Bài 6: Bất ngờ xin… được làm đúng!

Tin từ UBND tỉnh Bình Định hôm nay (10-6) cho hay, vừa nhận được công văn của Công ty Hoàng Gia Phát, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, nhận là đối tác cung cấp máy chính của tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu (Bộ Công an) đóng, xin được thay mới toàn bộ máy trên 10 chiếc tàu vừa đóng đã hỏng.

Theo đó, Công ty Hoàng Gia Phát tự nhận đã ký hợp đồng với Công ty Nam Triệu, cung cấp 10 bộ máy thủy Mitsubishi lắp vào tàu vỏ thép 67 đóng cho ngư dân Bình Định. Tuy nhiên, “khi đưa vào sử dụng mới biết loại máy này không phù hợp với tàu cá của ngư dân”. Vì thế công ty này nhận trách nhiệm “thay lại toàn bộ máy tàu thủy mới, chính hãng Mitsubishi cho các tàu đã lắp đặt máy của Công ty Hoàng Gia Phát, do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng. Thời gian hoàn thiện, lắp đặt máy mới từ 1- 3 tháng”.

Phía UBND tỉnh Bình Định cho hay, đến thời điểm này họ vẫn chưa có ý kiến về văn bản này.

Trong khi đó, theo các ngư dân thì đã ký hợp đồng đóng tàu trọn gói với Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Thế nên, khi chưa có ý kiến của Công ty TNHH MTV Nam Triệu thì họ chưa thể bình luận.

Trước đó, tại cuộc họp ở trụ sở UBND tỉnh Bình Định ngày 10-5, đại diện Công ty Hoàng Gia Phát đã có những tuyên bố đanh thép, khẳng định số máy lắp đặt trên tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng là máy thủy chính hãng Mitsubishi, đồng thời thách thức các cơ quan chức năng của địa phương giám định nếu cho rằng máy đã lắp là máy cũ, và không phải chính hãng. Trong quá trình xử lý tiếp theo, công ty này còn cho biết, hãng máy Mitsubishi không có chính sách thu hồi, đổi lại máy không đạt chất lượng mà chỉ có cử chuyên gia đến sửa chữa.

Trong một diễn biến liên quan, sau khi tiếp nhận thông tin có một số máy thủy của hãng vừa đưa vào sử dụng đã bị hỏng, Công ty Xin Min Hua Pte Ltd (Singapore), đại diện phân phối máy Mitsubishi (Nhật Bản) đã đưa chuyên gia đến Bình Định tìm hiểu. Qua xem xét số máy đã lắp trên chín chiếc tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu, và Đại Nguyên Dương đóng, công ty khẳng định, chỉ một chiếc máy đóng trên tàu Đại Nguyên Dương là hàng chính hãng. Số còn lại lắp trên tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng không đủ cơ sở để xác định.

Cạnh đó, đại diện hãng máy đã chỉ ra nhiều điểm bất thường trên số máy này, thí dụ như thiết bị đi kèm là thiết bị đã qua chế, độ. Màu sơn trên vỏ máy không phải là màu sơn và loại sơn mà hãng Mitsubishi sử dụng trên sản phẩm của mình. Hộp số đi cùng số máy này phần lớn đều đã qua sử dụng.

Tại Hội nghị chuyên về đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/CP của Chính phủ về một số chính sách thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 9-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tuyên bố “cấm cửa”, không cho hai Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Đại Nguyên Dương nhận đóng tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67/2014. Đồng thời, giao UBND tỉnh Bình Định làm việc, yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu thay máy mới, chính hãng; Công ty Đại Nguyên Dương phải đóng lại vỏ tàu bằng thép Hàn Quốc như hợp đồng đã ký với ngư dân.

Theo các chuyên gia đóng tàu, việc thay máy chính cũng "nặng" gần như đóng mới một con tàu. Nhà máy phải tháo toàn bộ cabin để nâng máy cũ ra, trước khi đưa máy mới vào để lắp ráp. Nhưng điều này là xứng đáng. Bởi các công ty này đã đặt một vết nhơ khó rửa cho ngành đóng tàu trong nước.

Bình luận về công văn “xin được làm đúng” của Công ty Hoàng Gia Phát với báo Nhân Dân điện tử, luật sư Nguyễn Thành Sơn, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, việc công ty này xin được thay máy mới, chính hãng là dấu hiệu tích cực trong việc khắc phục hậu quả. Nó thúc đẩy quá trình khắc phục diễn ra nhanh hơn, ngư dân sớm trở lại với biển hơn.

Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý đến những khoản thiệt hại do việc hỏng máy, tàu phải nằm bờ gây ra cho ngư dân. Tất cả đều phải được thống kê, xác nhận, buộc công ty đóng tàu tiếp tục đền bù, hỗ trợ, khắc phục hậu quả.

Quan trọng hơn, nếu cơ quan điều tra đã vào cuộc thì sau khi tháo ra, những chiếc máy cũ phải được niêm phong, bảo vệ. Vì nó là một phần tang vật của vụ án.

Nhiều luật sư tình nguyện giúp ngư dân bảo vệ quyền lợi

Luật sư Nguyễn Thành Sơn, đoàn luật sư Hà Nội qua báo Nhân Dân điện tử bày tỏ mong muốn được giúp đỡ ngư dân Bình Định bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, trước việc họ bị các công ty đóng tàu đóng, bàn giao những con tàu không bảo đảm chất lượng. Điều này khiến nhiều con tàu phải nằm bờ, ngư dân không có thu nhập, không có tiền trả nợ ngân hàng…

Theo luật sư Nguyễn Thành Sơn, ông và luật sư Nguyễn Trường Thành đoàn luật sư Cần Thơ và một số luật sư ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội có mong muốn được hỗ trợ miễn phí cho ngư dân Bình Định. Sự hỗ trợ này bao gồm tư vấn, đại diện ủy quyền, hoặc bảo vệ quyền lợi của ngư dân tại tòa các cấp nếu sự việc đến mức phải đưa ra giải quyết tại tòa án.

* Bài 1: Tàu vừa đóng xong đã hỏng

* Bài 2: Rút ruột tàu cá vỏ thép, sao mà dễ!

* Bài 3: Cần sớm rà soát việc thực hiện Nghị định 67/CP

* Bài 4: Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Làm rõ trách nhiệm, bảo đảm quyền lợi của ngư dân

* Bài 5: Ngư dân cũng cần chủ động giám sát chất lượng đóng tàu

* Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra việc đóng tàu theo Nghị định 67

* Yêu cầu thay mới máy và vỏ tàu theo đúng hợp đồng cho ngư dân Bình Định

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33138102-bai-6-doi-tac-cong-ty-dong-tau-bat-ngo-xin%e2%80%a6-duoc-lam-dung.html