản phẩm du lịch biển, dù nói rất nhiều giờ vẫn chưa làm được, thua hẳn Nha Trang, Côn Đảo, Hạ Long, Phú Quốc. Biển Đà Nẵng đẹp thế nhưng bao năm nay chưa thực sự có sản phẩm ra biển.

Ông Dũng nói: Chúng ta cứ bị những quy định gò bó, chưa cởi trói được, chẳng hạn giờ cho ra biển mà không cho xuống nước, không cho rời tàu khách họ đi làm gì? Họ phải xuống bơi, lặn, ngắm san hô thì mới đi. Trong khi các địa phương khác làm được thì mình lại vướng quy định, quy trình, công bố tuyến ra biển rồi nhưng không cho rời tàu, không đầu tư điểm hậu cần... Đà Nẵng đã nói là trung tâm du lịch biển thì phải khai thác hết được những việc như vậy mới thực sự là trung tâm du lịch biển. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch hết sức mong muốn có được tour ra biển như thế, vì tài nguyên mình lớn, mình có khai thác được thì mới đủ sức cạnh tranh với các điểm đến khác.

Cũng theo ông Dũng, kinh tế thành phố hiện vẫn tập trung chủ yếu vào du lịch, dịch vụ. Cách phục hồi nhanh nhất, tạo phát triển ổn định thì cần đầu tư có các sản phẩm du lịch mới, tầm cỡ như “dòng sông ánh sáng”, các khu vui chơi giải trí về đêm…Thành phố cần có chính sách hỗ trợ DN để tạo ra các sản phẩm du lịch mới, cùng xúc tiến quảng bá điểm đến. Du khách tới Đà Nẵng mà không thấy có gì mới thì họ sẽ không quay lại.

Cộng đồng DN du lịch mong muốn tạo điều kiện có thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng về đêm, trên sông, trên biển để hấp dẫn du khách.

Gỡ vướng về thủ tục

Nhiều DN tại Đà Nẵng đang gặp khó khăn liên quan đến thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh như báo cáo đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, kiểm tra thuế… Ông Nguyễn Thanh Phúc - Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng cho biết, dự án mở rộng nhà máy bia tại Đà Nẵng tổng vốn đầu tư 27 triệu USD đã trôi qua 1 năm rồi vẫn chưa có được Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy phép xây dựng.

“Khi tôi kiểm tra hồ sơ PCCC đến đâu rồi thì thấy yêu cầu phải có loại sơn chống cháy tiêu chuẩn Châu Âu, là tiêu chuẩn tốt nhất thế giới, trong khi tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam mình không có loại sơn đó. Điều này rất bất cập, cần tháo gỡ cho DN” - ông Phúc nói. Tương tự, ông Phạm Bắc Bình chia sẻ, những dự án đã làm trước đây, áp dụng theo tiêu chuẩn chữa cháy bây giờ rất khó thực hiện. Ông Bình kể, DN của mình xây dựng kho hàng hơn 10 năm trước đảm bảo đầy đủ quy định giấy phép về PCCC mới đi vào hoạt động, bây giờ kiểm tra áp theo chuẩn mới, cần phải xây 1 bể nước ngầm 500m3, chi phí vài tỷ đồng, khó mà thực hiện được. Ông Bình cho rằng, cần có lộ trình, giải pháp cải tạo kết cấu công trình làm sao để PCCC hiệu quả, giúp DN duy trì hoạt động kinh doanh, chứ bây giờ yêu cầu áp ngay theo tiêu chí mới về PCCC rất khó khăn.

Bà Phan Như Yến chia sẻ, nếu bây giờ xây dựng một công trình mới thì phải chấp hành đúng tất cả các quy định PCCC, kể cả có những tiêu chuẩn quá cao so với khả năng, điều kiện kinh tế xã hội của nước mình. Nhưng những cơ sở cũ, phải có cách thế nào để vẫn đảm bảo PCCC an toàn, nhưng tạo điều kiện cho các DN kinh doanh. Đơn cử như siêu thị của bà Yến, bây giờ phải xây thêm 1 cầu thang nữa mới đủ điều kiện PCCC, nhưng không còn diện tích đất để xây. Để thực hiện như đúng kiến nghị chỉ còn cách đập siêu thị đi xây mới, mà như vậy quá khó cho DN.

Tương tự là việc thanh kiểm tra quá nhiều khiến DN rất “mệt mỏi”. Bà Yến nói, số cuộc kiểm tra tăng đột suất, dồn dập không hiểu được, cứ nhằm vào dịp gần Tết, mà nội dung kiểm tra trùng lặp. “Tôi có 3 cơ sở, kiểm tra an toàn thực phẩm một cơ sở rồi rút kinh nghiệm là được rồi, đằng này phải kiểm tra 3 lần, cả 3 cơ sở. DN thì đau đầu về đơn hàng, thị trường không có mà cứ phải tiếp các đoàn kiểm tra”- Bà Yến phân trần.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đang gặp rất nhiều khó khăn cần được tiếp sức để vươn lên phát triển. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ thiết thực hay tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ giúp DN vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển mà còn là biện pháp giúp nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách bền vững, truyền tải thông điệp về sự thấu hiểu, đồng hành của thành phố với cộng đồng DN.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bai-3-dong-hanh-lang-nghe-tieng-noi-tu-doanh-nghiep-post294948.html