Bài cuối: Bảo lưu nét đẹp văn hóa và tâm linh

Nhận diện đúng, đầy đủ bản chất và giá trị cốt lõi, từ đó thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu một cách chuẩn mực là cách để nối tiếp sức sống cho di sản, từ đó ngăn chặn sự lạm dụng, làm biến tướng di sản.

Bài 1: Bùng nổ sinh hoạt gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu

Hiểu đúng và đầy đủ giá trị cốt lõi

Sau khi được UNESCO ghi danh, các buổi hầu đồng được tổ chức nhiều hơn. Một số tổ chức văn hóa cũng tổ chức liên hoan, trình diễn hầu đồng tại các di tích liên quan đến Mẫu, các ông hoàng, các quan, các cô… khiến trong xã hội có dư luận cho rằng di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là hầu đồng, và chỉ cần thực hiện hầu đồng là bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này. Một số người còn lầm tưởng vinh danh di sản này là vinh danh các ông, bà đồng?!

Theo GS. TS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Trưởng ban Xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia trình UNESCO: “Hầu đồng là nghi thức cốt lõi trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Người hầu đồng là "cầu nối" giao tiếp giữa người bình thường với thần linh. Người ta tìm đến với tín ngưỡng thờ Mẫu là để tìm chỗ dựa về tinh thần, ấy là niềm tin, là sự chia sẻ. Tuy nhiên, dù hầu đồng là thành tố quan trọng và nhạy cảm bậc nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, thì đánh đồng hoặc coi tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ có hầu đồng là thiếu chính xác, không công bằng, chưa hiểu đúng và hiểu hết giá trị của di sản, (mà) thực ra mới chỉ hiểu một thành tố của di sản, chưa kể - có khi còn là hiểu chưa kỹ thành tố này của di sản”.

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, Chủ tịch Hội Bảo vệ di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Nam Định có chung ý kiến khi cho rằng, để bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trong xã hội đương đại, trước hết cần nhận diện đúng, đầy đủ bản chất và giá trị cốt lõi của di sản. Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đáp ứng các tiêu chí của UNESCO và đã được biết đến ở tầm quốc tế. Tuy nhiên cũng cần nhận thức rõ, UNESCO vinh danh di sản này không ở góc độ tôn giáo, tín ngưỡng, mà ở những thực hành liên quan đến di sản. Đó là những sáng tạo văn hóa của cộng đồng, có giá trị nhân văn, tiến bộ thể hiện bản sắc của cộng đồng.

“Những thực hành tốt sẽ thúc đẩy giá trị của di sản đóng góp nhiều hơn cho phát triển xã hội. Những thực hành chưa chuẩn mực, đặc biệt là tính tự phát trong sinh hoạt thực hành nói chung, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (đặc biệt là Hát văn - Hầu đồng) hướng theo mục đích thương mại hóa di sản sẽ chỉ làm méo mó và có thể dẫn đến hủy hoại di sản” - PGS. TS. Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhận định.

Các nhà nghiên cứu góp ý, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về di sản, giúp hiểu đúng, đầy đủ hơn về Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động thông tin, xuất bản nhằm phổ biến kiến thức và quảng bá di sản, định hướng công chúng phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, tránh sa vào mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh.

HIểu di sản để lưu giữ nét đẹp văn hóa và tâm linh
Ảnh: dangcongsan.vn

Quy chuẩn để tránh cải biên tùy tiện

Để kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, chệch hướng trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tuân thủ đúng các nguyên tắc của UNESCO, GS. TS. Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đề nghị, cần có những giải pháp phù hợp và đồng bộ. Trong đó, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung những quy định mới phù hợp với tình hình thực tiễn, như: Quy định về quản lý hoạt động tín ngưỡng tại các điện thờ tư gia; Quy định về sinh hoạt của các bản hội... Đây là mảng quản lý đang bị để ngỏ, trong khi chính tại đây đang diễn ra những biểu hiện phức tạp, khó kiểm soát.

ThS. Trần Quang Dũng, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long kiến nghị tiếp tục kiên trì thực hiện Chương trình hành động ở giai đoạn 5 năm tiếp theo, trong đó xác định rõ hơn trách nhiệm từng cấp, từng ngành, nhằm triển khai có chiều sâu, chú trọng hướng tới huấn luyện, đào tạo, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ chuyên môn; dành đầu tư cho việc nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê. Đồng thời, bổ sung, áp dụng chế tài xử lý nghiêm khắc các vi phạm... Tạo điều kiện để các địa phương hình thành hội, câu lạc bộ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, qua đó phát huy mặt tích cực, bài trừ biến tướng, dị đoan. Đề cao vai trò của người có uy tín, ảnh hưởng, tạo sự đoàn kết, mạnh dạn đấu tranh với những “con sâu làm rầu nồi canh”, trả lại sự trong trong sạch, linh thiêng cho tín ngưỡng thờ Mẫu.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân; thẩm định, giới thiệu các thanh đồng, thủ nhang có tâm đức, có uy tín với cộng đồng để công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân. Họ sẽ trở thành những hạt nhân, khuôn thước, hình mẫu để cộng đồng tín ngưỡng noi theo. Cũng cần chú ý đến việc khen thưởng, tôn vinh đội ngũ cung văn, nhạc công. Có chính sách phù hợp khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng bảo tồn, giữ gìn các không gian thờ tự và thực hành nghi lễ. Phát huy vai trò của các thủ nhang, thanh đồng trong việc trao truyền, thực hành di sản đúng cách, cũng như đề cao tâm đức trong việc phụng thờ Thánh, góp phần giảm thiểu những biểu hiện tiêu cực trong thực hành tín ngưỡng.

Theo Nghệ nhân ưu tú Lưu Ngọc Đức, thủ nhang đền Lảnh Giang Vọng Từ (Hà Nội), rất cần có những quy định chung mang tính quy chuẩn về các bước hành lễ, các nghi thức liên quan, thậm chí cả trang phục, văn chầu, lễ vật dâng cúng, đồ mã…, tránh những cải biên tùy tiện, tự phát. Ngoài ra cũng cần có những quy định về đạo đức, phẩm hạnh của đồng thầy và con nhang đệ tử, quy ước về văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong cộng đồng tín ngưỡng…

Những giải pháp đồng bộ, chính sách kịp thời sẽ giúp bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, tránh sa vào trạng thái cực đoan: Hoặc cấm đoán, quản lý quá cứng nhắc như trong thời kỳ quá khứ, hoặc quá buông lỏng, để tự do phát triển, dẫn tới tình trạng trần tục hóa, thương mại hóa, bóp méo bản chất của di sản.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/bai-cuoi-bao-luu-net-dep-van-hoa-va-tam-linh-i298478/